Ngày 12/12, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà.
Đây là buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên của ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sau khi chuyển từ đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La về đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.
Cử tri bức xúc vì xử lý cán bộ vi phạm chưa nghiêm
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Trí Bảy (Sơn Trà) cho rằng, việc xử lý tài sản tham ô hiện nay vẫn chưa hiệu quả.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói việc kỷ luật lãnh đạo phải đảm bảo sự ổn định của thành phố. Ảnh: TT |
Điển hình là trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái.
Theo cử tri Bảy thì các cơ quan chức năng đã điều tra, xác định sai phạm và ra văn bản xử phạt hành chính hơn 507 triệu đồng.
“Như thế vô tình chúng ta hợp thức hóa cho sai phạm của ông này. Tôi cho rằng biện pháp xử lý như vậy là không nghiêm. Hợp thức hóa là không được. Đề nghị tịch thu tài sản, bán đấu giá”, ông Bảy nói.
Liên quan đến việc xử lý ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về những sai phạm đã được Trung ương kết luận theo Bảy như thế là chưa nghiêm.
“Theo tôi, đáng ra ông Thơ không được làm Chủ tịch thành phố nữa. Bởi lẽ, theo luật công chức viên chức xử lý sai phạm của người công chức đó thì không được giữ chức vụ cũ mà phải hạ cấp lãnh đạo của mình, chứ không thể giữ nguyên chức vụ Chủ tịch.
Hoặc hạ luôn bậc lương. Ông Thơ sai phạm cả về quản lý nhà nước về đất đai lẫn sai phạm về công tác đảng. Nếu xử lý như vừa qua là chưa xác đáng, chưa nghiêm minh.
Nếu như sau này cán bộ cấp dưới sai phạm thì xử lý ra sao? Có phải là không công bằng không? Tôi cho rằng xử lý thế này vẫn còn ô dù che”, ông Bảy nói.
Cử tri Lê Thọ Truyền cho rằng, việc đấu tranh chống tham nhũng phải quyết liệt, đấu tranh đến cùng, truy đến cùng các tài sản bất minh và thu hồi.
Theo quy định của Trung ương, nếu Đảng viên tham nhũng thì khiển trách, cảnh cáo, khai trừ khỏi đảng... Nhưng nếu khai trừ mà không thu hồi tài sản thì người tham nhũng cũng ngồi nhà sung túc.
Ông cũng cho biết thêm, qua theo dõi 5 năm qua thì có 60.000 tỷ đồng đầu tư vào các công trình không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
“Việc nay ai chịu trách nhiệm, Bộ ngành nào chịu trách nhiệm? Phải làm sao để tiền thuế của nhân dân phát huy hiệu quả”.
Ông Truyền đề nghị đưa vào Luật quy định rõ: những Bộ ngành nào phê duyệt các dự án không phát huy hiệu quả phải chịu trách nhiệm.
Kỷ luật cán bộ nhưng phải giữ được sự ổn định của Đà Nẵng
Liên quan đến việc xử lý kỷ luật Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, sẽ thực hiện trên nguyên tắc là làm sao giữ được ổn định của Đà Nẵng để phát triển.
Tài sản của ông Phạm Sỹ Quý đang thách thức quyết tâm chống tham nhũng của Đảng |
“Có bước đi sao cho nó chắc chắn, không làm đảo lộn nhiều vấn đề. Việc của đồng chí Thơ như thế nào thì cứ thực hiện đúng theo luật.
Ý kiến đó không phải chỉ một người đó nói đâu, với trách nhiệm là Bí thư, chúng tôi cũng sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng nhất để ít ảnh hưởng nhất đến tính ổn định trong lãnh đạo, chỉ đạo, chính trị của thành phố”, ông Nghĩa nói.
Tại buổi tiếp xúc cử tri lần này, ông Nghĩa cũng chia sẻ nhiều vấn đề về phát triển Đà Nẵng.
Trong đó, đã đến lúc phải đánh giá lại một cách toàn diện hướng đi của thành phố như thế nào cho chuẩn mực trong một thời gian dài hơn.
“Hội đồng nhân dân vừa rồi cũng chỉ thông qua những quyết sách thường niên. Còn quyết sách lâu dài sẽ vào kỳ họp thứ nhất năm 2018.
Chúng ta sẽ dành 5 tháng thuê chuyên gia họp lại, rà soát lại xem định hướng phát triển của chúng ta như thế nào, kể cả về quy hoạch”, ông Nghĩa cho hay.