Brexit, bầu cử Mỹ và bài học khi muốn nghe ý kiến của nhân dân?

26/03/2017 07:41
Đất Việt
(GDVN) - Từ Tây sang Đông, về cơ bản, nhân dân ai mong có được chính quyền vì lợi ích của số đông, đó là bản chất của dân chủ chăng?

LTS: Từ câu chuyện Brexit và bầu cử Mỹ năm 2016, tác giả Đất Việt chia sẻ quan điểm về việc chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Theo đó, tác giả nhấn mạnh đến việc cần hướng đến lợi ích của đa số nhân dân và việc phát huy tính dân chủ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Ngày 10/3/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có chia sẻ về việc “nhìn thẳng vào sự thật” để thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam [1] trong giai đoạn tới. 

Tôi rất tâm đắc với đề xuất của Phó Thủ tướng về việc để thúc đẩy cả xã hội tiến bộ, chúng ta (Chính phủ và các cơ quan hành chính) cần lắng nghe kiến nghị và đóng góp, càng cụ thể càng tốt, từ các doanh nghiệp, Hiệp hội và các tổ chức có liên quan, bao gồm cả ý kiến của nhân dân.  

Câu hỏi ở đây là làm thế nào để xây dựng kênh trao đổi và lắng nghe giữa các cơ quan chính quyền và các doanh nghiệp, các tổ chức và nhân dân một cách có hiệu quả? 

Và những ý kiến được đóng góp, được đệ trình lên từ các doanh nghiệp, từ các hiệp hội chuyên môn, từ các tổ chức có thực sự đảm bảo là tiếng nói phản ánh của số đông hay chưa? 

Các ý kiến đóng góp liệu có phải là ý kiến của số đông hay không? (Ảnh: prahranmission.org.au)
Các ý kiến đóng góp liệu có phải là ý kiến của số đông hay không? (Ảnh: prahranmission.org.au)

Việc tổ chức lấy ý kiến đông đảo của nhân dân về những văn bản, chính sách quan trọng có thực sự giúp cho những ý kiến của họ được lắng nghe, được ghi nhận?

Thực tế quan sát trong hơn 20 năm làm việc ở lĩnh vực đầu tư và pháp lý của doanh nghiệp, tôi nghĩ chúng ta luôn có những thách thức lớn trong kỹ thuật làm chính sách cũng như văn bản phản ánh được lợi ích hài hòa cho số đông, mà cụ thể là cho một xã hội tốt, với lợi ích là cho đa số.  

Trong bài viết này, tôi muốn chia một số thực tiễn từ việc lấy ý kiến của nhân dân trong việc rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU) ở Anh và bầu cử Mỹ 2016 làm những ví dụ về việc, mặc dù chúng ta nghĩ và tin tưởng vào việc lấy ý kiến của số đông, của xã hội (mang tính dân chủ), kết quả chúng ta nhận lại được có thể không phản ánh đúng điều này.

Brexit
 
Trên tờ The Guardian (Anh) ra ngày 11/4/2016 [2], John Longworth – cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại Anh đã chỉ ra việc “từ bỏ Châu Âu” của Anh (sau đây gọi là Brexit) là quan điểm của những tập đoàn kinh tế đại diện cho 5% kinh tế Anh. 

Họ muốn thúc đẩy việc rời bỏ Châu Âu vì lợi ích của những tập đoàn này, khi hoạt động kinh doanh của họ bị bó buộc vào những luật lệ chung Châu Âu, trong khi kinh doanh và dịch vụ của họ đã xuất khẩu đi toàn cầu.  

Nhân dân nào ở Anh đã bỏ phiếu để rời bỏ Châu Âu và tại sao họ lại bỏ phiếu đồng thuận việc này? Ảnh trên tờ The Guardian.
Nhân dân nào ở Anh đã bỏ phiếu để rời bỏ Châu Âu và tại sao họ lại bỏ phiếu đồng thuận việc này? Ảnh trên tờ The Guardian.

Câu hỏi được đặt ra trong bài báo đó là “Tại sao chúng ta thường nghe được nhiều ý kiến từ những tập đoàn, đặc biệt là tập đoàn đa quốc gia, thay vì nghe được ý kiến của những người tạo nên nền kinh tế thực sự?” 

Theo như John chia sẻ, xuất khẩu từ Anh sang EU chiến khoảng 13% GDP, 17% cho toàn bộ phần còn lại của thế giới, và những tập đoàn thúc đẩy Brexit vì lý do ở lại EU sẽ làm họ mất tính cạnh tranh xuất khẩu trên toàn cầu.  

Nhưng phần còn lại của nền kinh tế Anh là thị trường nội địa, tương đương với 87% nền kinh tế và phần lớn công việc lại có tính liên kết với Châu Âu một cách chặt chẽ.  

Những ảnh hưởng của tập đoàn và tập đoàn đa quốc gia, những ảnh hưởng từ các chính trị gia (được hiểu) đã cổ xúy hoặc đại diện cho những lợi ích của những tập đoàn này, đã khích lệ và đẩy đưa ý tưởng rời bỏ Châu Âu, từ một ý kiến vu vơ, nay trở thành một việc cần trưng cầu dân ý.  

Và câu chuyện được bắt đầu từ việc lấy ý kiến của nhân dân. Nhân dân nào ở Anh đã bỏ phiếu để rời bỏ Châu Âu và tại sao họ lại bỏ phiếu đồng thuận việc này?

Ngày 23/6/2016, với tỷ lệ dân Anh đồng thuận rời Châu Âu ở mức 51.9% so với tỷ lệ chống (không rời Châu Âu) là 48.1%, nước Anh đã quyết định rời bỏ Châu Âu [3].   

Brexit, bầu cử Mỹ và bài học khi muốn nghe ý kiến của nhân dân? ảnh 3

Tranh luận tự do – Đối thoại giữa mẹ và con Mỹ

Theo phân tích những dữ liệu thu thập từ việc bỏ phiếu ở Anh cho Brexit, The Atlantic [3] đã nhận ra mấy đặc điểm của những người đồng thuận với việc rời bỏ Châu Âu, đó là những người trung niên, phần lớn không có bằng đại học, thu nhập thấp và được sinh ra ở nước ngoài.  

Điều mà báo cáo của The Atlantic nêu ra là hầu hết những người có trình độ đại học (2/3 ở London) đều bỏ phiếu “ở lại”, trong khi những người có gốc nhập cư, sống xa thành phố lớn, không có bằng đại học và độ tuổi trung niên lại muốn “rời bỏ Châu Âu”.  

Số liệu của Sky Data về tỷ lệ theo độ tuổi những người đã tham gia bỏ phiếu ở lại/rời bỏ EU:
✔@SkyData
% who got through our final #EUref poll turnout filter by age group:
18-24: 36%
25-34: 58%
35-44: 72%
45-54: 75%
55-64: 81%
65+: 83%
8:45 AM - 25/6/2016

Theo như báo cáo từ dữ liệu những người tham gia trưng cầu dân ý, câu hỏi rất quan trọng và được nhắc đến nhiều lần ở Anh thời điểm đó là “Tương lai nước Anh thuộc về ai? Tại sao lại chỉ thuộc về những người lớn tuổi?” 

Câu trả lời mà được nhiều dữ liệu minh chứng cho việc tại sao người trẻ không tham gia vào trưng cầu dân ý ở Anh cho vụ Brexit đơn giản hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể nghĩ ra.  

Brexit, bầu cử Mỹ và bài học khi muốn nghe ý kiến của nhân dân? ảnh 4

Dân chủ cơ sở là niềm tin xây dựng đất nước

Thế hệ trẻ hiện nay không quan tâm đến tình hình đất nước, họ chỉ quan tâm đến “kết nối Wi-fi” [4].

Và quan trọng hơn, những thế hệ trẻ nghĩ rằng “những nhà chính trị không làm gì cho họ cả” (Politicians do nothing for them) [4], và theo đó, việc họ có ý kiến hay không với việc ở lại cũng không có nhiều ý nghĩa.  

Phần lớn những người trẻ tuổi ở Anh đã tự nguyện từ bỏ quyền có tiếng nói của họ, bởi họ đã không còn niềm tin vào chính sách, chính quyền, và khả năng thay đổi một hệ thống chính trị bị phụ thuộc vào các lợi ích của tập đoàn kinh tế.

Bầu cử Mỹ

Câu chuyện bầu cử ở Mỹ khá tương đồng với việc trưng cầu dân ý ở Anh dưới góc độ đa phần những người bầu cho Tổng thống mới là những người dân da trắng, sống xa thành phố lớn, chưa có bằng cấp (cấp 3 và đại học), thu nhập thấp [5]. 

Nhưng bầu cử ở Mỹ có nhiều yếu tố bên ngoài tác động xuyên suốt quá trình bầu cử, mà cho đến nay, chưa có gì rõ ràng cả. 

Cuộc bầu cử Mỹ 2016 với sự cạnh tranh của hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump.
Cuộc bầu cử Mỹ 2016 với sự cạnh tranh của hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump.

Bỏ ra ngoài tất cả các giả định, dựa vào dữ liệu mà các hệ thống đo lường người đi bầu cử phản ánh, đại đa số người có bằng đại học, phụ nữ, những người trẻ tuổi và dân thiểu số (Mỹ gốc Phi, Mỹ gốc Latinh, Mỹ gốc châu Á) bầu cho ứng viên Hillary, nhưng bà đã thất bại.  

Việc thất bại này cũng phản ánh một ý nghĩa hết sức quan trọng về sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, và việc những thành viên thiểu số chưa thể hiện hết được tiếng nói của mình (do Mỹ không đi theo chế độ bầu cử phổ thông). 

Sau Brexit và bầu cử Mỹ, các nhà nghiên cứu đã nhận ra mấy điểm rất nên quan tâm trong xã hội, nhằm giúp chúng ta hài hòa hơn (harmonization) trong những ý kiến, trong những tranh luận vào những hoạt động của xã hội, bao gồm cả việc dám nêu lên tiếng nói của mình.  

Cụ thể như sau:

1. Nếu có thể, hãy làm cho giới trẻ, và đặc biệt là những người được học hành, tham dự càng sớm càng tốt vào những công việc của xã hội, đặc biệt là các chương trình và chính sách chung có liên quan trực tiếp đến tương lai của họ, những người trẻ.  

Để họ có thể tham gia, họ cần có thông tin, họ cần được học và thực hiện quyền chia sẻ ý kiến của mình mà không bị “gắn mác”. 

Brexit, bầu cử Mỹ và bài học khi muốn nghe ý kiến của nhân dân? ảnh 6

Việt Nam - giấc mơ 2035 (phần cuối): Con đường phía trước

Điều này phụ thuộc vào giáo dục trong trường và sinh hoạt tại các tổ chức phù hợp.

2. Khi tổ chức thực hiện các chương trình trưng cầu dân ý, hay lấy ý kiến của cộng đồng, hãy đưa những thông tin, văn bản trên các phương tiện truyền thông, trên những trang web chuyên về lấy ý kiến nhân dân và đảm bảo việc nhân dân có thể hỏi đáp với các chuyên gia chuyên ngành để hiểu rõ vấn đề trước khi họ nêu ra ý kiến/quyết định của mình.

Điều này được hiểu là quyền được biết rồi mới đến quyền được quyết, và sau cùng mới là giám sát. 

Được biết - phải được hiểu là được biết một cách đầy đủ, trọn vẹn và có kết nối với các hệ thống thông tin chung toàn cảnh của kinh tế - xã hội đất nước, nhằm đảm bảo những ý kiến đóng góp không bị thiên lệch hoặc không phải vì lợi ích chung của tất cả. 

Không gì tốt hơn bằng việc công khai và minh bạch các thông tin của cơ quan nhà nước trên website và có quy trình rõ về việc ghi nhận những ý kiến liên quan, có thời hạn cho việc trả lời các câu hỏi của nhân dân.

3. Những cách thức để hạn chế (hoặc giới hạn) ảnh hưởng của tập đoàn kinh tế hay tập đoàn quốc gia trong việc đưa ra các chính sách quốc gia, văn bản pháp luật để trục lợi cho số ít, không phải cho đa số nhân dân.  

Brexit, bầu cử Mỹ và bài học khi muốn nghe ý kiến của nhân dân? ảnh 7

Thế nào là “lỗi điều hành”?

Ở Mỹ, có một cuốn sách nổi tiếng viết về điều này, đó là “Ai đang điều chỉnh nước Mỹ? Chiến thắng của các Tập đoàn giàu có” [6] của G. William Domhoff.

Và trong 30 năm qua, 40% người trung lưu Mỹ đã dần dần chuyển sang mức sống thấp hơn nhiều, tạo nên những bất bình đẳng trong thu nhập và xã hội, nguyên nhân chính của phân hóa xã hội và sụt giảm sức cạnh tranh của kinh tế Mỹ xét về tổng thể.

Với những thực tế trên của Brexit và Mỹ, cá nhân tôi tin rằng Việt Nam chúng ta cũng học được nhiều từ những đề xuất của các nhà nghiên cứu nước ngoài về cách thức làm cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động trong xã hội, đóng góp ý kiến và kiến nghị cho các chính sách và văn bản pháp luật, đồng thời có được những hoạt động hữu hiệu hạn chế lợi ích của tập đoàn trong quá trình làm chính sách và văn bản. 

Từ Tây sang Đông, về cơ bản, nhân dân ai mong có được chính quyền vì lợi ích của số đông, đó là bản chất của dân chủ chăng? 

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Pho-Thu-tuong-Vu-Duc-Dam-Chung-ta-phai-nhin-thang-vao-su-that-post174974.gd

[2] https://www.theguardian.com/commentisfree/2016/apr/11/i-resigned-tell-truth-leaving-eu-british-chambers-commerce

[3] https://www.theatlantic.com/international/archive/2016/06/brexit-vote-statistics-united-kingdom-european-union/488780/

[4] https://www.theguardian.com/commentisfree/2016/jun/28/young-people-bad-voting-millennials-eu-vote-politics

[5] http://www.businessinsider.com/exit-polls-who-voted-for-trump-clinton-2016-11/#more-women-voted-for-clinton-as-expected-but-trump-still-got-42-of-female-votes-1

[6] https://www.amazon.com/Rules-America-Triumph-Corporate-Rich/dp/0078026717

Đất Việt