Các chuyên gia bảo tồn động thực vật thế giới lên tiếng bảo vệ Sơn Trà

04/04/2017 09:17
An Nguyên
(GDVN) - Trước những động thái xâm hại núi Sơn Trà, nhiều chuyên gia về bảo tồn động vật trên thế giới, lãnh đạo các tập đoàn lớn đã kêu gọi cùng chung tay bảo vệ.

Đoàn chuyên gia "có một không hai" này vừa có chuyến đi thực địa lên núi Sơn Trà ngày 2/4 để tìm hiểu về hệ sinh thái nơi đây cũng như những tác động, ảnh hưởng của các khu du lịch mà “báu vật” này đang đối mặt.

Chuyến đi này gồm có: ông Josh Kempinski - Giám đốc Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), ông Ben Rawson - Giám đốc Bảo tồn và Chương trình phát triển tổ chức quỹ bảo tồn thế giới (WWF) tại Việt Nam, ông Jonathan Charles Eames - Tổ chức bảo tồn chim quốc tế.

Nhiều công trình xây dựng bằng bê-tông kiên cố đang "băm nát" núi Sơn Trà. Ảnh: TT
Nhiều công trình xây dựng bằng bê-tông kiên cố đang "băm nát" núi Sơn Trà. Ảnh: TT

Ngoài ra còn có Tiến sĩ Hà Thăng Long - Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam, ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet cùng lãnh đạo điều hành (CEO) của các tập đoàn lớn tại Việt Nam như: REE, ACB, AA Decor, Galaxy…

Các chuyên gia bảo tồn động thực vật thế giới lên tiếng bảo vệ Sơn Trà ảnh 2

Đà Nẵng đập bỏ 40 móng biệt thự không phép trên núi Sơn Trà

Ông Jonathan Charles Eames - Tổ chức bảo tồn chim quốc tế chia sẻ, Sơn Trà là một trong những hệ sinh thái rừng ven biển hiếm còn tương đối nguyên vẹn và rất đặc cho Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Đây không chỉ “báu vật” đối với người Đà Nẵng mà của cả nước Việt Nam và thế giới nên cần phải bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái này. 

“Kế hoạch quy hoạch Sơn Trà được đưa ra vừa qua cần được điều chỉnh để giữ nguyên hiện trạng là một khu bảo tồn hơn là khu du lịch nghỉ dưỡng.

Chúng ta nói nhiều về du lịch sinh thái nhưng việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên núi như thế này không phải là du lịch sinh thái.

Du lịch sinh thái là cần tôn trọng thiên nhiên để có thể phát triển lâu dài” ông Jonathan Charles Eames nói.

Còn ông Josh Kempinski - Giám đốc Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) cho rằng, hiếm có thành phố nào trên thế giới có khu rừng nằm trong lòng như ở Đà Nẵng. Khu rừng cần được giữ gìn nguyên vẹn để tạo ưu thế phát triển lâu dài.

Tiến sĩ Hà Thăng Long, người từng nhiều năm “lăn lộn” với Sơn Trà để bảo vệ sự khu rừng này phân tích, việc tác động lên Sơn Trà không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trên cạn mà còn ảnh hưởng đến cả hệ san hô, sinh vật biển dưới biển.

“Thực tiễn cho thấy việc xây dựng các nhà hàng, khách sạn ở khu vực phía nam bán đảo Sơn Trà đã ảnh hưởng đến sự tồn tại của các rạng san hô ở khu vực này.

Do các chất thải, nước thải từ sinh hoạt của con người làm ô nhiễm môi trường sống của các rạng san hô và các loài sinh vật biển” Tiến sĩ Long nói.

Theo các chuyên gia đánh giá, hiện quy hoạch du lịch Sơn Trà “nặng” về việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng và các hoạt động vui chơi, của con người.

Nhưng hệ sinh thái rừng ở đây (khoảng 1.056 hecta) thực sự quan trọng không chỉ đối với loài chà vá chân nâu, một loài linh trưởng nguy cấp mà còn quan trọng đối với người dân Đà Nẵng.

Bởi nó được xem như "lá phổi xanh" với chức năng điều hòa không khí (cung cấp khí oxy sạch), giữ gìn nguồn nước bề mặt, bổ sung nước ngầm.

Ngoài ra, hàng trăm loài động, thực vật, vi sinh vật cũng đang tồn tại trên hệ sinh thái này.​

Tại buổi làm việc, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm phải cùng chung tay bảo vệ Sơn Trà. Các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện công việc này.

Bên cạnh việc truyền thông thì các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ thực hiện gây quỹ trong cộng đồng nhằm bảo vệ hệ sinh thái khu vực này.

An Nguyên