"Chạy chức chạy quyền", hiểu sao cho đúng?

31/01/2015 07:32
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Quan điểm bình luận cho rằng không nên dùng "chạy" mà phải dùng thuật ngữ chính xác là vận động tranh cử, tránh bị hiểu chạy là "mua quan bán tước", rất xấu.

"Chạy công khai, tiền sẽ nổi lên"

Trả lời phỏng vấn trên báo Đất Việt về việc chạy công chức, chạy quyền ở Việt Nam (hôm 23/1), PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng cần luật hóa vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri đặt vấn đề: “Tại sao lại phê phán việc chạy chức chạy quyền. Trên thế giới này chạy chức chạy quyền nhiều chứ. Obama phải ‘chạy’ vào Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào Nhà Đỏ, thì việc chạy vào chức, quyền của Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

"Ai cũng muốn có chức, có quyền và điều này chưa thể khẳng định là xấu. Bản thân tôi cũng từng nói với nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rằng tôi cũng muốn chạy để có chức. Vào để tôi có cơ hội đóng góp được nhiều hơn. Cho nên đừng nhầm lẫn giữa cái người ta muốn chức với mục tiêu vào chức ấy để lợi dụng, kiếm lời cho cá nhân, có hại cho cái chung", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri bày tỏ .

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri bàn về chuyện chạy chức, chạy quyền (ảnh: Báo Đất Việt)
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri bàn về chuyện chạy chức, chạy quyền (ảnh: Báo Đất Việt)

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, cần vận dụng cơ chế thị trường vào các lĩnh vực khác của đời sống xã hội: “Điều mà tôi băn khoăn, cơ chế thị trường đã được vận dụng trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, vậy nó có được vận dụng trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội hay không. Câu trả lời là có”.

“Như vậy, trong tổ chức, trong cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường bởi nó không có gì xấu vì vẫn là quan hệ cung - cầu. Thế nhưng, chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền”, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nêu quan điểm.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho biết thêm, nếu luật hóa việc chạy chức chạy quyền, cần phải có cơ chế để quản lý chặt chẽ: “Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường thì chính những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định cho nó chạy. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết".

Hiểu thế nào cho đúng?

Quan điểm “cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền” của PGS.TS Nguyễn Hữu Tri đã gây ra những phản ứng trái chiều từ phía dư luận.

Hôm 29/1, trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Xuân Thành, một nhà quan sát chính trị trong nước cho rằng, cần hiểu rõ bản chất của cụm từ "chạy chức, chạy quyền", tránh gây hiểu nhầm.

Tiến sĩ Dương Xuân Thành cho rằng, nếu “chạy” (vận động bầu cử - PV) ở đây là những cuộc vận động công khai, minh bạch theo kiểu vận động tranh cử thì không có gì xấu. 

"Tại một số nước tư bản, việc gây qũy vận động tranh cử đã được luật hóa. Ví dụ, đạo luật cải cách tranh cử mà Tổng thống Bush ký năm 2002 cho phép mỗi công dân đóng góp tối đa 2.000 USD cho các ứng viên hoặc chính đảng trong mỗi lần bầu cử. Có thể thấy không có tiền không thể đắc cử thượng viện hoặc tổng thống Mỹ", Tiến sĩ Dương Xuân Thành viện dẫn.

Tiến sĩ Dương Xuân Thành nhận định, tiền chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ phải là trình độ, uy tín chính trị và khả năng thu hút quần chúng. Làm chính trị không cần sự thông minh như nhà khoa học nhưng chắc chắn không thể là những người dốt nát dựa vào tiền bạc và các mối quan hệ.

"Trường hợp này cần luật hóa về nhân thân người “chạy” và nguồn tài chính mà họ dùng để “chạy”. Luật hóa có nghĩa là không cho phép dùng tiền “bẩn” hoặc tiền được các tổ chức, cá nhân giấu mặt muốn “rửa” thông qua việc góp quỹ. Thực tế cho thấy không thiếu Tổng thống được dựng lên ở nơi này nơi khác bởi tiền của CIA. Đối với trường hợp này không nên dùng từ “chạy” mà nên dùng từ “vận động”, Tiến sĩ Dương Xuân Thành cho biết.

Ở một khía cạnh khác, Tiến sĩ Dương Xuân Thành viện dẫn mối quan hệ giữa tiền bạc và quyền lực xét trong mối quan hệ "chạy chức, chạy quyền" ở Việt Nam: "Theo cách hiểu thông dụng của người Việt thì việc chạy chức, chạy quyền lại là chuyện khác. Người ta tập trung “chạy chức” trước khi  “chạy quyền”. 

"Chức sinh ra quyền, quyền sinh ra tiền và tiền lại sinh ra chức. Người chạy chức chắc chắn là có nhiều tiền, nhưng chưa chắc đã là con người có trí tuệ, có khả năng lãnh đạo và có sức thuyết phục quần chúng. Đây thực chất là sự “mua quan, bán tước”, Tiến sĩ Dương Xuân Thành cho hay.

Tiến sĩ Dương Xuân Thành đưa ra nhận định, những người còn đủ năng lực trí tuệ, còn biết xấu hổ không ai “chạy” kiểu này. Nếu ai đó cổ xúy cho họ thì trước hết cần xem lại nhân cách chính mình.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc chạy chức chạy quyền ở Việt Nam là một hình thức hối lộ - tham nhũng. Nếu đưa vào luật, và áp dụng trên thực tế sẽ gây ra những hậu quả khôn lường trong việc tổ chức, quản lý, điều hành bộ máy Nhà nước…

PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam (ảnh: NVCC)
PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam (ảnh: NVCC)

Hôm 30/1 trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, việc luật hóa việc “chạy chức, chạy quyền" ở Việt Nam là điều khó khả thi.

“Việc chạy chức chạy quyền hiểu theo nghĩa đen tại Việt Nam là do biểu hiện của lòng tham, sự ham hố, và sự ích kỷ. Đây là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức, sự tệ hại của nhân cách. Xét dưới góc độ xã hội và đạo đức thì đó là biểu hiện của thái độ vô đạo đức, hành vi tổn hại đến con người và xã hội. Do vậy, sự tự đánh giá về chính mình cần đúng đắn, cần tôn trọng bản thân, đóng góp bằng thực lực, thể hiện trách nhiệm có nghĩa vụ và lương tâm đối với xã hội", PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn phân tích.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng, không thể nhầm lẫn (so sánh) việc “chạy” (chức, quyền) với việc thể hiện và vận động (bầu cử): “ Việc vận động (bầu cử) đó là cách thể hiện khả năng, tự giới thiệu, tự khẳng định, thuyết phục công khai, kêu gọi dư luận tích cực bằng số phiếu, bằng ý kiến của người khác. Do vậy, việc “chạy” này có thể chấp nhận được.

“Tuy nhiên, việc dùng mối quan hệ cá nhân, dùng quà cáp, vật chất để “chạy” là hành vi có dấu hiệu cá nhân quá mức, thậm chí đó là hành vi phi đạo đức, có biểu hiện của chạy chọt, tham nhũng xét từ hai phía”,  PGS.TS Huỳnh Văn Sơn lưu ý.

Từ những phân tích trên, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn đưa ra nhận định: “Việc “chạy chức, chạy quyền” – bản thân nó đã có vấn đề thì không thể gọi là hành vi phù hợp nên luật hóa việc này sẽ là điều khó khả thi.

QUỐC TOẢN