Chính sách đặc thù cho nuôi trồng, khai thác dược liệu

27/05/2017 07:40
Diệu Linh
(GDVN) - Nếu xây dựng mô hình áp dụng công nghệ nuôi trồng tốt thì được hỗ trợ 100% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí tập huấn kỹ thuật...

Theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP, Nhà nước ưu đãi về đất đai; hỗ trợ sản xuất giống, hỗ trợ áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu... cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi trồng, khai thác dược liệu trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về sản xuất giống, Nhà nước hỗ trợ 1 lần 50% tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (cải tạo đồng ruộng, thủy lợi, giao thông nội đồng, nhà lưới, nhà kính, chuồng trại, kho bảo quản, xử lý môi trường) cho các cơ sở nhân giống tập trung có quy mô từ 02 ha trở lên đối với cây dược liệu, 0,5 ha trở lên đối với vật nuôi làm dược liệu, tối đa không quá 2 tỷ đồng/1 cơ sở.

Đối với cơ sở sản xuất giống dược liệu ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/1 cơ sở.

Hỗ trợ 1 lần 60% chi phí sản xuất giống gốc, 30% chi phí sản xuất giống thương phẩm theo định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Trường hợp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, mức hỗ trợ tương ứng là 80% và 50%; hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật cho người trực tiếp sản xuất giống theo nội dung và định mức chi quy định tại Nghị định số 2/2010/NĐ-CP ngày 8/1/2010.

Nghị định số 65/2017/NĐ-CP quy định cụ thể chính sách dành cho nuôi trồng, khai thác dược liệu. ảnh minh họa: TTXVN.
Nghị định số 65/2017/NĐ-CP quy định cụ thể chính sách dành cho nuôi trồng, khai thác dược liệu. ảnh minh họa: TTXVN.

Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ Thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt.

Cụ thể, các tổ chức, cá nhân nếu xây dựng mô hình áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt thì được hỗ trợ 100% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với mô hình trồng trọt;

100% chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y đối với mô hình chăn nuôi, theo định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; được hỗ trợ 1 lần 100% chi phí cấp chứng nhận nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt.

Nhà nước cũng hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật cho người trực tiếp nuôi trồng và khai thác theo nội dung và định mức chi quy định tại Nghị định số 2/2010/NĐ-CP ngày 8/1/2010.

Nghị định cũng quy định hỗ trợ 1 lần 15 triệu đồng/1 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng và mua giống dược liệu cho dự án trồng cây dược liệu tập trung có quy mô từ 5 ha trở lên hoặc cho dự án chăn nuôi tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên.

Chính sách ưu đãi về đất đai

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư nghiên cứu, nhân giống, nuôi trồng dược liệu được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai như sau:

Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước để nuôi trồng, xây dựng nhà xưởng, kho chứa dược liệu thì được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật đất đai.

Trường hợp thuê lại đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân thì được Nhà nước hỗ trợ tối đa 40% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu kể từ khi dự án đi vào hoạt động; mức hỗ trợ được tính theo đơn giá thuê đất quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định này.

Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được miễn, giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Điều kiện được hỗ trợ

Nghị định quy định rõ các dự án được hưởng các chính sách đặc thù trên phải đáp ứng các điều kiện sau:

1- Giống dược liệu phải nằm trong danh mục giống dược liệu được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống mới.

2- Dự án do tổ chức ngoài công lập và cá nhân đầu tư nuôi trồng dược liệu phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận đầu tư. Các trường hợp còn lại phải có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3- Vùng nuôi trồng dược liệu phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc được UBND cấp tỉnh chấp thuận nếu chưa có quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

4- Chủ đầu tư phải có cam kết đầu tư vốn đối ứng để thực hiện các hạng mục trong dự án được duyệt (ngoài phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước). Trường hợp vay vốn ngân hàng để góp vốn thực hiện dự án phải có hợp đồng vay vốn hoặc văn bản chứng minh.

Diệu Linh