Mới đây, thông tin Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng Đề án, trong đó có quy định rà soát, sàng lọc, đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng đã thu hút chú ý của dư luận và nhận được sự đồng tình của nhiều cán bộ, đảng viên lão thành trên cả nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Xuân Mỹ (Giảng viên cao cấp – nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng – Học viện Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ sự đồng tình và cho rằng việc loại những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay.
Phó Giáo sư Phạm Xuân Mỹ khẳng định: “Việc phát triển đảng viên mới cũng như khai trừ đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc làm rất bình thường phù hợp với quy luật phát triển của tổ chức Đảng.
Điều lệ Đảng đã quy định rất rõ, hàng năm Đảng có kết nạp đảng viên mới, nhưng cũng rà soát và loại những đảng viên biến chất, suy thoái đạo đức, không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Bởi vậy, Đề án rà soát, sàng lọc cán bộ, đảng viên không đủ tư cách ra khỏi bộ máy là cần thiết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”.
Phó Giáo sư Phạm Xuân Mỹ cho rằng, rà soát, sàng lọc đưa những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Ảnh: Vũ Phương |
Không ít ý kiến cho rằng hiện nay có một bộ phận cán bộ, đảng viên khi còn làm cán bộ thì phấn đấu vào Đảng, nhưng khi đã về hưu thì không còn mặn mà với công tác tại cơ sở, chưa phát huy vai trò đảng viên tại chi bộ cơ sở.
Phó Giáo sư Phạm Xuân Mỹ thẳng thắn cho biết: “Thực tế cho thấy có một bộ phận cán bộ khi còn công tác thì phấn đấu vào Đảng, nhưng mục đích của anh không phải cống hiến cho xã hội, đất nước mà vì mục đích leo cao, chui sâu nhằm đạt được mục đích cá nhân để ngồi vào những vị trí có chức, có quyền để mưu cầu danh lợi.
Đến khi anh về hưu gần như đã mất sức chiến đấu và không còn động lực phấn đấu nữa nên việc sinh hoạt Đảng của anh ở cơ sở cũng chỉ là hình thức tham gia cho có.
Trong khi đó, người đảng viên phải phấn đấu suốt đời, không biết mệt mỏi, nhưng anh chỉ phấn đấu khi có quyền, có chức.
Nghị quyết Trung ương 4 đã nói, có bộ phận cán bộ lúc đương chức thì nói một khác, lúc về hưu nói một kiểu, trong hội nghị nói một kiểu, ra ngoài nói một kiểu...đó là những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.
Cũng theo Phó Giáo sư Phạm Xuân Mỹ, cán bộ, đảng viên nghỉ hưu là những người đã có quá trình cống hiến, được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu.
Có người về nghỉ hưu vẫn còn sức khỏe, bản lĩnh và nghị lực của người Đảng viên thì hoàn toàn có thể tiếp tục cống hiến.
Nhiều người sau khi nghỉ hưu tiếp tục làm Bí thư chi bộ tại nơi cư trú, Trưởng thôn, Tổ trưởng… đóng góp rất tốt vào phong trào địa phương, làm tốt vai trò của người đảng viên khi về hưu.
Tuy nhiên, có một bộ phận cán bộ, đảng viên khi về nghỉ hưu vẫn có sức khỏe, nhưng lại không cập nhật đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng có tham gia sinh hoạt Đảng nhưng không có ý kiến hay đóng góp gì cho cơ sở Đảng nơi cư trú.
Thậm chí, nhiều cán bộ, đảng viên có tâm lý ‘dĩ hòa vi quý’, nhiều vấn đề nhân dân bức xúc, tiêu cực họ biết đấy, nhưng không nói, không phát biểu vì muốn an thân.
Như thế vai trò, tính chiến đấu của người Đảng viên như vậy đâu thể được. Điều đó làm ảnh hưởng đến không chỉ hình ảnh của người đảng viên mà ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Đảng.
Phó Giáo sư Phạm Xuân Mỹ chỉ ra: “Rõ ràng những cán bộ, đảng viên về hưu như vậy đã mất tính chiến đấu, nhưng đưa những người này ra khỏi Đảng cũng khó, bởi họ không vi phạm khuyết điểm nào.
Kỷ luật đảng viên bằng các hình thức nào cũng phải thực hiện đúng quy định như trong điều lệ Đảng và căn cứ vào 19 điều quy định cán bộ đảng viên không được làm.
Chỉ có thể kỷ luật cán bộ đảng viên nào vi phạm, hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ ra khỏi Đảng.
Bởi vậy, cần thiết phải rà soát, sàng lọc thật kỹ ngoài những cán bộ, đảng viên về hưu không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng và cả đảng viên mất tính chiến đấu cũng cần xem xét lại tư cách”.
Sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc cần làm ngay |
Cũng theo Phó Giáo sư Phạm Xuân Mỹ, trong điều lệ Đảng cũng nói rõ, trường hợp cán bộ, đảng viên nghỉ hưu vì lý do cá nhân, sức khỏe mà không tham gia được sinh hoạt Đảng tại cơ sở thì có thể làm đơn xin được nghỉ sinh hoạt, nhưng vẫn đóng đảng phí bình thường.
Theo đó, Đảng viên nào sức khỏe yếu không tham gia sinh hoạt Đảng được nữa hoàn toàn có thể làm đơn, khi cấp ủy đảng cho phép, đảng viên đó sẽ được nghỉ sinh hoạt Đảng, nhưng vẫn phải đóng đảng phí và giữ danh dự người đảng viên.
Phó Giáo sư Phạm Xuân Mỹ cũng chỉ ra: “Một số trường hợp đảng viên khác lại không tham gia sinh hoạt Đảng, không đóng Đảng phí, thậm chí còn có những phát biểu, hành động tiêu cực không có tính chất xây dựng thì phải loại ngay ra khỏi Đảng.
Tuy nhiên, một số tổ chức cơ sở Đảng thực hiện chưa nghiêm túc việc duy trì sinh hoạt Đảng dẫn đến đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng cũng có lỗi một phần ở tổ chức Đảng cơ sở.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số tổ chức Đảng cơ sở tê liệt ý chí chiến đấu và trong thực tiễn nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến tiêu cực, tham nhũng thì gần như đều do nhân dân phát hiện ra, còn các chi bộ Đảng chỉ phát hiện rất ít, gần như không phát hiện ra.
Bên cạnh đó, cần đánh giá, khảo sát lại tất cả các cơ sở Đảng trên cả nước có bao nhiêu đảng viên nghỉ hưu, bao nhiêu đảng viên đang sinh hoạt, nghỉ sinh hoạt và số đảng viên muốn nghỉ sinh hoạt nhưng ngại làm đơn. Từ đó sẽ đưa ra giải pháp, cách làm hợp tình hợp lý và thuận cho Đảng và đảng viên.
Việc đánh giá, rà soát là việc làm bức thiết để góp phần ngăn chặn những biểu hiện tự suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên hiện nay để củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.