Cục An toàn thực phẩm đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục hành chính

16/11/2017 06:19
Diệu Linh
(GDVN) - Theo đề nghị, có 95% các lô hàng nhập khẩu không cần kiểm tra hồ sơ. Đặc biệt, thời gian kiểm tra các sản phẩm thông thường sẽ giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày.

Về điều kiện chung đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đề xuất bãi bỏ 5 điều kiện đối với cơ sở sản xuất thực phẩm gồm:

Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước;

Đường nội bộ phải được thiết kế xây dựng bảo đảm vệ sinh; cống rãnh thoát nước thải phải được che kín, bảo đảm vệ sinh và khai thông;

Bảo đảm ánh sáng để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm;

Phải có đường ống riêng, màu riêng để dễ phân biệt và không được nối hệ thống nước sử dụng cho sản xuất thực phẩm với hệ thống nước dùng để sản xuất hơi nước, làm lạnh, phòng cháy, chữa cháy hay sử dụng cho mục đích khác;

Thiết bị, dụng cụ, phương tiện đo phải bảo đảm độ chính xác trong quá trình sử dụng theo quy định của pháp luật về đo lường.

Ở nhóm điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Bộ Y tế quản lý đề nghị bãi bỏ 8 điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; Bãi bỏ 9 điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Bãi bỏ 9 điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.

So với Nghị định số 38/2012 dự thảo Nghị định mới đã lược bỏ bớt các thành phần hồ sơ sau: Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Đối với sản phẩm nhập khẩu); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Đối với sản phẩm nhập khẩu); Kế hoạch kiểm soát chất lượng; Kế hoạch giám sát định kỳ; Bản thông tin chi tiết về sản phẩm;

Đối với phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm: Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định giao Sở Y tế quản lý an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm sản xuất trong nước của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 đã thực hiện phân cấp triệt để cho địa phương, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin với báo chí về đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính. ảnh: DL.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thông tin với báo chí về đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính. ảnh: DL.

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các thủ tục hành chính Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ bãi bỏ thuộc các nội dung gồm:

Điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016; Công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất chỉ kiểm tra tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm với các sản phẩm đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm được cấp tại các nước mà Việt Nam tham gia ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra chất lượng; đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu; được sản xuất trong cơ sở có hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000, GMP, IFS, BRC hoặc tương đương… 

Cục An toàn thực phẩm đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục hành chính ảnh 2

Thực phẩm bẩn Tết, đến hẹn lại... hoang mang

“Như vậy sẽ có 95% các lô hàng nhập khẩu không cần kiểm tra hồ sơ. Đặc biệt, thời gian kiểm tra các sản phẩm thông thường, sẽ giảm từ 6 ngày xuống còn 3 ngày”, bà Nga cho hay.

Cũng theo bà Trần Việt Nga, với nhóm sản phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn, vật liệu bao gói, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, doanh nghiệp sẽ không cần làm các thủ tục công bố hợp quy mà được phép tự công bố, và gửi một bản tới Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và được phép sản xuất kinh doanh sau khi gửi bản công bố.

Kiểm soát chặt hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe 

Cục An toàn Thực phẩm sẽ kiểm soát chặt với nhóm thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người, thực phẩm dinh dưỡng dùng cho cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp sản xuất trong nước. 

“Nhóm hàng hóa này sẽ phải được thẩm xét hồ sơ và sau khi được cấp giấy phép tiếp nhận mới được sản xuất kinh doanh”, bà Nga thông tin.

Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, sẽ thực hiện kiểm tra chặt đối với những trường hợp: 

Kiểm tra hồ sơ và lấy đầy đủ mẫu để kiểm nghiệm các nhóm chỉ tiêu trong hồ sơ công bố đối với những mặt hàng không đạt tại lần kiểm tra trước đó;

Kiểm tra theo phương thức thông thường và kiểm nghiệm chỉ tiêu được cảnh báo hoặc yêu cầu cung cấp phiếu kết quả kiểm nghiệm đối với các chỉ tiêu có cảnh báo của phòng kiểm nghiệm được công nhận, thừa nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với những mặt hàng có cảnh báo của Bộ Y tế hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất.

DANH SÁCH CÁC THỦ TỤC ĐỀ XUẤT BÃI BỎ

1. Bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền Bộ Y tế đối với đối với cơ sở sản xuất, bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm.

Bãi bỏ đối tượng áp dụng là cơ sở sản xuất, bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm của Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

2. Bãi bỏ cấp đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Sở Y tế.

Bãi bỏ Điều 6 Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.cChỉ cần doanh nghiệp có Công văn thông báo

3. Gộp thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền Sở Y tế .

Bãi bỏ Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

4. Bãi bỏ thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện,thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên.
Bãi bỏ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 47/2014/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chỉ cần có công văn thông báo

5. Bãi bỏ thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ.

Bãi bỏ Khoản 2 Điều 5 Thông tư 47/2014/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chỉ cần có công văn thông báo

Diệu Linh