Ông Lê Minh Thoa (49 tuổi, ở số 5D đường Tăng Bạt Hổ, thành phố Quy Nhơn, Bình Ðịnh) là cựu binh Gạc Ma có mặt trên tàu HQ 604 trong chiến dịch “CQ 88” lịch sử.
Tham gia trận chiến Gạc Ma - Trường Sa ngày 14/3/1988 và trở về sau 3 năm 9 tháng bị nhốt biệt lập trong nhà tù Trung Quốc, anh Lê Minh Thoa hồi tưởng:
Sáng 14/3/1988, khi những chiến sĩ hải quân Việt Nam đã ngã xuống khi chuyền tay nhau bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng trong trận chiến không cân sức ở bãi đá ngầm Gạc Ma, thì anh làm nhiệm vụ dưới hầm máy tàu HQ 604.
Cũng như đồng đội trên bãi đá, tàu vận tải HQ 604 trở thành mục tiêu tấn công hủy diệt của tàu chiến Trung Quốc. Con tàu HQ 604 bị hỏa lực pháo phòng không 100 mm hạ nòng bắn thẳng ở cự ly gần.
Anh Thoa (thứ 2 từ phải qua trái) cùng các cựu binh Gạc Ma được mời vào dự đêm đấu giá tranh “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” và Đại Lễ Tưởng Niệm – Cầu siêu 64 Liệt sĩ Gạc Ma tại chùa Vĩnh Nghiêm ngày 22/7/2015. (Ảnh; Trọng Quân) |
Hầm máy bị đạn pháo xuyên qua, vỡ toang, nước biển ùa ập vào. Áo quần trên người bốc cháy, Thoa bật lên boong tàu, phóng mình xuống biển để dập lửa cháy phỏng.
Anh Thoa nhớ lại: “Lúc đó, xung quanh tôi, anh em ngụp lặn chới với. Đạn pháo quân thù cắm xuống mặt biển nước bắn tung tóe, từng loạt đạn 60 mm, 37mm bay sát rạt qua đầu.
Các anh em người thì vớ được can nước, có người níu mảnh ván vỡ ra, người bị trúng đạn chết ngay máu loang trên biển.
Tôi may mắn lặn dưới mặt nước biển hai tay bám vào cuống hai quả bí ngô (là thực phẩm trên tàu HQ 604) và nhờ vậy thoát được những làn đạn đại liên hung hãn quét sát mặt biển”.
Đến 5 giờ chiều ngày 14/3, khi Thoa vừa trồi lên mặt nước để thở thì bị quân Trung Quốc trên thuyền nhôm đang đi tuần phát hiện, chúng xả súng bắn quanh một hồi, thấy không động tĩnh gì bởi khi đó Thoa đã quá mệt.
Do vậy, Thoa là một trong chín chiến sỹ Gạc Ma sống sót bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Sau hai ngày một đêm chúng chở các chiến sĩ Gạc Ma về đảo Hải Nam tra hỏi, sau đó chuyển về nhà tù Quảng Châu giam giữ ròng rã 3 năm 9 tháng.
Vào một buổi sáng đầu tháng 9/1991, các chiến sĩ ngạc nhiên khi lần đầu được ăn một bữa cơm tươi trong tù. Sau đó mọi người vui mừng khi biết được trao trả về nước trong đợt trao đổi tù binh.
Với thương tật 11%, Thoa vẫn quay về Quân chủng Hải quân Lữ đoàn 125 đóng ở Tân Cảng Sài Gòn.
Tháng 11/1996, anh ra quân với quân hàm trung úy. Mới đây khi đi chiếu chụp, Thoa mới biết mình còn một mảnh đạn pháo còn găm trong đầu chờ phẫu thuật.
Thoa đã từng vật lộn vất vả trước cánh cửa hành chính tiếp nhận thủ tục thương binh 27 năm liền. Trong số các cựu binh Gạc Ma từng là tù binh từ Trung Quốc về nước, có 4 người được chứng nhận thương binh.
Riêng Thoa, với nhiều vết thương ở hàm, bàn tay, thái dương trái, vai trái, chân phải…vẫn vô vọng tìm kiếm cách giám định và chứng thực lại thương tật.
Đến tháng 8/2015, Thoa mới được chứng nhận là cựu tù chính trị, được hưởng chế độ dành cho người bị tù đày mỗi tháng 791.000 đồng.
Hiện cuộc sống Thoa vẫn âm thầm đánh vật với cơm áo, gạo tiền bằng gánh phở bình dân Trường Sa đặt trên vỉa hè trước nhà để nuôi cha mẹ già và 3 đứa con nhỏ.
Cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa (ngoài cùng bên phải) cùng anh em công ty sách First News – Trí Việt trong ngày khai trương quán phở Gạc Ma – Trường Sa tại 5D Tăng Bạt Hổ, Qui Nhơn, Bình Định (Ảnh : Quang Lâm) |
Quán phở nay đã được đổi tên là Phở Gạc Ma – Trường Sa.
“Trước nay quán phở chỉ bán buổi sáng vì neo người, nhưng từ khi mang tên Phở Gạc Ma – Trường Sa để nhớ về những người đồng đội mãi mãi không bao giờ trở về, gia đình sẽ sắp xếp để có thể bán cả ngày trong thời gian tới.
Nếu có lãi, tôi sẽ trích một phần tiền bán phở để hỗ trợ các anh em cựu binh và các gia đình liệt sĩ Gạc Ma trong những lúc khó khăn. Tuy cuộc sống tôi còn nhiều vất vả, nhưng so với 64 đồng đội đã ngã xuống biển khơi tại Gạc Ma ngày 13/3/1988, tôi còn may mắn hơn rất rất nhiều”, anh Thoa chia sẻ.