Đã bị tù oan lại còn gặp gian nan đi tìm công lý, công bằng

28/10/2016 08:24
Ngọc Quang
(GDVN) - Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: "Ông Nén đi tù 17 năm thì làm cách nào có đủ giấy tờ để chứng minh được? Cực kỳ khó chứng minh thiệt hại".

Bà Lê Thị Nga là Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên đã nêu ra thí dụ điển hình này khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi) vào chiều 27/10.

Dự thảo luật bổ sung nhiều quy định theo hướng làm rõ các thiệt hại được bồi thường, căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, góp phần nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ nói riêng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung.

Bà Nga đánh giá, đây là dự luật rất quan trọng nên cần thảo luận, cân nhắc kỹ nhằm đảm bảo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước; nhất là phải thống nhất quan điểm các cơ quan nhà nước sai thì phải nhận lỗi, bồi thường.

Đồng thời, bà Nga chỉ rõ: “Tính triệt để thì không có gì bồi thường được sau khi đưa một con người vào tù oan, dù một năm cũng khó khắc phục”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với nội dung của dự thảo luật theo hướng mở rộng các trường hợp được xác định bồi thường. Điều này nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của một số cán bộ khi thi hành công vụ.

Thí dụ như hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được hành động phạm tội mà đã thực hiện biện pháp ngăn chặn, có thể dẫn tới oan sai.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo, Toà án NDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an cũng cần rà soát, tính toán chi tiêt hơn, bởi khi áp dụng vào thực tế sẽ có nhiều phức tạp.

Bà Lê Thị Nga cho biết, công tác bồi thường oan sai năm 2015 kéo dài, người bị oan sai chịu nhiều thiệt thòi. ảnh: Ngọc Thành.
Bà Lê Thị Nga cho biết, công tác bồi thường oan sai năm 2015 kéo dài, người bị oan sai chịu nhiều thiệt thòi. ảnh: Ngọc Thành.

Bà Lê Thị Nga đồng thời dẫn báo cáo oan sai năm 2015 cho thấy công tác đánh giá trường hợp bồi thường oan sai có biểu hiện chậm, thậm chí tránh né, và khẳng định là do áp dụng pháp luật chứ không phải do luật.

Thí dụ như vụ đền bù oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) đã giải quyết xong, nhưng đối với vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) tại sao lúc đầu thoả thuận hơn 10 tỷ đồng, nhưng sau đó còn 2,6 tỷ đồng?

Trong trường hợp phải đưa ra tòa thì trách nhiệm chứng minh yêu cầu bồi thường thuộc về bên khởi kiện (ông Huỳnh Văn Nén), cho nên sẽ rất khó khăn.

Đã bị tù oan lại còn gặp gian nan đi tìm công lý, công bằng ảnh 2

Xử lý việc bổ nhiệm con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng như thế nào?

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, luật sửa đổi cần xác định chi phí thực tế hợp lý tương đối đầy đủ và cần quy định cụ thể về phương pháp xác định chi phí, bởi vì: “Như ông Nén đi tù 17 năm thì làm cách nào có đủ giấy tờ để chứng minh được. Cực kỳ khó chứng minh thiệt hại.

Loại có hoá đơn thì tính theo hoá đơn, loại đi tù lâu không còn hoá đơn thì phải có cách tính chi phí hợp lý để đảm bảo công bằng”.

Ngày 28/11/2015, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận trao quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén, chấm dứt 17 năm 5 tháng ngồi tù oan của ông.

Thế nhưng kể từ đó tới nay, các thủ tục đền bù oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén vẫn chưa được giải quyết xong.

Ông Huỳnh Văn Nén bị ngồi tù oan hơn 17 năm. ảnh: Quang Định/Tuổi trẻ.
Ông Huỳnh Văn Nén bị ngồi tù oan hơn 17 năm. ảnh: Quang Định/Tuổi trẻ.

Đối với những vụ án oan sai nhưng bồi thường bị kéo dài, khiến cho những người đã chịu án oan lại còn gặp nhiều khó khăn khi đi tìm công lý, công bằng, Đại biểu Lê Thị Nga đánh giá: “Vướng nhất hiện nay một số trường hợp quá trình bồi thường kéo dài.

Người bị làm oan chịu thiệt thòi lớn, quá trình xác định oan khó khăn, một số trường hợp cơ quan tự phát hiện, nhưng có trường hợp ngoài nỗ lực của cơ quan tiếp nhận đơn thư thì vai trò gia đình họ rất lớn, kêu oan lâu. Trong khi đó hành trình bồi thường cũng khá dài”.

Có nên lấy nguồn từ chống buôn lậu, tham ô, ma túy... để đền bù oan sai?

Chiều 27/10, cho ý kiến vào Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, 10 năm mới có vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, 17 năm mới có vụ ông Huỳnh Văn Nén nên việc lập riêng một cơ quan để chuyên làm về vấn đề bồi thường oan sai cần phải cân nhắc rất kỹ, nhất là trong điều kiện đang giảm biên chế.

Về vấn đề nguồn tiền để bồi thường oan sai, ông Bình cũng nêu ý kiến của dư luận và Quốc hội cũng đặt ra, tiền của nhân dân đóng không phải để chi trả cho chuyện sai của các cơ quan điều tra, tố tụng làm sai.

"Một vụ ông Chấn bồi thường mấy tỷ đồng, bây giờ các anh làm sai lại bảo nhân dân bỏ ra thì đây là câu chuyện rất nhức nhối.

Thế giới thì người ta làm một việc mà cơ quan tòa án chúng tôi cũng đã nêu đó là lập ra quỹ từ các khoản tiền thu được từ buôn lậu, tham ô, ma túy... và lấy tiền đó để trả cho bồi thường. Việc làm này sẽ không phải lấy tiền thuế của dân và nhiều nước đã làm được", ông Bình đề xuất.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng cho biết: "Tôi theo dõi mấy vụ án oan sai thì thực sự mình bồi thường theo kiểu nào cũng bị lên án. Nếu bồi thường theo đúng quy định của luật được Bộ Tài chính hướng dẫn thì phải có đầy đủ giấy tờ, xác nhận chi tiêu cho việc này, việc kia.

Nếu làm đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính thì chắc chắn bồi thường không được có bao nhiêu. Lúc đó, dư luận lại lên tiếng.

Ví dụ như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận làm đúng quy định của Bộ Tài chính thì dư luận lại đặt ra câu hỏi là sao mười mấy năm lại chỉ có bấy nhiêu?", ông Bình nói.

Đề cập tới vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá từng chỉ rõ những đau khổ mà những người tù oan phải gánh chịu.

Đại biểu Khá nhấn mạnh: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Và, ai ở trong chăn thì mới biết chăn có rận. Đấy là người ngồi sau song sắt bị oan sai trước khi được bồi thường thì có ít nhất 5 cái mất: Mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà nát cửa”.

Bà Khá phân tích, trong quá trình đi tìm chân lý để xóa tan đi những cái mất ấy, người bị oan sai phải trải qua 3 công đoạn đoạn khổ sở: Làm sao gặp được những người công tâm để làm rõ cái đúng, cái sai và làm ngay thì mới gặp cái công thứ 2 là công lý.

Sau khi công lý được làm sáng tỏ, minh bạch bằng một bản án hay quyết định nào đó thì phải tiếp tục đi tìm cái công thứ 3 đó là công bằng.

“Để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật là một quá trình gian nan mòn mỏi đợi chờ.

Để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt thì người oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công đó, quả thực là một sự gian nan không dễ chút nào.

Trên đời này cũng ít ai muốn xử cái thua thiệt thuộc về mình, dẫu biết cái thua thiệt ấy thuộc về chân lý. Do vậy, tôi đề nghị giám sát vấn đề này để hiến pháp năm 2013 sớm đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền con người, quyền của công dân”, Đại biểu Khá nhấn mạnh.

Ngọc Quang