Thảo luận về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại nghị trường, Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị một ý tưởng mới đó là khi người lao động đã rút bảo hiểm một lần, vài năm sau lao động trở lại thì được nộp khoản tiền này và tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu.
Một số Đại biểu Quốc hội buồn, xấu hổ
Người lao động kiến nghị, Chính phủ có báo cáo, Ủy ban thẩm tra có ý kiến và một số đại biểu Quốc hội chúng ta buồn, xấu hổ, có lỗi, còn một số đại biểu Quốc hội khác chưa thấy nói gì.
Đây là điều hết sức đáng tiếc bởi vì điều luật chúng ta ban hành là thay đổi một chính sách hết sức quan trọng đã thực hiện ổn định rất nhiều năm mà lại không được xem xét một cách thận trọng, chu đáo để hôm nay diễn ra nông nỗi này.
Do đó, tôi thống nhất một điều là chúng ta vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích người lao động dù đó là thiểu số thì khi có kiến nghị, thấy sai là phải sửa. Theo tôi đó là nguyên lý. Nhưng trước khi sửa thì phải làm rõ mấy vấn đề sau đây, nói cách khác, theo tôi sửa phải có điều kiện:
Thứ nhất, về quy trình, thủ tục. Đến nay, qua 2 báo cáo đề nghị các đại biểu Quốc hội xem lại báo cáo của Chính phủ về Điều 60 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội… chưa đúng quy trình trình Quốc hội để sửa điều này, tuy rằng trong báo cáo của Chính phủ có kiến nghị này, kiến nghị kia.
Thứ hai, về nội dung trong các báo cáo, tôi đề nghị làm rõ mấy vấn đề sau đây:
Chúng ta nói là chúng ta làm đúng quy trình, kể cả 2 báo cáo, đúng trình tự, thủ tục kể cả thẩm vấn ý kiến. Nhưng rõ ràng hôm nay chúng ta đề xuất sửa là quy trình có vấn đề.
Tôi chỉ nói riêng về việc lấy ý kiến đối tượng được điều chỉnh của luật này. Chúng ta nói qua thảo luận, có chú thích của Ủy ban Các vấn đề xã hội thì khi thảo luận tổ có 4 ý kiến nêu vấn đề này, khi thảo luận ở hội trường có 1 ý kiến, khi đại biểu Quốc hội chuyên trách có 3 ý kiến. Tổng số có 8 ý kiến.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam khi góp ý vào dự thảo lần thứ hai có kiến nghị giữ nguyên Điều 55 là giữ nguyên sự lựa chọn.
Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh cho rằng, quy trình thủ tục xây dựng luật có vấn đề. ảnh: TTBC. |
Cuối cùng, quy trình thủ tục ở đây là có vấn đề, chưa thấy nói rằng chúng ta lấy ý kiến của đối tượng điều chỉnh chịu sự tác động trực tiếp mà cụ thể là công nhân, người lao động hiện nay đang có ý kiến thì đó là vấn đề thứ nhất.
Thứ hai, chúng ta nói đây là một chính sách nhân văn, xu hướng của nhiều nước phát triển thế giới, xu hướng đúng, đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tôi đồng ý chỗ này.
Nhưng đặt vấn đề sửa thì có nghĩa là mấy điều chúng ta vừa nói là sai, có phải thế không, chúng ta phải phân tích chỗ đó, tại sao chúng ta nói kiểu gì cũng đúng. Tôi đề nghị phải làm rõ vấn đề này.
Thứ ba, trong đề xuất Chính phủ bảo trước mắt thì cho sự lựa chọn, tôi không thấy sự lâu dài ở đây là như thế nào, rõ ràng chưa phải là trình một chính sách và thuyết phục.
Chính sách nên mở, không áp đặt
Ở đây có vấn đề gì nữa không, có vấn đề là có vỡ quỹ bảo hiểm không, có vấn đề vì người lao động cứ đòi hưởng một lần ngày một tăng lên, cho nên chúng ta phải dùng chính sách pháp luật áp đặt bắt người ta phải không được rút, không được hưởng một lần, có phải thế không... những vấn đề đó tôi đề nghị phải giải trình làm rõ, chứ còn không thể nói thế được.
Một điều nữa tôi thấy báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội bảo rằng khi thực hiện Quyết định 176 Hội đồng Bộ trưởng năm 1989 có hơn 700.000 người sau khi rút nhận một lần ra thì bây giờ người ta thấy cái sai của mình.
Tôi nghĩ chứng minh điều này không thuyết phục, bởi vì thời điểm đó khác, lúc đó chính sách, chủ trương của Đảng khác mà đối tượng của chúng ta lúc đấy là khác.
Một năm, chúng ta chi ra hơn 3000 tỷ để trợ cấp cho 1,5 triệu người trên 80 tuổi, giờ đưa ra so sánh chuyện này cũng không phải. Đó là chính sách cho người cao tuổi, chưa nói chuyện chính sách này cũng có vấn đề.
Cuối cùng, muốn sửa thì phải cung cấp đầy đủ việc trích các tài liệu sau đây:
Một là Tờ trình của Chính phủ liên quan tới Điều 60.
Hai là báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh ý kiến góp ý của người lao động, của Tổng liên đoàn lao động, của Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội tại tổ, tại hội trường, báo cáo tiếp thu, giải trình những vấn đề liên quan đến điều này.
Phải cung cấp tài liệu cho Đại biểu Quốc hội, phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan trình. Tôi đồng ý với một số đại biểu, khi đề xuất vấn đề này, bài học nào cho công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội trong thời gian tới.
Thời điểm sửa và sửa theo hướng nào, tôi đề nghị 3 vấn đề:
Thứ nhất, Chính phủ có tờ trình và làm rõ những vấn đề đúng theo trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, trên cơ sở đó chúng ta có thể xem xét vấn đề này vào kỳ họp thứ 10.
Thứ ba, cần phải rà soát, cần phải xem xét lại, kể cả đề nghị của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam để xem xét cụ thể có cần sửa không? Kể cả việc sửa và quy định bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có cần phải sửa không?
Vấn đề cuối cùng, nếu sửa để đảm bảo tính nhân văn, tôi đề nghị nếu bảo hiểm xã hội không sợ mất số tiền lãi từ số tiền bảo hiểm xã hội người lao động đã đóng và được rút ra.
Nếu tạo ra cho người lao động có nhiều điều kiện lựa chọn hơn thì tôi đề xuất cho người lao động thêm một sự lựa chọn: Có thể rút tiền ra trong một thời gian để giải quyết khó khăn trước mắt, sau 3-7 anh có lao động lại thì được quyền nộp lại số tiền đó và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, có được không? Giống như bảo hiểm xã hội cho người nghèo vay không lãi.