Dự thảo luật chưa thấy đề cập tới đổi mới công nghệ chống tham nhũng

11/07/2016 13:20
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - “Cỗ máy” kiểm soát tham nhũng của chúng ta đã lạc hậu về công nghệ. Điều này dẫn tới hiện trạng tham nhũng không bị đẩy lùi mà còn nghiêm trọng hơn”.

LTS: Góp ý vào Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) đang được lấy ý kiến rộng rãi, một số chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật này chủ yếu vẫn dựa trên điểm tựa là đạo đức của người thực hiện công vụ.

Trong khi đó, việc đổi mới thể chế, hay là đổi mới “công nghệ” chống tham nhũng của cỗ máy quản trị xã hội vẫn chưa được đề cập rõ.

Để làm rõ thêm vấn đề này, hôm 9/7, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES).

Sau nhiều năm, tham nhũng vẫn tồn tại bền vững...

PV: Theo ông, tất yếu nào dẫn tới việc cần phải sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống tham nhũng?

PGS. TS Đặng Ngọc Dinh: Bối cảnh nền kinh tế -xã hội thay đổi mạnh mẽ theo hướng bùng nổ thị trường, người người “đua nhau” làm giàu.

Đây là môi trường cho tham nhũng có điều kiện phát sinh, phát triển, nếu không có một “công nghệ” kiểm soát hiệu quả.

Trước đây chúng ta sống trong một xã hội nghèo khó, của cải vật chất làm ra rất hạn chế, nên những kẻ tham nhũng có muốn cũng khó thực hiện được hành vi tham nhũng.

Thời “bao cấp” thường được đánh giá là xã hội công bằng, nhưng thực chất là “chia nhau con số không”!

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (ảnh: Báo Đại đoàn kết).
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (ảnh: Báo Đại đoàn kết).

Hiện nay, với xu thế phát triển mạnh của nền kinh tế, sức sống của thị trường đã tạo nhiều của cải. Việt Nam từ nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình thấp.

Cùng với đó là tốc độ lưu thông, dòng tiền chảy ngày càng mạnh mẽ hơn, khó kiểm soát hơn. Đây chính là cơ hội cho tham nhũng có điều kiện phát sinh, tồn tại, phát triển.

Trong khi đó, thể chế kiểm soát tham nhũng của chúng ta hiện nay còn rất yếu. Hay nói một cách khác “cỗ máy” kiểm soát (phòng, chống) tham nhũng của chúng ta đã lạc hậu về công nghệ.

Điều này dẫn tới hiện trạng tham nhũng không những không bị đẩy lùi mà còn nghiêm trọng hơn. Tính nghiêm trọng thể hiện ở quy mô và mức độ tham nhũng.

Trong khi đó, Luật phòng chống tham nhũng cũ chỉ chú trọng vào việc “hốt rác tham nhũng” mà chưa quan tâm nhiều tới cơ chế phát sinh tham nhũng.

Thể chế quản lý nhà nước hiện tại chưa tương thích với sự phát triển của một xã hội hiện đại trong việc kiểm soát, chống tham nhũng.

Thực tế đã chỉ rõ, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam nhiều năm qua rất thấp (chỉ đạt 3/10 điểm). Nói theo ngôn ngữ giáo dục, thì nước ta luôn bị đánh giá là “học sinh kém”.

Qua 10 năm chúng ta có thể thấy, hiện tượng tham nhũng tinh vi, phổ quát hơn, thậm chí nó trở thành tệ nạn, tập quán (lo lót, bôi trơn, lót tay…). Do đó luật phải thay đổi cho phù hợp với thực tế để kiểm soát tình hình tham nhũng một cách hiệu quả hơn.

Ông có thể đánh giá khái quát về Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (bổ sung, sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Luật mới bao quát hơn về đối tượng cần điều chỉnh hành vi tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng.

Nếu trước đây Luật phòng chống tham nhũng chỉ tập trung nhiều vào những người có chức có quyền, thì hiện nay, đối tượng có thể tham nhũng được mở rộng (các đối tượng thuộc nhóm ngoài quốc doanh).

Điều này cũng cho thấy hiện tượng tham nhũng đã phổ quát, “mở rộng” trong một thời gian dài.

Họ tham nhũng bằng cách nào?

Đó là việc dùng tiền để hối lộ hoặc tạo điều kiện để quan chức thực hiện các hành vi tham nhũng nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Đây có thể coi là một dạng của “tham nhũng chính sách” như nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập, hoặc trong lý luận về phát triển đó là khái niệm “thị trường mua chuộc nhà nước”.

Tranh của Trần Thanh Trung, bút danh Cua Con (ảnh minh họa trên Thông tấn xã Việt Nam).
Tranh của Trần Thanh Trung, bút danh Cua Con (ảnh minh họa trên Thông tấn xã Việt Nam).

Luật phòng chống tham nhũng bổ sung, sửa đổi không chỉ chú ý tới khía cạnh hành vi tham nhũng, mà còn đưa ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó phải kể đến các điều khoản như giáo dục về liêm chính.

Hay nói cách khác, cơ quan soạn thảo luật đã chú ý tới vấn đề kiểm soát nguồn phát sinh tham nhũng.

Mặt khác, vai trò của các tổ chức xã hội được đề cao trong dự thảo luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Ví dụ, Mặt trận Tổ quốc được giao nhiệm vụ thực hiện “đo lường các chỉ số tham nhũng”, hướng theo các tiêu chí của quốc tế.

Đây là tư duy mới về phòng chống tham nhũng, tiệm cận tới những quy chuẩn về chống tham nhũng của các nước tiên tiến (các khái niệm liêm chính, xung đột lợi ích, vấn đề công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tài sản, v..v).

Tuy nhiên, Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (bổ sung, sử đổi) chủ yếu vẫn dựa trên điểm tựa là đạo đức của người thực hiện công vụ, mang tính khuyên nhủ và quy định các chế tài xử phạt hành vi tham nhũng, hơn là đổi mới thể chế, hay là đổi mới “công nghệ” của cỗ máy quản trị xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy, tham nhũng vẫn nghiêm trọng. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới việc đối tượng tham nhũng vẫn có đất sống?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Nói chung, xã hội nào cũng tồn tại tham nhũng, chỉ khác nhau ở mức độ và tính chất phổ cập hay chỉ mang tính vụ việc. Ở nước ta tham nhũng nghiêm trọng và phổ cập.

Một nguyên nhân là các quy định trong việc kiểm soát quyền lực chưa được đề cập tới nhiều. Người dân chưa có thực quyền là thông qua lá phiếu của mình “phế truất” lãnh đạo nếu họ tham nhũng.

Hay nói cách khác, phải xây dựng được cơ chế để người

Dự thảo luật chưa thấy đề cập tới đổi mới công nghệ chống tham nhũng ảnh 3

TS Lê Đăng Doanh: Tôi đã nghe chuyện quan chức đi nhậu gọi doanh nghiệp trả tiền

dân bằng sự tín nhiệm hay bất tín nhiệm của mình có thể quyết định vị trí của lãnh đạo chứ không phải cấp trên quyết định chức vụ của cấp dưới.

Ở nước có nền quản trị tiên tiến, để kiểm soát cán bộ, chống tham nhũng, người ta thường dựa vào lá phiếu của người dân.

Còn “công nghệ” chống tham nhũng của chúng ta còn dựa chủ yếu vào tính công minh của cấp trên và đạo đức của công chức.

Nhưng, trong nhiều trường hợp chưa chắc người quyết định vị trí của cán bộ đã là người đã công minh? Vì vậy cần có “công nghệ” kiểm soát tham nhũng mang tính khách quan hơn, độc lập với chất lượng đạo đức của lãnh đạo.

Còn nếu vẫn quản trị theo “công nghệ” cũ thì cán bộ thuộc cơ quan công quyền sẽ luôn “sợ” lãnh đạo cấp trên hơn là “sợ” dân.

Và trong bối cảnh đó cán bộ các cấp sẽ luôn lo “chạy” để được cấp trên “quy hoạch”, hoặc khi “dính” tham nhũng thì sẽ “chạy” để được “xử lý hành chính, xử lý nội bộ”, để được “chuyển” công tác...

Điều đó có nghĩa là “trăm sự” đều trông cậy vào cấp trên. Kết quả là sau nhiều năm tham nhũng vẫn “tồn tại một cách bền vững”!

Phải trao quyền cho người dân...

Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng, quy định tại Điều 25 về việc tặng quà và nhận quà tặng nêu rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép nhận quà tặng mang tính chất lưu niệm và có giá trị đến 2 triệu đồng trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Ông đánh giá như thế nào về “ý tưởng” này?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Nếu là tặng quà lưu niệm, thì phải nói rõ, tặng, nhận trong hoàn cảnh nào? Ai tặng? tặng quà mục đích gì…?

Nhưng quy định này sẽ khó phát huy tác dụng, bởi tham nhũng ở nước ta hiện nay rất phức tạp, nghiêm trọng.

Trong bối cảnh, người Việt đã quen thói đưa quà, phong bì cho nhau mà lại đưa thêm điểm này nữa, thì người ta có thể sẽ lợi dụng vào luật để thực hiện hành vi tham nhũng.

Vậy theo ông, tóm lại đâu là giải pháp cơ bản nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay?

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh: Thứ nhất, cần phải đổi mới “công nghệ” chống tham nhũng”, để kiếm soát tốt, hạn chế “rác tham nhũng”…

Theo đó, phải phải xây dựng một cơ chế thực sự trao quyền cho người dân trong việc loại bỏ cán bộ nếu phát hiện họ có hành vi tham nhũng.

Hai là, đổi mới về tư duy quản lý kinh tế, chuyển đổi các hình thức quản lý kinh tế theo kiểu “bao cấp” sang một nền kinh tế thị trường đích thực.

Chuyển hình thức kinh doanh do chính quyền quản lý, giao cho tư nhân, cổ phần hóa triệt để doanh nghiệp nhà nước.

Ba là, cần có giải pháp thích hợp và tiên tiến trong việc quản lý công thổ quốc gia.

Trên thực tế, đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đang gặp những thách thức rất lớn là làm phát sinh nhiều tiêu cực trong quá trình quản lý sử dụng. Đây là điều kiện để tham nhũng phát triển...

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)