Sáng ngày 13/12, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải cùng các Sở, ban ngành và quận huyện của thành phố về tình hình kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
1 tháng, TP.Hồ Chí Minh có 27 vụ ùn tắc giao thông lớn
Theo báo cáo từ Sở Giao thông Vận tải, trong thời gian gần đây, tình hình ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến đường huyết mạch ra vào trung tâm, sân bay, cảng biển…thường xuyên xảy ra.
Đường phố ngày càng quá tải, mật độ phương tiện ngày càng tăng và đông, vận tốc lưu thông ngày càng giảm, việc di chuyển của người dân ngày càng khó khăn.
Trong tháng 11/2016, trên toàn địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ ùn tắc giao thông lớn, chủ yếu vẫn là các tuyến đường nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, các tuyến đường ra vào trung tâm thành phố, các tuyến đường kết nối ngoại ô và nội đô.
Ngay sau khi chỉ ra nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, Sở Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh đã chỉ ra 10 giải pháp nhằm kéo giảm ùn tắc.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đưa ra 10 giải pháp làm giảm ùn tắc giao thông (ảnh: P.L) |
Cụ thể: Xây dựng thêm các bãi đậu xe, tăng biên chế cho lực lượng Thanh tra Sở này, ưu tiên bố trí vốn để làm xe buýt nhanh BRT, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu các công trình cấp bách khép kín vành đai 2, có giải pháp tổng thể kết nối giao thông thành phố với sân bay.
Ngoài ra, cần lập tổ liên ngành đảm bảo trật tự giao thông ở cảng Cát Lái, kiến nghị kiểm tra khói xe máy từ năm 2018…
Ngay sau khi nghe báo cáo của ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Bí thư Thành ủy thành phố Đinh La Thăng đã đề nghị làm rõ chỉ có 27 vụ ùn tắc giao thông lớn là có chủ quan hay không?
Theo Bí thư Đinh La Thăng, cần đánh giá đúng thực trạng ùn tắc giao thông của thành phố, thì mới có thể đưa ra được nguyên nhân và tìm được các giải pháp thích hợp.
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cho rằng, ùn tắc giao thông đang là vấn nạn lớn nhất của thành phố, và người dân đang phải chịu nhiều đau khổ do ùn tắc giao thông.
“Trong một chừng mực thì chúng ta có thể làm được những cái không cần nhiều tiền, mà lại có thể làm giảm kẹt xe như là giảm bến cóc, xe dù” - ông Đinh La Thăng nói tiếp.
Điều chỉnh giờ bay để làm giảm ùn tắc khu sân bay Tân Sơn Nhất
Nói về tình trạng ùn tắc cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đề nghị: Cần phải tổ chức giãn thời gian bay ra. Bay sớm giá khác, bay muộn giá rẻ. Muốn có giá rẻ thì cần phải điều tiết giờ bay.
Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam – ông Trần Doãn Mậu cho biết, đối với sân bay Tân Sơn Nhất, trong năm 2016 đã phục vụ hơn 32 triệu lượt hành khách, tăng khoảng 5,5 triệu lượt hành khách so với năm trước.
Dự kiến, năm 2017, sân bay sẽ phục vụ cho khoảng 40 triệu lượt hành khách, và chỉ tính riêng tết Đinh Dậu 2017 sắp tới, sân bay dự kiến sẽ phục vụ cho khoảng 10 triệu lượt hành khách.
Ông Trần Doãn Mậu khẳng định, sẽ nghiên cứu ý kiến của Bí thư Đinh La Thăng, điều phối khung giờ thấp điểm và các chuyến bay đêm, nhất là khung giờ từ 0h đến 5h rạng sáng hàng ngày, để có giá cả hợp lý, giảm ùn tắc giao thông cho cả bên trong lẫn bên ngoài sân bay.
Phó Tổng Giám đốc Cảng hàng không Việt Nam – ông Đỗ Tất Bình bổ sung: Việc điều tiết giờ bay sẽ gặp ít nhiều khó khăn, do bay muộn sẽ ít dân đi, nhưng sẽ vẫn hứa làm tốt công việc điều tiết khung giờ bay.
Nghe tới đây, Bí thư Đinh La Thăng đã nói: Không phải hứa, mà giờ quá tải lắm rồi. Việc đếm chuyến lấy tiền thì sẽ không khuyến khích được. Điều tiết giờ bay thì chắc chắn giảm được.
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cương quyết thực hiện theo quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng cũng cần dùng kinh tế để điều tiết kinh tế thị trường, dùng giá cả để điều tiết.
Cảng vụ hàng không miền Nam sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, lâu dài sẽ điều phối giá bay theo giờ, nếu bay giờ cao điểm giá cao còn bay giờ thấp điểm thì giá sẽ thấp hơn.
Cũng tại cuộc làm việc này, theo sự gợi ý của TP.Hồ Chí Minh, sắp tới, Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, có thể cho xe máy lưu thông ở đoạn 4km của đường vành đai cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Đây là việc nhằm làm giảm ùn tắc cho nút giao thông An Phú, quận 2.
Theo đại diện lãnh đạo của VEC, đây là đoạn đường nội đô, nên vẫn có thể cho xe gắn máy đi vào được, chỉ cần làm dải phân cách mềm để xe gắn máy chạy, mà hoàn toàn không làm ảnh hưởng gì đến đường cao tốc.