Hà Nội chưa dập được dịch sởi

23/04/2014 06:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Hoàng Đức Hạnh – PGD Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành y tế Thủ đô đang nỗ lực khống chế dịch sởi chứ chưa thể dập dịch.

Thông điệp này được ông Hạnh đưa ra trong buổi họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội ngày 22/4.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến 21/4/2014 ghi nhận 1.285 bệnh nhân sởi, phân bố rải rác ở 358/584 xã phường của 30 quận, huyện (chiếm 61,3%). Đáng chú ý, từ 26/3 – 11/4 dịch sởi đã đạt đỉnh và có xu hướng giảm, đỉnh dịch xuất hiện tại tuần thứ 12 năm 2014.

Thống kê từ các địa phương cho thấy, quận Hai Bà Trưng có số bệnh nhân mắc sởi cao nhất (153 ca), quận Đống Đa và quận Hoàng Mai đứng thứ 2 với 118 ca; trung bình mỗi phường, xã có 2-3 bệnh nhân… nhưng đến nay đã có khoảng trên 80% bệnh nhân đã khỏi và ra viện.

Bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi (chiếm 58,1%), trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa tiêm chủng) chiếm 19,7%; trẻ trên 15 tuổi và người lớn chiếm 32,4%. Thống kê của Sở Y tế cũng chỉ rõ, có tới 90,2% số trường hợp mắc bệnh do chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Trong số 14 trường hợp tử vong tính từ đầu năm 2014 tới nay thì có 13 trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi và 1 trẻ em mới tiêm 5 ngày.

Hà Nội chưa khống chế được dịch sởi. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Hà Nội chưa khống chế được dịch sởi. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Theo ông Hạnh: “Trong số các ca tử vong thì có 50% là người Hà Nội. Dân số  lớn, mật độ dân cư đông đúc là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn tới dịch sởi, vì vậy hiện còn khoảng 70.000 – 100.000 trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc sởi. Bên cạnh đó mỗi năm có từ 2-5% trẻ trong diện tiêm chủng chưa được tiêm chủng nên mỗi năm có khoảng 5000 trẻ không được bảo vệ, sau 5 năm con số này sẽ là 25 nghìn trẻ. Ngoài ra còn có khoảng 5-10% trẻ không được gia đình đưa đi tiêm chủng do sợ tai biến sau tiêm”.

Trước câu hỏi: Vì sao Hà Nội không công bố dịch, có phải do sợ ảnh hưởng tới hoạt động của các lĩnh vực khác, đặc biệt là du lịch Thủ đô? Ông Hạnh nói: “Hà Nội chưa công bố dịch không có nghĩa là không có dịch. Thành phố đang rất quyết liệt, gần nhất là việc quyết định chi 75 tỷ để phòng chống dịch, mua máy móc, đảm bảo chế độ cho anh em phòng chống dịch. Bệnh sởi nhẹ, chỉ nặng khi có biến chứng; biến chứng hô hấp nhẹ điều trị BV tuyến huyện, còn biến chứng hô hấp nặng thì lên tuyến tỉnh”.

Tuy nhiên, với câu hỏi được lặp lại 2 lần: Vào tháng 9/2012, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình mục tiêu y tế quốc gia năm 2012 – 2015, trong đó nêu rõ khống chế dịch sởi từ năm 2012, vậy đây có phải lý do Sở Y tế Hà Nội không công bố dịch? Tuy nhiên, ông Hạnh “quên” không trả lời câu hỏi này.

Mặc dù trong tài liệu của Sở Y tế Hà Nội luôn gọi là “dịch sởi”, nhưng ông Hoàng Đức Hạnh vẫn một mực cho rằng với số lượng người mắc bệnh sởi và số ca tử vong như trên vẫn chưa tới mức cần thiết phải công bố dịch.

Trước những băn khoăn lo lắng về việc Hà Nội chưa kiểm soát được dịch sởi và một số trung tâm đã lợi dịch tăng giá vắc-xin, ông Hạnh cho biết: “Thời tiết âm u thế này thì vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan bệnh Sởi. Hà Nội đang cố gắng khống chế dịch chứ chưa phải đã dập dịch thành công, nếu dập dịch phải chờ sang tháng 5 hoặc tháng 6 khi trời nắng lên. Đối với vắc-xin phòng bệnh sởi, Hà Nội đang tổ chức tiêm miễn phí tại cơ sở y tế tại các quận, phường; còn với tiêm dịch vụ tại một số cơ sở tư nhân mới phải trả tiền, nhưng nếu phát hiện trung tâm nào lợi dụng tăng giá hãy báo ngay cho Sở Y tế, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.

Ngọc Quang