Ngày 26/3, báo điện tử Giáo dục Việt Nam có bài Cả làng Hiệp Sơn đen sì, nhà máy thép Hoà Phát đêm về phun khói bụi phản ánh về tình trạng người dân các thôn An Cường, Hiệp Thượng bị khói bụi bủa vây.
Sau khi báo đăng, Tập đoàn Hoà Phát đã có ý kiến phản hồi cho rằng hoạt động sản xuất tại khu liên hợp gang thép Hoà Phát Hải Dương (xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn) không xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Không có căn cứ ô nhiễm?
Cụ thể, Hoà Phát cho rằng hoạt động sản xuất tại đây sử dụng công nghệ lò cao khép kín toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, đáp ứng các quy chuẩn hiện hành trong sản xuất công nghiệp nặng.
Nhà máy đã có nhiều biện pháp lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt, xây dựng hệ thống tường bao, cây xanh để tiêu âm, ngay khi đứng cạnh khu dập cốc cũng không thấy mùi khó chịu.
Cột khói bốc ngùn ngụt từ nhà máy thép được người dân ghi lại |
Mới đây, ngày 17/1, cảnh sát môi trường Tỉnh Hải Dương xuống kiểm tra đột xuất, giám định mẫu nước thải, đo nồng độ khí và tiếng ồn ở nhà máy đã kết luận nhà máy gây ô nhiễm là không có căn cứ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết, hình ảnh người dân ghi lại cột khói đen rạng sáng 20/3 là do doanh nghiệp này dừng vận hành lò cao số 2 để bảo trì nên quá trình dừng lò xả van áp lực đỉnh phát sinh tiếng ồn, hơi nước và khói bụi.
Doanh nghiệp này cho rằng hiện tượng này không ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của người dân.
Cả làng Hiệp Sơn đen sì, nhà máy thép Hòa Phát đêm về phun khói bụi |
Hoà Phát cho rằng clip xuất hiện trên mạng xã hội về dòng nước thải đen đổ ra sông Kinh Thầy có từ năm 2012 có một số xe vận chuyển từ công trường nước rửa xe chảy ra sông, đã bị cơ quan chức năng xử phạt (Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không thông tin nội dung này-nv).
Theo tìm hiểu, khu liên hợp gang thép Hoà Phát Hải Dương do Công ty cổ phần thép Hoà Phát Hải Dương làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2007, giai đoạn 1 với công suất 350 nghìn tấn/năm đã đi vào hoạt động từ năm 2009.
Tiếp đó, khu liên hợp này được đầu tư giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Khu liên hợp này là hệ thống từ luyện gang, luyện phôi thép, cán thép với tổng công suất hiện nay đạt 1,7 triệu tấn/năm.
Dân sống chung với khói bụi
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại xóm 4 thôn An Cường và xóm 1 thôn Hiệp Thượng thì người dân đã phải sống chung với tình trạng khói bụi bủa vây.
Xóm 1 thôn Hiệp Thượng chỉ cách tường bao nhà máy vài chục bước chân, hầu hết các căn nhà đều loang lổ bụi xám, mái nhà các nhà đều phủ một lớp bụi đen dày. Cây xanh trong làng lá xanh luôn bị một lớp bụi xám xịt bao phủ.
Tại xóm 4 thôn An Cường, từ lâu người dân cũng phải sống chung với ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn.
Ông Nguyễn Thắng Thú (58 tuổi, trú xóm 4 An Cường) cho biết, khi nhà máy hoạt động hết công suất, tiếng máy ầm ào khiến cho cánh cửa kính nhà ông rung rè rè. Mái nhà, khoảng sân, cây cối trong vườn nhà ông Thú phủ đầy bụi xám.
Lá cây trong vườn nhà dân luôn bị phủ lớp bụi xám dày trên bề mặt. Ảnh Đỗ Hoàng |
Ông Tô Văn Ngó (66 tuổi, cùng trú xóm 4 An Cường) cho biết vào mùa đông, gió bắc quẩn, khói bụi từ phía nhà máy thép tràn vào trong khu dân cư khiến cho ông thường xuyên bị tức ngực khó thở.
Theo ông Ngó, tại hai thôn gần nhà máy, rất nhiều người, trong đó đa số là người già và trẻ em thường xuyên bị tình trạng này.
Do khói bụi phong toả, bầu không khí trong làng luôn mờ đục, bụi đen phủ khắp nơi đến nỗi người dân từ lâu không còn dám sử dụng nước mưa.
Một số nhà phải khoan giếng lấy nước sinh hoạt, nhiều nhà phải mua nước sạch để sử dụng với giá 100 nghìn đồng/xe nước chừng 3m3.
Trước phản ánh của người dân, ông Lê Văn Bí, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Kinh Môn, cho biết ngay từ năm 2009, khi thép Hoà Phát đi vào hoạt động, huyện đã nhận được ý kiến của người dân về tình trạng ô nhiễm khói bụi.
Theo ông Bí, từ đó đến nay, năm nào huyện cũng nhận được ý kiến của người dân về tình trạng ô nhiễm qua giao ban bí thư chi bộ và tiếp xúc cử tri.
Huyện đã nhiều lần báo cáo tỉnh về phản ánh của dân, năm 2017, Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức giám sát tại địa phương.
“Trong năm 2017, thép Hoà Phát được huyện đưa vào diện dân ý kiến có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đã báo cáo tỉnh cần đưa vào diện thanh tra” – ông Bí nói.
Như vậy, cho đến nay, doanh nghiệp phát thông tin cho rằng mình không gây ô nhiễm; nhưng người dân thì lên tiếng kêu cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì môi trường bị ô nhiễm.
Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần ghi nhận ý kiến người dân phản ánh tình trạng này.
Bởi vậy, rất cần thiết phải có một cơ quan đánh giá độc lập có thẩm quyền, để đưa ra kết luận khách quan, chuẩn xác về vấn đề này, tránh gây hoang mang dư luận, hạn chế ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, và làm mất uy tín của doanh nghiệp.