“Ít khi người trong cuộc lại tự nhận khuyết điểm về mình"

02/08/2015 09:22
QUỐC TOẢN
(GDVN) - PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm như vậy khi nói về kết quả khảo sát việc thực hiện những quy định cấm đối với người có chức vụ, quyền hạn vừa được công bố.

Hôm 29/7, Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) công bố kết quả về việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo đó, có 1.600 cán bộ và người dân tại 5 tỉnh thành và 16 bộ ngành tham gia vào cuộc khảo sát lần này.

Kết quả cho thấy, đa số cán bộ trong diện khảo cho biết, họ không vi phạm những quy định cấm đối với người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện công việc.

Kết quả khảo sát việc thực hiện những quy định cấm đối với người có chức vụ, quyền hạn (ảnh Vietnamnet).
 Kết quả khảo sát việc thực hiện những quy định cấm đối với người có chức vụ, quyền hạn (ảnh Vietnamnet).

Cụ thể, có tới 71,2% cán bộ được hỏi khẳng định, họ không nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền hoặc quà biếu.

Có tới 77,4% cán bộ khẳng định, họ không bố trí, đề bạt, tuyển dụng người không đủ điều kiện để vụ lợi.

Có 87,7% cán bộ nói không với việc lấy danh nghĩa mua sắm tài sản cho cơ quan nhưng thực chất phục vụ cho cá nhân…

Trong khi đó, có tới hơn 50% ý kiến người dân cho biết, họ phải dùng thêm tiền để được làm các thủ tục xây dựng nhà, mua bán nhà đất, cho con đi học.

Gần 1/2 người dân được hỏi trả lời rằng, họ phải thêm tiền để được quan tâm khi khám chữa bệnh tại bệnh viện công.

Đáng chú ý, có tới 54% ý kiến người dân phản ánh chuyện cán bộ nhận tiền, hoặc quà biếu để giải quyết công việc (Vietnamnet hôm 29/7).

Kết quả khảo sát từ phía người dân liên quan tới việc thực hiện những quy định cấm đối với người có chức vụ, quyền hạn cũng cho thấy, con số này gần trùng khớp với kết quả một số khảo nghiệm trước đó (chỉ số PAPI 2014).

Dưới góc nhìn chuyên gia trong lĩnh vực hành chính

"Độ tin cậy của khảo sát phụ thuộc vào việc phân nhóm đối tượng khảo sát thực hiện như thế nào? công cụ thu thập thông tin được soạn thảo ra sao? Việc xây dựng các chỉ báo? Những chỉ báo đó phản ánh điều gì? Quy trình thực hiện thu thập thông tin có đảm bảo khách quan không? Các khái niệm trong quá trình khảo sát có được làm rõ không?

Có những trường hợp, người thực hiện khảo sát và người được khảo sát, không cùng một cách hiểu. Điều này dễ dẫn kết quả, chất lượng khảo sát không sát thực tế", PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết.

công ở Việt Nam, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh -  Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (hôm 1/8) nhận định:

“Căn cứ vào kết quả trên, có thể thấy, mọi kết quả khảo sát đối với cán bộ có chức vụ, quyền hạn đều rất ''lạc quan''. Từ 70% đến 90% cho rằng họ không vi phạm các điều cấm khi thực hiện nhiệm vụ”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nhận định.

Tại sao việc khảo sát các đối tượng (cán bộ, người dân) lại cho kết quả khác nhau như vậy?

Theo PGS.TS Đặng Ngọc Dinh sự khác nhau giữa các kết quả khảo sát (người dân nói cán bộ nhận hối lộ nhiều, trong khi cán bộ nói ít) phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan, khách quan.

“Thứ nhất, đối tượng khảo sát là cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Do đó, ít khi ''người trong cuộc'' lại tự nhận khuyết điểm về mình khi được hỏi.

Thứ hai, công cụ thu thập thông tin (soạn thảo câu hỏi) được đặt ra khác nhau, có thể cho kết quả khác nhau. 

Ví dụ đặt câu hỏi: “Theo đồng chí, người dân có hay sử dụng tiền, quà để ''làm hỏng'' cán bộ khi cần giải quyết công việc không? khi đó người trả lời (cán bộ) sẽ thoải mái để phản ánh sự thật", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh phân tích.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cũng nhấn mạnh chỉ số phản ánh hiện tượng ''lo lót'' khi giải quyết công việc (xin việc) còn cao, càng củng cố kết luận của khảo sát PAPI 2014.

"Hiện tượng sử dụng mối quan hệ quen, thân, lo lót, hối lộ trong xin việc hiện nay ở nước ta đã trở thành ''tập quán''!, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho biết.

QUỐC TOẢN