Lời khai của Dương Chí Dũng: Chưa có tiền lệ khởi tố vụ án tại tòa?

09/01/2014 13:24
Theo Thanh Niên
(GDVN) - HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại tòa về hành vi “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

Trong phiên tòa sơ thẩm TAND TP.Hà Nội xét xử ông Dương Tự Trọng và các đồng phạm can tội tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, diễn ra vào ngày 7 và 8.1, HĐXX đã ra quyết định khởi tố vụ án ngay tại tòa về hành vi “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.  

Bị cáo Dương Tự Trọng (giữa, hàng đầu) và các bị cáo tại tòa - Ảnh chụp màn hình
Bị cáo Dương Tự Trọng (giữa, hàng đầu) và các bị cáo tại tòa - Ảnh chụp màn hình

Vụ việc làm xôn xao dư luận vì việc HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án gần như rất hiếm khi xảy ra. Và lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa, có phải là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự không? Thanh Niên Online đã trao đổi với các luật sư về sự kiện gần như chưa có tiền lệ trong thực tiễn xét xử này.

Khởi tố tại tòa là đúng luật
Tại tòa Dương Chí Dũng khẳng định sau khi được ông Phạm Quý Ngọ thông báo việc sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam, Dũng đã được các bị cáo khác giúp bỏ trốn khỏi Việt Nam theo lộ trình Hà Nội - Quảng Ninh - TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) - Campuchia. Từ lời khai của Dương Chí Dũng nói trên, đại diện Viện KSND giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án về hành vi “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”.

Trong suốt một thời gian dài thẩm quyền khởi tố của tòa chưa phát huy tác dụng trong công cuộc phòng chống tội phạm đến nỗi đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ việc giao cho tòa thẩm quyền quyền khởi tố vụ án hình sự. Đối với vụ án này, việc tòa ra quyết định khởi tố ngay tại tòa cho thấy sự cương quyết trong đấu tranh phòng chống tội phạm của Nhà nước ta.  

Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM

Và trong bản án ngày 8.1.2014, HĐXX đã tuyên xét thấy có dấu hiệu và cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm lộ bí mật Nhà nước và giao cho Viện KSND TP.Hà Nội tổ chức báo cáo với Viện KSND tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vậy, lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa, có phải là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự không?

Luật sư Hồ Ngọc Diệp (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết lời khai của Dương Chí Dũng là một trong những căn cứ để HĐXX quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 1, Điều 100 Bộ luật Tố tụng Hình sự vì đó là tố giác của công dân.

Song song đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Việc HĐXX quyết định khởi tố vụ án hình sự là hoàn toàn đúng luật, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003: “…HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện KSND khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra”.

Chưa từng có trường hợp cơ quan xét xử khởi tố tại tòa
Đánh giá quy định này, Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, pháp luật trao cho tòa án thẩm quyền khởi tố vụ án nhưng thực tiễn xét xử chưa từng có trường hợp cơ quan xét xử khởi tố tại tòa.

Thường thấy, khi xuất hiện tình tiết mới tại tòa cho thấy có dấu hiệu lọt người, lọt tội thì HĐXX thường trả hồ sơ để cho cơ quan điều tra điều tra hoặc đề nghị Viện KSND, cơ quan điều tra cùng cấp khởi tố ai đó. Nếu các cơ quan này vẫn giữ nguyên quan điểm không khởi tố mà tòa vẫn đánh giá lọt người, lọt tội thì tiếp tục kiến nghị trong bản án lên cấp cao hơn làm rõ.

“Trong suốt một thời gian dài thẩm quyền khởi tố của tòa chưa phát huy tác dụng trong công cuộc phòng chống tội phạm đến nỗi đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ việc giao cho tòa thẩm quyền quyền khởi tố vụ án hình sự. Đối với vụ án này, việc tòa ra quyết định khởi tố ngay tại tòa cho thấy sự cương quyết trong đấu tranh phòng chống tội phạm của Nhà nước ta”, luật sư Hà Hải nói.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện nay, sau khi khởi tố vụ án, trong thời hạn 24 giờ, HĐXX phải gửi quyết định khởi tố vụ án tới Viện KSND để xem xét, quyết định việc điều tra. Thẩm quyền điều tra về hành vi làm lộ bí mật Nhà nước thuộc cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao. Nếu điều tra xác định được đối tượng vi phạm và thấy có dấu hiệu của tội phạm thì khi đó cơ quan điều tra mới khởi tố bị can.

Trong trường hợp này, theo luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM), lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa được xem là tình tiết giảm nhẹ mới trong phiên xử phúc thẩm đối với vụ án tham ô và cố ý làm trái sắp tới theo tinh thần quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự với tình tiết “người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm”.

“Hành vi tích cực giúp đỡ trong trường hợp này, được hiểu là người phạm tội đã cung cấp những tin tức, tài liệu, bằng chứng có ý nghĩa quan trọng cho việc phát hiện và điều tra tội phạm. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này, phụ thuộc vào giá trị của những tin tức mà người phạm tội đã cung cấp”, luật sư Diệp nêu.

Nếu lời khai của Dương Chí Dũng sai sự thật sẽ bị xử lý ra sao?

Trao đổi với Thanh Niên Online, luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng không loại trừ khả năng sau khi tiến hành điều tra, nếu cơ quan điều tra không có chứng cứ hoặc không chứng minh được việc ông Phạm Quý Ngọ có phải là người để lộ thông tin mật cũng như không xác định được ai là người để lộ thông tin mật thì căn cứ vào khoản 1 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự để đình chỉ vụ án và khoản 1 Điều 108 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án. Lúc này, ông Dương Chí Dũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật” theo Điều 307 Bộ luật Hình sự.

Theo Thanh Niên