Lớp học đặc biệt chưa từng thấy ở Sài Gòn

17/01/2019 07:00
Hưng Long
(GDVN) - Gần 30 năm qua, cô giáo dạy cho hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nên người và thành tài theo mô hình dạy ở nhà nhưng vẫn được công nhận kết quả học.

Trở thành giáo viên từ lòng yêu trẻ

Cô Đặng Thị Thu Thảo – Trưởng lớp tình thương Phước Thiện (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) đã hết lòng vì các em có hoàn cảnh khó khăn, thay đổi số phận hàng ngàn trẻ em để giúp các em vững bước trên con đường đời.

Con đường trở thành giáo viên của cô Thảo như gắn với phận mình từ thời còn tấm bé.

Cô giáo Đặng Thị Thu Thảo. (Ảnh: H.L)
Cô giáo Đặng Thị Thu Thảo. (Ảnh: H.L)

Trò chuyện với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Thảo trải lòng về cuộc đời làm giáo viên của mình.

Thời điểm năm 90, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nhà Bè (cũ) có nói, muốn mở lớp học tình thương thì phải chấp nhận một điều, tất cả sổ sách, học bạ sẽ do một trường quản lý về chuyên môn.

Cô chỉ là giáo viên đứng lớp, cô có đồng ý hay không?

Cô Đặng Thị Thu Thảo đồng ý ngay. Cô quan tâm đến vấn đề, sau khi học sinh học xong sẽ được xét lên lớp.

Nếu sau khi học hết cấp 1, những em học sinh có điều kiện sẽ tiếp tục có cơ hội để học lên cấp 2.

Thời điểm này, cô Mai làm Hiệu trưởng Trường Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (cũ – huyện Nhà Bè).

Cô Thảo được đầu tư sổ sách, học bạ như một lớp học tại trường. Cô bám sát theo chương trình trên lớp và những bài giảng trong sách để dạy các em.

Thập niên 90, mạng internet chưa phổ biến mà nếu có cũng với giá cước rất đắt đỏ nên không thể có điều kiện sử dụng.

Cô Thảo đi nhà sách để mua sách thao khảo, học hỏi và trau dồi thêm kỹ năng. Lâu dần, “nghề dạy nghề” nên cô đã tìm ra những phương pháp, cách giải toán để dạy các em học sinh.

Nhiều đêm trăn trở, cô Thảo chỉ luôn đặt mục tiêu: “Làm sao để cho các em phải học tốt hơn?”.   

Đến năm 1997, quận 7 tách ra làm 2 thành quận 7 và huyện Nhà Bè. Lớp học của cô Thảo được giao về cho Trường Tiểu học Tân Quy (quận 7) quản lý đến bây giờ.

Các em lớp 1, 2, 3 và 4 được thi tại lớp nhưng các học sinh lớp 5 phải sang Trường Tiểu học Tân Quy để thi tốt nghiệp (Thời điểm này, học sinh lớp 5 còn phải đang thi chuyển cấp - PV).

Cô giáo đến lớp chỉ với tấm lòng

Sau khi thi xong, các em học sinh nếu thi đậu tốt nghiệp thì sẽ được vào học tiếp ở bậc Trung học cơ sở. Cũng có nhiều em học sinh không vượt nổi “vũ môn”, phải học ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Nhiều học sinh, gia đình tạo điều kiện, đầu tư cho học sinh thì chắc chắn theo học tiếp ở những cấp học còn lại. Những học sinh chịu khó học đã thành đạt và trở thành kỹ sư, sửa chữa máy tính…

Các em học sinh lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L)
Các em học sinh lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L)

Có nhiều em, học hết phổ thông không thành danh vẫn thành nhân. Các em có thể tự lo cho bản thân bằng những nghề lương thiện bên mái ấm gia đình.

Đến bây giờ, lớp học tình thương vẫn thuộc sự quản lý của Trường Tiểu học Tân Quy có thuận lợi trong việc dạy dỗ các em dù là học ở nhà của cô Thảo.

Cô Thảo thẳng thắn, ở lớp các em được dạy bằng sự kinh nghiệm, tình yêu thương và tấm lòng của giáo viên dành cho các em.

Cô Thảo luôn tâm niệm, mở lớp học chỉ để truyền đạt con chữ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà không vì bất cứ lợi nhuận nào. Cô Thảo không thu bất kỳ các khoản nào của các em.

Vì sao các thủ khoa, á khoa phần lớn đều tự học? 

Cô không vận động bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào để xin tài trợ. Nhiều người biết tìm đến cho bao gạo, chai nước mắm hay những vật phẩm để hỗ trợ cho các em trong việc học.

Đến bây giờ, cô Thảo vẫn không thể giải thích nổi vì sao lại dấn thân vào con đường dạy học một cách tình cờ đến như vậy. Cô kể, trước năm 1975, cô Thảo sinh sống cùng gia đình ở quận 4.

Cô làm nghề thêu và nuôi vài em nhỏ trong nhà. Trong xóm, gia đình nào khó khăn, cô Thảo nhận nuôi giúp để hỗ trợ mọi người.

Sau đó, gia đình cô Thảo chuyển về huyện Nhà Bè (quận 7 cũ) để sinh sống. Xung quanh ruộng đồng bạt ngàn. Xa xa, vài căn nhà mọc lên thưa thớt.

Cô Thảo lại nhớ đến các em nhỏ nên nảy sinh ý định mở lớp dạy học. Học sinh của cô nhắm đến là những em mù chữ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và ở trong độ tuổi từ 7 đến 14 tuổi.

(còn tiếp)

Hưng Long