Lý lịch đáng lo ngại của một số cán bộ điều tra vụ tử tù Hàn Đức Long

01/08/2014 06:49
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Tuy xảy ra cách nhau 2 năm nhưng nhiều cán bộ trước từng điều tra, bắt bớ ông Nguyễn Thanh Chấn thì sau này lại tiếp tục tham gia vào vụ án Hàn Đức Long...

Trong vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), chưa bàn đến chuyện các điều tra viên đã dùng nhục hình bức cung, mớm cung, dụ cung với bị can mà ngay trong khâu thu thập chứng cứ, đánh giá tài liệu, giám định dấu vết… cũng đã có quá nhiều sai sót.

Chính vì vậy mà mới đây, ông Đặng Thế Vinh (trưởng phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã bị bắt, bị khởi tố do liên quan đến việc điều tra, kiểm sát điều tra trong vụ án “Nguyễn Thanh Chấn giết người”, gây oan sai cho ông Chấn phải chấp hành oan bản án 10 năm tù giam.

Cả hai bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi cố tình "làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo điều 300 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong vụ oan sai của ông Chấn có tới 7 cán bộ tham gia vào quá trình điều tra, giờ mới chỉ có 1 người bị bắt.

Vụ ông Chấn xảy ra năm 2003, vụ giết người, hiếp dâm trẻ em mà Hàn Đức Long là bị can vào năm 2005. Tuy cách nhau hai năm nhưng nhiều cán bộ trước từng tham gia vào quá trình điều tra, bắt bớ ông Nguyễn Thanh Chấn thì sau này lại tiếp tục tham gia vào vụ án của Hàn Đức Long. Ông Long cũng bị giam tại trại Kế, cùng chỗ với ông Chấn.

Cả hai người này đều bị giam tại trại Kế, Bắc Giang, đều tố bị công an ép cung, đánh đập.
Cả hai người này đều bị giam tại trại Kế, Bắc Giang, đều tố bị công an ép cung, đánh đập.

Tại các biên bản ghi lời khai vụ án Hàn Đức Long trước đây, điều tra viên là ông Đào Văn Biên (cũng là điều tra viên vụ án Nguyễn Thanh Chấn). Nay ông Biên là Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, công an tỉnh Bắc Giang).

Còn người trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Hàn Đức Long là ông Lê Văn Dũng. Khi đó là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bắc Giang (cũng là người trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn). Hiện nay ông Dũng là Đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an Bắc Giang.

Hai ông này, cách đây vài tháng đã phải làm giải trình về nghi vấn ép cung, dùng nhục hình để khép tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm về trước.

Trong vụ án của Hàn Đức Long còn có ông Dương Khương Duy -Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự xã hội, phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang. Ông Duy là người chỉ đạo trực tiếp vụ án nhưng đã bị đột tử chết năm 2006 (tức sau ngày ông Long bị bắt được khoảng 1 năm).

Ông Dương Khương Duy từng tham gia điều tra vụ trộm cổ vật tại Bắc Giang. Vụ án đó công an đã truy tố oan cho 9 người vô tôi. Một người đã chết trong tù, những người còn lại khi được thả cũng thân tàn ma dại. Năm 2010, một người nữa cũng đã chết vì hỏng nội tạng.

Ông Dương Phúc Thịnh, một trong số 9 người bị truy tố oan, khi được trả tự do trở về thì gia đình tan nát.

Lí do là ngày ở tù, ông Thịnh ốm nặng được điều trị tại Bệnh viện Bắc Giang. Vợ ông lên thăm thấy chồng bị cùm chân cùng một gã “AIDS”. Lúc ông Thịnh được tha về, vợ không dám gần, cứ thế tình cảm nhạt phai, dẫn đến tan đàn sẻ nghé…

Mới đây, khi tâm sự với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Thịnh kể ngày đó ông bị ông Dương Khương Duy đánh nhiều nhất.

“Tôi là nghệ nhân cây cảnh, sử dụng nhiều đến đôi tay thì họ (các điều tra viên – PV) cứ lôi tay ra mà đánh. Họ bóp chặt hai ngón tay lại, nhét một chiếc bút bi vào giữa kẽ tay rồi xoáy. (Hàn Đức Long cũng tố bị điều tra viên kẹp bút bi vào kẽ các ngón tay). Còn có một nhà sư thì thường bị họ tra tấn vào chỗ hiểm bởi công an bảo nhau “nhà sư thì cần dùng gì đến chỗ ấy” – ông Thịnh kể.

Quay trở lại với vụ án của Hàn Đức Long, sau ngày ông Dương Khương Duy chết, khi khám phá tủ của ông Dương Khương Duy thì có 49 Bút lục tài liệu bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án. Ngoài ra, có một số bản viết tay không hoàn chỉnh đơn xin đầu thú của Hàn Đức Long.

Một đoạn trong Bản tự thú của phạm nhân Hàn Đức Long, chữ viết lúc nghiêng lúc thẳng.
Một đoạn trong Bản tự thú của phạm nhân Hàn Đức Long, chữ viết lúc nghiêng lúc thẳng.

Trước khi điều tra lại, trong hồ sơ chỉ có một bản "Đơn xin đầu thú" viết ngày 29/10/2005, trong khi đó Long bị bắt ngày 19/10/2005. Điều này đã khiến luật sư Ngô Ngọc Trai (người trước đây bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Long), nghi vấn không biết điều gì đã diễn ra trong khoảng thời gian 10 ngày từ khi Long bị bắt đến khi có đơn xin đầu thú?

Ngoài ra, khi xem nét chữ viết tại bản "Đơn xin đầu thú" ngày 29/10/2005 gồm 4 trang giấy, thấy rằng cứ cách một đoạn nét chữ viết đứng, cách một đoạn chữ viết lại nghiêng. Luật sư Ngô Ngọc Trai nhận định, sự khác nhau về nét chữ trong cùng bản tự thú chứng tỏ có sự đứt quãng, nghỉ ngơi rồi mới viết tiếp.

Luật sư Trai phân tích: “Có thể ở trong trại giam, Hàn Đức Long đã bị ép “tập viết” nhiều lần, viết cho trôi chảy, viết cho thuộc các tình tiết, bị ép viết cho đến khi đạt yêu cầu và “giống như thật” mới thôi”./.

VIẾT CƯỜNG