(Tiếp theo và hết)
Việt Nam hiện là một quốc gia hoàn toàn có chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc, song trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước các làn sóng “xâm lăng văn hóa” thâm nhập vào nước ta dưới mọi hình thức, thủ đoạn tinh vi, chúng ta không thể lơ là, coi nhẹ nhiệm vụ bảo vệ nền văn hóa dân tộc-nhân tố quan trọng cấu thành độc lập dân tộc một cách bền vững nhất.
Nhận thức mới về bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế
Thời đại toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những bước ngoặt phát triển chưa từng thấy cho nền văn minh nhân loại, nhưng cũng là một thách thức ghê gớm đối với nhiệm vụ bảo vệ nền văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia.
Những năm gần đây, “chủ quyền văn hóa” được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến vì nó liên quan trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ và vận mệnh chính trị của một quốc gia-dân tộc.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Kỳ, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), văn hóa là linh hồn của một dân tộc.
Một quốc gia hoặc dân tộc muốn giữ vững độc lập của mình thì trước tiên phải giữ gìn tính độc lập về văn hóa, chỉ có như vậy mới có thể nói tới độc lập hoàn toàn của một quốc gia.
Trên thực tế, độc lập về chủ quyền lãnh thổ dù là cơ sở, tiền đề quan trọng hàng đầu để làm nên độc lập chủ quyền của quốc gia, nhưng độc lập về văn hóa mới là điều kiện căn cốt để bảo đảm cho nền độc lập của quốc gia ấy được tồn tại, phát triển bền vững.
Bởi vì, văn hóa-hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất-chính là tất cả chiều dài lịch sử, chiều sâu truyền thống và toàn bộ giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục, tập quán… của cả cộng đồng dân tộc được xây dựng, bồi đắp, lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Mặt khác, văn hóa chính là “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia.
Do vậy, bảo vệ văn hóa ngoài ý nghĩa là bảo tồn “sức mạnh mềm” của quốc gia-dân tộc, còn bao gồm việc làm cho các giá trị của “sức mạnh mềm” không ngừng phát huy, lan tỏa để nền độc lập của quốc gia luôn được “cắm sâu” trên một nền tảng ổn định, gốc rễ bền vững.
Múa sạp của đồng bào Tây Bắc. Ảnh minh họa: Báo Tin tức. |
Đại hội XII của Đảng chính thức xác định nội dung “bảo vệ văn hóa dân tộc” là một trong những nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là:
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
Bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Việc Đảng ta xác định “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” thực chất là xác lập bảo vệ chủ quyền văn hóa của quốc gia.
Theo Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng), là một trong những yếu tố vừa bền vững, vừa năng động, văn hóa sẽ góp phần khai thác, nhân lên “sức mạnh mềm” của quốc gia để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Nói đến văn hóa là nói đến con người, do vậy, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa thực chất là chú trọng quan tâm chăm lo xây dựng con người có đủ bản lĩnh, niềm tin và sức mạnh tinh thần, năng lực, sức khỏe nhằm đáp ứng, thực hiện thắng lợi một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Phải có đủ sức mạnh nội lực để bảo vệ “chủ quyền văn hóa” quốc gia
Muốn giữ được độc lập, tự cường về văn hóa, thì không thể không quan tâm chăm lo xây dựng, nâng cao “sức mạnh nội sinh” của dân tộc.
Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm đổi mới cho thấy, đất nước ta có những phát triển vượt bậc về kinh tế, xã hội, song như Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thẳng thắn chỉ ra, văn hóa chưa có chuyển biến rõ nét, trong khi “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục”, thì vẫn xảy ra “tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ”.
Ví dụ, trong lĩnh vực điện ảnh, theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 8 năm qua (2010-2017), Việt Nam sản xuất và phát hành 250 phim truyện nhựa.
Trong khi đó, các rạp chiếu phim của ta đã nhập khẩu và phát hành 1.101 phim nước ngoài.
Như vậy, số phim nước ngoài trình chiếu tại các rạp ở Việt Nam gấp 4,4 lần so với phim Việt Nam.
Phim nội “lép vế” trước phim ngoại từ nhiều năm nay trở thành nỗi quan ngại không riêng của những người làm điện ảnh nước nhà.
Cũng trong 8 năm qua, thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, Việt Nam mới xuất khẩu được 469.163 đơn vị văn hóa phẩm (sách, ảnh, tạp chí, lịch, tranh, ảnh các loại, đĩa CD, DVD…), nhưng đã phải nhập tới 3.916.237 đơn vị văn hóa phẩm từ nước ngoài, tức là gấp hơn 8,3 lần.
Theo phân tích của một nhà nghiên cứu văn hóa, tỷ lệ nhập/xuất đơn vị văn hóa phẩm rất chênh lệch này là một trong những nguy cơ khiến người Việt đang bị “tiêu xài” quá nhiều sản phẩm văn hóa nước ngoài, từ đó dễ bị văn hóa ngoại lai “len lỏi” vào suy nghĩ, tâm hồn người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Đây là nguy cơ không thể xem thường nếu thế hệ chủ nhân tương lai của nước nhà “sính” sản phẩm văn hóa ngoại, nhớ làu làu tên phim ảnh ngoại, thuộc lòng tên diễn viên ngoại, đam mê thái quá những lễ hội du nhập từ phương Tây mà lại thiếu cơ hội hay không mặn mà thưởng thức những sản phẩm thấm đẫm hồn cốt Việt, thờ ơ với lịch sử và danh nhân văn hóa Việt.
Vẫn biết nước ta đang phải tập trung ưu tiên mọi nguồn cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ nhiệm vụ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như chưa chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa nội địa.
Bởi vì nếu không quan tâm đúng mức vấn đề này, chúng ta không chỉ dễ “mất gốc”, mà cũng khó có cơ hội đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại bằng những tinh hoa văn hóa Việt đã được bao thế hệ người Việt sáng tạo, vun đắp, kết tinh suốt hàng nghìn năm qua.
Chúng ta đừng bao giờ quên lời nhắc nhở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Những yếu kém về công nghệ, Việt Nam sẽ học tập ở nước ngoài, nhưng có hai điều căn bản mà Việt Nam phải luôn giữ vững là tinh thần độc lập dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc, vì đó là hai nhân tố cốt tử bảo đảm cho vị thế, hình ảnh dân tộc Việt Nam tồn tại lâu bền trong lòng nhân loại.
Thấm thía lời Bác Hồ dạy: “Cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”
Có một câu danh ngôn, đại ý: Văn hóa là những cái còn lại khi tất cả cái khác mất đi. Lịch sử thế giới từng chỉ ra:
Mất lãnh thổ, chủ quyền có thể đấu tranh lấy lại, giành lại được; nhưng mất văn hóa là mất tất cả, mất vĩnh viễn.
Bài học lịch sử của tổ tiên, ông cha ta quyết giữ bằng được văn hóa dân tộc trong thời kỳ hơn nghìn năm Bắc thuộc để “ta vẫn là ta”, là minh chứng hùng hồn về điều đó.
Quyền con người là số 1 ở Việt Nam, không thể xuyên tạc, bóp méo được |
Thế nhưng, thời đại ngày nay khác rất xa thời xưa, bởi lẽ cả thế giới đều có thể nằm ngay trong lòng bàn tay thông qua một cú “nhấp chuột” trên máy tính hay một cái vuốt tay trên màn hình máy tính bảng, điện thoại thông minh thì không dễ gì giữ được bản sắc văn hóa vốn là “cái riêng” của dân tộc mình.
Hơn nữa, như một chuyên gia UNESCO từng khuyến cáo, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 dù có mang lại rất nhiều tiện ích văn minh cho cuộc sống con người, song cũng dễ làm tâm hồn con người trở nên xơ cứng, văn hóa các dân tộc trở nên đơn điệu, nghèo nàn, thậm chí có nguy cơ lụi bại trước sự “tiến công” vừa công khai, vừa ngấm ngầm của nền công nghiệp văn hóa nghe nhìn phương Tây đang “tung hoành” hầu như khắp nơi mọi chốn trên thế giới.
Do đó, điều mấu chốt để bảo tồn được bản sắc dân tộc là phải vừa chú trọng giữ gìn, vừa bồi đắp, nâng tầm bản lĩnh văn hóa, trí tuệ dân tộc để có đủ khả năng nhận diện, lọc bỏ những “virus văn hóa ngoại lai” độc hại đang hằng ngày, hằng giờ tác động, thẩm thấu vào xã hội;
Đồng thời luôn thích ứng cởi mở với các nền văn hóa khác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng làm giàu văn hóa cho dân tộc mình.
Phải khắc sâu, thấm thía lời Bác Hồ dạy: Phương Tây hay phương Đông có gì hay, có gì tốt ta phải học lấy, song điều cốt yếu là “đừng biến ta thành kẻ bắt chước”, vì theo Bác: “Cái gốc của văn hóa mới là dân tộc”.
Gốc có vững, cây mới bền. Giữ được cái gốc dân tộc của văn hóa, đó cũng là cơ sở vững vàng để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và cũng là thành trì chắc chắn để bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.
Thấm đẫm, kết tinh công sức, tài năng, trí tuệ và cả xương máu của các thế hệ người Việt trong hơn hai thiên niên kỷ dồn tụ lại, bản sắc văn hóa dân tộc được ví như một tấm gương của tiền nhân trao truyền cho hậu thế.
Vì vậy, một khi chủ động chăm lo giữ gìn chu đáo thì tấm gương ấy sẽ ánh lên khuôn mặt dân tộc Việt ngày càng khởi sắc, xán lạn.
Ngược lại, nếu không chú trọng, thường xuyên “bảo dưỡng” thì tấm gương ấy sẽ “hắt” lên diện mạo văn hóa dân tộc những vết mờ bụi và làm cho quá khứ bị tổn thương, nền độc lập dân tộc bị đe dọa, tương lai quốc gia khó phát triển ổn định, bền vững.