“Khó phân biệt hải sản gần hay xa bờ?”
Sau khi Bộ Y tế công bố vẫn phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản 4 tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm: Ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá sống ở tầng đáy) trong vòng 20 hải lý, những ngư dân đánh bắt gần bờ đứng ngồi không yên, còn người dân thì hết sức lo lắng vì khó phân biệt đâu là hải sản gần bờ, đâu là xa bờ.
Người dân khó phân biệt được đâu là hải sản gần bờ hay xa bờ (Ảnh: Thủy Phan) |
Đã trở lại với nghề đánh bắt gần bờ gần một tháng nay, nhưng bây giờ anh Trương Văn Hà (45 tuổi, trú xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) rất lo lắng, đứng ngồi không yên khi biết nhiều hải sản ở tầng đáy trong khoảng 13,5 hải lý chưa thể sử dụng vì vẫn bị nhiễm độc tố.
Khẩn trương xây dựng định mức bồi thường thiệt hại từ sự cố môi trường biển |
Anh Hà tâm sự: “Đợt trước không đi biển được nên tôi phải lên thành phố xin đi cùng thuyền với tàu đánh bắt xa bờ. Gần một tháng nay, sau khi các bộ ngành công bố phần lớn biển đã an toàn, chúng tôi quay về sửa soạn lại thuyền thúng để ra khơi đánh bắt lại.
Chúng tôi đánh bắt gần bờ, ngoài cá thì có cả cua, ghẹ, mực... Nhưng hôm qua nghe nói những loại hải sản này chưa thể sử dụng được nên đánh bắt về giờ lại không có ai mua.
Việc phân biệt hải sản nằm ngoài hay trong khoảng 13,5 hải lý chúng tôi cũng thấy khó. Ở thời điểm chúng tôi đánh bắt được thì nó nằm ở khoảng đó, nhưng biết đâu trước đó nó nằm ở khoảng khác thì sao, vì những hải sản đó cũng di chuyển mà”, anh Hà băn khoăn.
Cũng như anh Hà, ông Lê Văn Hiếu (một ngư dân - Trưởng thôn Bàu Vàng, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cũng rất lo lắng trước thông tin mà Bộ Y tế công bố.
Cả ngư dân và người tiêu dùng thấp thỏm trước thông tin hải sản ở tầng đáy gần bờ chưa an toàn (Ảnh: Thủy Phan) |
Ông Hiếu cho biết, chúng tôi theo dõi tin tức thời sự nên mới biết công bố của Bộ Y tế, còn các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa có thông báo gì cho bà con cả.
Công bố mới nhất về môi trường biển và chất lượng hải sản 4 tỉnh miền Trung |
Thời gian vừa rồi, một số ngư dân đánh bắt gần bờ có đánh bắt hải sản ở tầng đáy như tôm, cua, ghẹ... nhưng giá cả chỉ bằng 1/3 so với trước. Hải sản đã bắt đầu quay trở lại, nhiều hơn trước đó rồi nhưng giờ lại có thông tin một số hải sản ở trong vòng 13,5 hải lý vẫn bị nhiễm độc tố nên nhiều người đành ở nhà.
“Ngư dân đánh bắt xa bờ còn đỡ, chứ đánh bắt gần bờ giờ điêu đứng luôn rồi, chắc ở nhà luôn chứ chả biết làm gì. Thu nhập trước đây mỗi tháng vài ba chục triệu, còn giờ thì ngồi không. Bỏ tiền ra mua dụng cụ giờ không thu hồi được vốn, vất vả lắm nhưng phải cố gắng vượt qua chứ biết làm sao được.
Còn vấn đề chuyển đổi nghề cũng đã có hướng gì đâu. Mới nói trên cơ sở lý thuyết chứ thực chất người dân chưa biết thế nào. Người nào muốn đi xuất khẩu lao động vẫn phải tự vay mà đi thôi”, ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, giờ ngư dân chỉ mong muốn các ban ngành có thông báo cụ thể để họ yên tâm hơn.
Cần có thông báo, hướng dẫn cụ thể
Theo ghi nhận của phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam tại chợ cá Đồng Hới (Quảng Bình), rất nhiều loại thủy hải sản được bày bán sau khi các tàu thuyền đánh bắt về, trong đó, có nhiều loại thủy hải sản nằm trong danh mục “khuyến cáo không sử dụng” của Bộ Y tế.
Ngồi trước rổ ghẻ vừa được lái buôn đưa lên từ tàu đánh bắt, bà Trần Thị Khuyên (trú phường Đồng Phú, TP Đồng Hới) than thở: “Lâu nay tôi đã mua tôm, ghẹ về cho cả nhà ăn. Giờ lại nghe thông tin những hải sản này nếu ở gần bờ thì vẫn bị nhiễm độc tố khiến chúng tôi rất hoang mang. Họ bày bán đầy chợ, chúng tôi làm sao phân biệt được đâu là hải sản xa bờ, đâu là hải sản gần bờ để mà mua”.
Ông Trần Cương - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho rằng, các cơ quan chức năng công bố thông tin còn chung chung, mọi thứ vẫn chưa được rõ ràng.
Phần lớn môi trường biển miền Trung an toàn |
Theo ông Cương, hải sản bơi được chứ không phải nuôi một chỗ như cá nuôi lồng, con cá này sống ở vị trí dưới 20 hải lý (là vùng biển nhiễm độc) nhưng xuôi theo dòng hải lưu cá có thể bơi ra tới 26 hải lý thì an toàn hay sao?.
“Cái nữa, các bộ ngành cần làm rõ vấn đề về cá sống ở tầng đáy dưới 20 hải lý không an toàn thì phía trên sẽ như thế nào”, ông Cương bày tỏ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Văn Minh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, khi nào có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành thì địa phương mới tiếp thu rồi chỉ đạo ngư dân.
“Trên cơ sở ý kiến của Bộ NN&PTNT và các bộ ban ngành liên quan, chúng tôi mới dựa vào đó để hướng dẫn ngư dân ra khơi đánh bắt ở vùng biển nào xác định thủy hải sản an toàn, chứ báo cáo hôm qua cũng đang còn mập mờ, chưa cụ thể”, ông Minh nói.
Hôm 20/9, Liên bộ Y tế - Tài nguyên Môi trường - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tại buổi công bố, Bộ Y tế đã đưa ra kết luận, tất cả hải sản như: cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, các trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Còn các hải sản như: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, các đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị người dân không sử dụng các loại hải sản: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, các đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý (các loại hải sản tầng đáy theo danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). |