Ngày 27/8, tại TP Huế, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chứ hội nghị: “Báo cáo tiến độ kê khai, thống nhất thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản sau công bố của Bộ Tài nguyên & Môi trường”.
Chưa thống nhất được phương án đánh bắt
Tại hội nghị, thay mặt Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Sản đã nêu 4 phương án về việc đánh bắt và khai thác thủy sản được đưa ra để mọi người cùng bàn bạc, thảo luận.
Theo đó, phương án thứ nhất cấm ngư dân khai thác hải sản từ vùng biển 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng đến hết hòn Sơn Chà và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.
Phương án thứ hai cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm 3 vùng biển như Bộ TNMT khuyến cáo (gồm cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương- tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 300km2; vùng Nhật Lệ tỉnh Quảng Bình với diện tích 330km2; vùng hòn Sơn Chà của tỉnh Thừa Thiên- Huế với diện tích 160km2) và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ.
Phương án thứ ba cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ, cấm nghề cá từng đáy từ 20 hải lý trở vào tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Phương án thứ tư cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác bình thường trên các vùng biển và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm và sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ.
Thứ trưởng Bộ NN &PTNN Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị. Ảnh: B.Sương |
Sau khi 4 phương án được đưa ra, nhiều ý kiến khác nhau đã được đại diện các địa phương tiến hành bàn bạc thảo luận. Tuy nhiên trước nhiều ý kiến khác nhau vẫn chưa thống nhất được phương án cuối cùng.
Không có tỉnh nào lựa chọn hai phương án 1 và 2. Phương án 3 được ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Thừa Thiên – Huế và ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn.
Ông Hà Sĩ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lựa chọn phương án cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường;
Tuy nhiên lưu ý khi Bộ TN&MT chưa công bố môi trường hoàn toàn sạch và trở lại bình thường, Bộ Y tế chưa công bố hải sản khai thác tại 4 tỉnh miền trung an toàn thì các địa phương nên khuyến cáo người dân chưa nên khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, hải sản tầng đáy và rạn san hô khu vực bị ảnh hưởng.
Riêng đại diện tỉnh Quảng Bình không lựa chọn phương án nào. Theo ông Lê Minh Ngân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, việc khai thác được hay không phải mang tính khoa học.
Việc lựa cho phương án nào thì Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Y tế và các cơ quan hàng đầu của chính phủ và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước người dân.
Trước những ý kiến trái chiều này, thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các địa phương. Bộ có thể xây dựng thêm phương án thứ 5 trên cơ sở chắt lọc các phương án đã đưa ra tại hội nghị này.
Sớm nhất tháng 9 ngư dân nhận được tiền đền bù
Việc lên kế hoạch hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại do cá chết cũng được đưa ra bàn bạc, thảo luận tại hội nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, trước mắt cần làm hai việc:
Thứ nhất là kê khai thiệt hại, chuyển tiền hỗ trợ sản xuất sớm đến ngư dân sau sự cố cá chết; Thứ hai là hướng dẫn ngư dân làm thế nào sau sự kiện cá chết.
Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra ý kiến về kế hoạch hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại do cá chết. Ảnh: B.Sương |
Trong khi đó, theo ông Hà Sĩ Đồng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cần phải xử lý hàng tồn động trong kho, cái nào tiêu thụ được thì tiêu thụ. Không tiêu thụ được thì tiêu hủy.
Phải làm một cách đồng loạt, không lẻ tẻ tỉnh này tỉnh khác.Về kinh phí hỗ trợ đợt 1 chưa có, sở NN hỏi UB tỉnh, UB tỉnh lại hỏi Sở Tài chính. Nên đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại để nhanh chóng hỗ trợ nhanh chóng cho ngư dân.
Còn theo ý kiến của ông Đặng Ngọc Sơn - Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển đã khiến ngư dân 4 tỉnh miền Trung lao đao, để khắc phục được những vấn đề này, sau khi báo cáo hiện trạng, cần đưa thêm nhiều giải pháp cụ thể. Nhưng vấn đề hiện tại hết sức khó khăn là việc hỗ trợ cho ngư dân.
Theo ông Sơn, về việc thẩm định đánh giá thiệt hại của ngư dân các hội đồng thẩm định nên sát sao với bà con để nắm thiệt hại. Xuống tận các làng xóm để cùng sinh hoạt với người dân. Các hệ thống chính trị cần vào cuộc.
“Hội đồng thẩm định của tỉnh rà soát lại hồ sơ ở các xã, huyện chuyển lên, cả hệ thống chính trị vào cuộc, trưởng ban chỉ đạo phải về tận thôn xóm sinh hoạt với cộng đồng họp với người bị thiệt hại. Chứ xin lỗi chứ các đồng chí ngồi ngoài Hà Nội mà lại thẩm định được 4 tỉnh tôi không nghĩ lại làm chuyện đó được”, ông Sơn đưa ý kiến.
Thực tế, sau khi công ty TNHH Hưng Nghiệp gang thép Formosa nhận trách nhiệm về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường và đền bù thiệt hại 500 triệu USD, hiện vấn đề người dân đang quan tâm nhất là khi nào sẽ nhận được số tiền đền bù nói trên.
Ông Sơn cho rằng: “Số tiền bồi thường nên giải quyết thỏa đáng, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của bà con chứ các đồng chí nghiên cứu tốt đến mấy mà bà con còn thiếu 1 đồng chưa tìm được cách giải quyết thì còn kiện nhau mãi”.
Hiện tại vẫn chưa thống nhất được phương án đánh bắt thủy hải sản cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Ảnh: Hoàng Tuấn |
Trước những ý kiến mà các địa phương đưa ra, Thứ trường Vũ Văn Tám khẳng định, Bộ sẽ không áp đặt một cách thiếu dân chủ mà sẽ chủ động xin ý kiến của các địa phương, bởi các địa phương là sát thực nhất dù công văn đã ký.
Bộ không trốn tránh trách nhiệm mà đẩy cho các địa phương. Bộ đồng ý với ý kiếm của các địa phương sẽ lập các tổ công tác liên ngành để cùng các địa phương tính toán mức độ thiệt hại.
Còn về kinh phí hỗ trợ ngư dân vùng cá chết, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: “Có hai nguồn kinh phí hỗ trợ ngư dân vùng cá chết là kinh phí từ nguồn đền bù của Formosa và kinh phí trích từ ngân sách nhà nước.
Hai nguồn kinh phí này là hai nguồn khác nhau. Tuy nhiên, toàn bộ sẽ được chuyển đến ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do sự cố môi trường biển một cách sớm nhất và có thể là tháng 9/2016”.