Người tù oan sai xin tạm ứng bồi thường, Bộ Tư pháp nói không

31/12/2015 14:28
Ngọc Quang
(GDVN) - Cũng giống như nhiều nạn nhân của các vụ án oan sai khác, ông Huỳnh Văn Nén đang mong sớm được giải quyết quyền lợi sau nhiều năm ngồi tù oan.

Ngày 3/12, TAND tỉnh Bình Thuận và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xin lỗi công khai do đã buộc tội và kết tội oan ông Huỳnh Văn Nén (53 tuổi).

Ông Nén cho biết sau 17 năm bị ngồi tù oan, gia đình vô cùng khó khăn. Sau khi hai cơ quan trên chính thức xin lỗi, ông Nén đã làm đơn đề nghị tạm ứng tiền bồi thường 1 tỷ đồng để có tiền trang trải sửa chữa ngôi nhà, chăm sóc người cha già yếu đã 91 tuổi.

Vấn đề này được báo chí quan tâm và đặt ra trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp sáng nay (31/12).

Theo ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), theo quy định, hướng dẫn quyết toán, không có quy định tạm ứng trước cho người bị hại, khi chưa có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

“Chỉ tạm ứng khi có đầy đủ hồ sơ, và đã ban hành mức bồi thường và số tiền tạm ứng nhỏ hơn mức bồi thường”, ông Hưng cho hay.

Do vậy, trường hợp cụ thể của ông Huỳnh Văn Nén thì ông Hưng khẳng định “không được tạm ứng”.

Ông Huỳnh Văn Nén trong căn nhà nhỏ còn chưa được trát tường. ảnh Tuổi trẻ.
Ông Huỳnh Văn Nén trong căn nhà nhỏ còn chưa được trát tường. ảnh Tuổi trẻ.

Sau khi ông Huỳnh Văn Nén được minh oan, cho tới nay vấn đề bồi thường cũng như các thủ tục liên quan để ông Nén được nhận tiền bồi thường vẫn chưa ngã ngũ.

Hiện nay các thủ tục liên quan tới giải quyết tiền bồi thường cho người bị oan sai diễn ra quá chậm. Thí dụ gần nhất là vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang). Kể từ kẻ giết người là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và ông Chấn được ra khỏi tù cho tới khi được nhận số tiền đền bù 7,2 tỷ đồng cũng mất tới 2 năm trời, với rất nhiều các loại thủ tục khác nhau.

Có lần, bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói thẳng rằng: “Người ngồi sau song sắt bị oan sai trước khi được bồi thường thì có ít nhất 5 cái mất: Mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà nát cửa”.

Và trong quá trình đi tìm chân lý để xóa tan đi những cái mất ấy, người bị oan sai phải trải qua 3 công đoạn đoạn khổ sở: “Làm sao gặp được những người công tâm để làm rõ cái đúng, cái sai và làm ngay thì mới gặp cái công thứ 2 là công lý. Sau khi công lý được làm sáng tỏ, minh bạch bằng một bản án hay quyết định nào đó thì phải tiếp tục đi tìm cái công thứ 3 đó là công bằng.

Để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật là một quá trình gian nan mòn mỏi đợi chờ. Để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt thì người oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công đó, quả thực là một sự gian nan không dễ chút nào. Trên đời này cũng ít ai muốn xử cái thua thiệt thuộc về mình, dẫu biết cái thua thiệt ấy thuộc về chân lý”

Dẫu biết rằng án oan sai không phải là hiện tượng cá biệt chỉ có ở Việt Nam mà nó tồn tại cả ở những nước phát triển có nền tư pháp mạnh.

Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng hậu quả mà nó gây ra là vô cùng nghiêm trọng, nó không chỉ gây mất mát về thể chất tinh thần, sự nghiệp, gia đình không thể bù đắp được đối với người bị oan mà vấn đề nghiêm trọng không kém là nó làm mất lòng tin của xã hội, người dân đối với cơ quan tư pháp.

Đối với hệ thống tư pháp, nó có thể làm đổ vỡ mọi thành tích cố gắng mà các cơ quan tư pháp đạt được.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói: “Một người bị tội oan, chẳng những người ấy đau khổ, mà gia đình, con cái họ càng đau khổ hơn. Làm điều oan cho một người nào đó thì chúng ta không còn lẽ sống nữa, bởi vì chúng ta là những người cộng sản.

Cán bộ ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát phải thấy hết trách nhiệm cao cả và nặng nề của mình, luôn luôn tôn trọng sự thật, phân rõ đúng sai, hết sức giữ thái độ khách quan, thận trọng, công minh, chính trực…”.

Ngọc Quang