Liên quan đến ý kiến của ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để hạn chế tình trạng truy bức, nhục hình trong quá trình điều tra vụ án thì không nên để cơ quan điều tra của công an quản lý trại tam giam, nhà tạm giữ nữa mà nên chuyển cho Bộ Tư pháp.
Đề xuất này của ông Khiển được nhiều cựu quan chức tán thành, như ông Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) và Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.
Một số ý kiến cũng cho rằng thời điểm đề xuất ý kiến Bộ Tư pháp quản lý trại giam thì bộ này "ngại" nhận.
Theo ông Khiển, chuyện để Bộ Tư pháp quản lý các trại tam giam, nhà tạm giữ là chủ trương đã có từ lâu, từng được nhiều cơ quan đưa ra bàn luận. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân tế nhị nên đến giờ việc này vẫn chưa được thực hiện.
Chiều ngày 22/8, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xung quanh đề xuất trên.
Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp (người ngồi giữa) trong một cuộc họp. |
Ông Lộc cho hay, đúng là việc này đã từng được nhắc đến trong Dự thảo Bộ luật thi hành án năm 2005. Khi đó có một điểm rất đáng chú ý trong dự thảo, đó là quy định về lực lượng cảnh sát tư pháp, với nhiệm vụ quản lý trại giam, bảo vệ các phiên tòa, dẫn giải phạm nhân, hỗ trợ thi hành án dân sự…
Cảnh sát tư pháp sẽ do Bộ Tư pháp quản lý, điều này đồng nghĩa lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp và cảnh sát quản lý trại giam hiện đang do Bộ Công an quản lý sẽ phải bàn giao sang cho Bộ Tư pháp (tương tự là lực lượng quản lý trại giam trong Quân đội).
Tuy nhiên, dự thảo gặp nhiều tranh cãi nhất là việc bàn giao lực lượng và cơ sở vật chất quản lý trại giam từ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sang cho Bộ Tư pháp. Vì vậy, trong dự thảo, có cả 2 phương án: Phương án các trại giam vẫn giữ nguyên cơ chế quản lý như hiện nay, và phương án chuyển sang Bộ Tư pháp thống nhất quản lý.
Số người ủng hộ phương án hai chiếm số đông, đây cũng là phương án phù hợp với định hướng cải cách tư pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 48 Bộ Chính trị (24/5/2005): “Xác định Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất công tác thi hành án; chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp”.
Nhưng như đã viết ở trên, vì một số lí do nên phương án hai đã không được thực hiện.
Ông Lộc nói, theo ông biết, thực tế Công an và Tư pháp chưa bao giờ ngồi lại với nhau để bàn bạc về việc ai quản lý các trại giam. Lí do là công an không muốn chuyển việc quản lý này cho Bộ Tư pháp.
“Công an đang điều tra, đang có nhiều quyền hạn. Nếu việc này được thực hiện thì họ sẽ bị hạn chế và khiến tâm lí họ không thoải mái. Hơn nữa, cũng cần phải xem lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ai và Bộ Công an là ai. Thế nên nhiều khi họ cũng không muốn đụng chạm” – ông Lộc cho ý kiến.
Còn về cá nhân ông, ông rất ủng hộ đề xuất để Bộ Tư pháp quản lý các trại tạm giam thay cho công an. Nếu việc này được thực hiện, tình trạng bức cung, nhục hình sẽ đỡ đi rất nhiều.
Ông Lộc nói: “Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, mục đích là để bảo vệ quyền con người. Mà quyền tự do của con người lại rất dễ bị xâm phạm, do đó cần tạo ra một cơ chế mới để bảo đảm quyền con người. Mà muốn làm được điều này thì không nên giao phó toàn bộ cho cơ quan công an”.
Vị cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, nước ta luôn chú trọng đến việc đảm bảo quyền của con người. Bằng chứng là khi đưa các vụ án ra xét xử thì có xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, có nghĩa qua rất nhiều khâu.
Trước câu hỏi của phóng viên, thời gian qua truyền thông nói nhiều về chuyện bức cung, nhục hình nghi phạm, ông Vũ Đức Khiển thì cho rằng, nó xuất phát từ tâm lý muốn phá án nhanh để lấy thành tích.
Khi được hỏi, ông Lộc cũng đồng tình với nhận định này của ông Vũ Đức Khiển. Ông Lộc nói thêm rằng: “Với chúng ta thì việc điều tra có thể là cái gì to tát. Nhưng với cơ quan công an thì đấy chỉ là một nghề, là công việc. Và ai cũng thế, công việc của mình thì lúc nào cũng có tâm lí muốn làm cho xong”.
“Do đó, cơ quan điều tra hãy làm việc một cách thật cẩn thẩn để đảm bảo quyền của con người” – ông Lộc nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của một số người, nếu chuyển các trại giam sang cho Bộ Tư pháp thì Bộ này có dám nhận và quản lý được hay không? Ông Lộc cho rằng, cá nhân ông thấy đó là việc hết sức bình thường, Bộ Tư pháp có thể đảm nhiệm được.
“Nếu nhận quản lý các trại giam thì Bộ Tư pháp sẽ phải có bộ máy thực hiện. Nhà nước là để quản lý xã hội, nhu cầu quản lý đến đâu thì sẽ lập bộ máy đến đó. Ngay như bây giờ công an quản lý cũng còn nhiều cái chưa ổn” – ông Nguyễn Đình Lộc nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Đình Lộc, sinh ngày 13 tháng 9 năm 1935, Quê quán: Xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An; Tiến sĩ Luật học, Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (1992-2002); Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá VII (1981-1987), IX (1992-1997), X (1997-2002), XI (2002-2007), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XI (2002-2007).