Mới đây, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa ra kiến nghị nên chuyển việc quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ sang cho một đơn vị khác thay cho công an, cụ thể là Bộ Tư pháp.
Ông Khiển lo ngại điều này bởi thời gian gần đây, ông thấy rằng nạn ép cung, nhục hình với nghi phạm, bị can dường như có xu hướng gia tăng. Ông Khiển giải thích rằng, trong các trại tạm giam của ta chỉ có nghi phạm, bị can với công an nên chuyện công an làm gì khó có thể kiểm soát.
Nhận định về ý kiến này của ông Khiển, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, đề xuất đó là hợp lý, đúng theo thông lệ của quốc tế.
“Những vấn đề về pháp luật ông Khiển là người nắm rất chắc, rất có cơ sở khoa học” – ông Cương nhận xét.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: TTO |
Tướng Lê Văn Cương cho biết thêm, cách đây khoảng hơn 15 năm cũng đã có nhiều ý kiến nêu ra như vậy nhưng không thực hiện được. Theo tướng Cương thì lí do là vì phía Bộ Tư pháp “ngại” nhận việc này.
“Ngày đó, đồng chí Bùi Thiện Ngộ (nguyên là Bộ trưởng Bộ Công an – PV) đã đưa việc đó ra để bàn bạc nhưng Bộ Tư pháp không nhận. Việc quản lý hàng chục nghìn phạm nhân không phải là chuyện đơn giản nên Bộ Tư pháp từ chối cũng là chuyện dễ hiểu” – tướng Lê Văn Cương nêu quan điểm.
Cũng theo tướng Cương, việc này rất khó thực hiện vì ở nước ta khi đưa ra một quyết định nào đó luôn có sự bàn bạc, thương lượng. Ở đây, cụ thể là giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Nếu không có sự thống nhất giữa hai bên thì không thể triển khai.
“Điều này có nghĩa, nếu Bộ Công an có chủ trương chuyển việc quản lý cho Bộ Tư pháp nhưng Bộ Tư pháp không nhận thì lại thôi”.
Do đó, tướng Cương nói, muốn thực hiện được việc này thì phải có quyết định từ Bộ Chính trị.
Trước ý kiến của ông Vũ Đức Khiển cho rằng, Công an không muốn chuyển việc quản lý trại tạm giam cho đơn vị khác vì còn phải phục vụ cho công tác điều tra, ông Cương đánh giá “việc đó cũng là hợp lý chứ không phải là sai”.
Bởi khi chuyển nghi phạm, bị can vào trong các trại tạm giam thì còn rất nhiều nội dung mà công an phải trực tiếp khai thác, mở rộng vụ án, điều tra phòng ngừa tội phạm…
Nếu chuyển việc quản lý trại tạm giam cho Bộ Tư pháp thì việc điều tra của công an sẽ gặp khó khăn. Bởi khi ra ngoài Bộ Công an, công an muốn vào trại để lấy cung, mở rộng vụ án lại phải qua rất nhiều khâu.
5 vụ án oan nổi tiếng làm chấn động Việt Nam
(GDVN) - Trong lịch sử tư pháp Việt Nam đã xảy ra rất nhiều vụ án oan sai nghiêm trọng, nhưng không ai trả lời được câu hỏi: Khi nào tình trạng này mới chất dứt?
“Nhưng việc phối hợp giữa các cơ quan với nhau ở nước ta rất kém. Nếu chuyển việc quản lý trại tạm giam, lúc cần thông tin, theo dõi vụ án công an phải viết giấy gửi lãnh đạo ký, sau đó chuyển sang cho Bộ Tư pháp ký rồi này nọ thì biết đến bao giờ mới tiếp xúc được với nghi phạm, bị can?” – Thiếu Tướng Lê Văn Cương nói.
Cũng theo Tướng Cương, chúng ta nên nhìn nhận việc này ở nhiều chiều dựa trên hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam.
Còn bản thân ông, ông khẳng định Công an cũng không “tha thiết” gì việc giữ quản lý các trại tạm giam, nhà tù.
Còn nói về việc nghi phạm, bị can bị ép cung, nhục hình, ông Cương cho rằng đó cũng chỉ là số ít.
“Trong hàng chục nghìn cán bộ thì kiểu gì chả có vài anh làm bậy” – Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.