Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Lê Văn Luyện chỉ là nhỏ, nếu..."

16/01/2012 07:20
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Tôi đưa vấn đề của Luyện ra công luận là có vấn đề của nó, vì từ bản án mà chúng ta đều đã biết trước ấy, sẽ xuất hiện rất nhiều “sát thủ tuổi teen".

Đã 5 ngày trôi qua kể từ khi Tòa tuyên án kẻ sát nhân Lê Văn Luyện, nhưng khi trò chuyện với PV Báo Giáo dục Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn không giấu nổi sự lo lắng cho sự bất an của xã hội kể từ kết quả của phiên Tòa này.

“100% người được hỏi sẽ yêu cầu lôi ra chém”

Khi Lê Văn Luyện bị bắt, đã có các tranh luận xung quanh mức án xử kẻ sát nhân này và chính ông khi phát biểu trên báo chí cũng ủng hộ việc xử mức án cao nhất: Tử hình! Nhưng luật thì đã quy định rõ là tuổi của Luyện chỉ bị xử 18 năm tù là tối đa. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi biết trước kết quả của phiên tòa sẽ là như thế. Không thể khác được, bởi Luật của ta như vậy. Không ông Quan tòa nào dám vượt qua Luật để xử theo cảm tính hoặc theo dư luận. Cũng không thể dừng phiên tòa lại để hỏi ý kiến dân, hay ý kiến của những nhà lãnh đạo. Vì điều đó cũng trái luật. Tôi đưa vấn đề của Luyện ra công luận trước ngày xét xử là có vấn đề của nó. Tôi không quan tâm đến Luyện, vì đó vẫn là một việc cụ thể mà cũng rất nhỏ, so với cái đại cục đáng quan ngại, vì từ kết quả xét xử mà chúng ta đều đã biết trước ấy, sẽ xuất hiện rất nhiều những kẻ sát thủ ở lứa tuổi vị thành niên.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Luật của ta có tính chuyên nghiệp chưa cao
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Luật của ta có tính chuyên nghiệp chưa cao

Chính người lớn sẽ đẩy các em vào vòng tội ác. Có thể thanh toán nhau, tiêu diệt rất nhiều người mà vẫn thoát được án tử hình. Còn nếu hỏi ý kiến dân ư? Tôi dám khẳng định 100% người được hỏi sẽ yêu cầu lôi ra chém ngay sau khi rời phòng xử. Nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến, một cây bút có tên tuổi hiện đang sống ở Quảng Trị, cho rằng: “Khi ra tòa, thằng sát nhân đã không một mảy may run sợ. Nó không run sợ là vì nó đã biết trước nó sẽ không chết. Nhưng tôi tin rồi nó sẽ chết, hơi duy tâm, nhưng tôi vẫn tin là nó sẽ chết, chết ngay trong nhà giam, chết có thể do bị bệnh không cứu chữa được, chết có thể do những tù nhân khác vì quá căm phẫn với tội ác khủng khiếp của nó mà bóp cổ nó chết. Nếu được thế tôi xin tạ ơn trời đất!”.

Thày giáo Hà Duy Tự cho rằng: “Kẽ hở của pháp luật có thể để con voi chui lọt, điều này kéo theo biết bao hệ lụy về sau, mà đáng lo hơn cả là cái ác mặc sức hoành hành, người dân lương thiện biết trông cậy, tin tưởng vào đâu đây? Sự bức xúc tiến tới phẫn nộ, rồi tiến tới phản ứng mạnh, phản ứng dây chuyền cũng là dễ hiểu”. Doanh nhân Việt An, một cây bút rất sắc sảo trên các báo mạng cũng không dấu nổi nỗi bức xúc: “Trong vụ án này, nhân đạo với Lê Văn Luyện là vô nhân đạo với gia đình người bị hại”.

Nói về luật pháp, còn rất nhiều điều cần bàn. Đấy là vấn đề không thể nói hết trong một bài viết. Có một luật sư còn nghĩ thế này: "Không thể nói pháp luật có kẽ hở. Tất cả là dụng ý của người làm luật". Ở Việt Nam, các văn bản pháp luật chồng chéo, rối rắm...giúp mang lại "lợi ích" cho khá nhiều người vi phạm luật, và cả người thực thi pháp luật. Phần đông người chấp hành luật pháp tốt nhất, lại là những người "thấp cổ, bé họng". Chấp hành luật pháp "méo mó" nhất, xâm phạm quyền tự do công dân nhiều nhất, lại thuộc về những người có quyền lực.

Ở nông thôn, và vùng sâu, vùng xa chuyện mất dân chủ càng thể hiện rõ nét. Sự búc xúc quá mức, sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực, hoặc chống đối quyết liệt. Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) là một ví dụ. Nói như nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ, thì "UBND huyện Tiên Lãng đã làm một việc vừa trái luật, vừa trái đạo lý". Sau sự việc, thanh tra chính phủ trả lời báo chí là "Chưa thấy Hải Phòng báo cáo"?! Một sự việc nghiêm trọng, cả nước biết, mà thanh tra chính phủ còn "chờ báo cáo"? Đó là sự vô trách nhiệm, vô cảm, hay còn gì nữa??? Ôi! Mệt quá! Nói đùa một chút: Có lúc, có nơi biết đâu "luật rừng" lại "công bằng" hơn luật pháp!”. Tôi chỉ điểm qua ở đây, ý kiến của những người rất đứng đắn, từng vào sinh ra tử, có người là cán bộ cao cấp trong quân đội, hiện vẫn đang trong đội quân bảo vệ thể chế này.

Các vụ án nghiêm trọng “gắn mác tuổi teen” đã xảy ra quá nhiều, người thì bảo điều đó đang phản ánh sự bất ổn của nhiều gia đình; cũng có người thì bảo bây giờ học sinh bị nhồi nhét kiến thức nhiều quá, còn giáo dục đạo đức, văn hóa làm người thì chưa được quan tâm đúng mức. Ông thấy hai luồng quan điểm này có đúng không và quan điểm của riêng ông thế nào?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đúng là có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra ở lứa tuổi teen, nhưng không có vụ nào kinh hoàng như vụ của Luyện. Nếu bảo các em bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức… thì không hẳn đã đúng đâu, vì những kẻ như Luyện phần lớn lại thất học hoặc không được gia đình giáo dục tử tế. Tôi cho rằng, cần phải bắt đầu từ sự quản lý con em của từng gia đình. Không thể phó mặc cho nhà trường và xã hội. Các bậc cha mẹ phải là người thày đầu tiên của con em mình. Nếu bậc cha mẹ nào cũng quản lý được con cái, thì gia đình sẽ yên ấm, xã hội sẽ không còn tội phạm. Nhiều gia đình chỉ lao vào việc kiếm tiền mà bỏ quên con cái. Có cả một núi tiền thì cũng vô nghĩa nếu có đứa con nghiện hút.

Trong nhà trường cũng cần phải xem lại việc giáo dục các em. Chúng ta cung cấp cho các em rất nhiều tri thức mang tính đại quát, nhưng lại thiếu những cái cụ thể, cả những việc bình dị hàng ngày, vì thế, rời bố mẹ, thày cô, các em không thể sống độc lập được. Cái này, ở các nước văn minh, họ chú ý lắm, nên các cháu có thể sống tự lập và rất tự tin, có thể chững chạc đàng hoàng ngay từ khi còn rất nhỏ tuổi. Những bài học làm người, và cả làm quan nữa, có thể tìm thấy ở ngay trong nhà trường. Họ đào tạo rất cụ thể chứ không chung chung.

Một anh bạn tốt nghiệp một trường đại học ở Mỹ nói với tôi: Ngay trong việc đào tạo để làm nhà ngoại giao, cũng không chung chung đâu, mà là những tình huống rất cụ thể, ví như đang diễn thuyết mà có một vị khán giả ném vào mặt anh một quả cà chua hay quả chứng thối thì anh xử lý thế nào? Chỉ có một tình huống ấy thôi mà họ đưa ra 500 cách xử lý khác nhau. Anh sẽ chọn cách nào? Hay đưa ra cách chọn thứ 501 của riêng anh mà cách ứng xử ấy lại thông minh hơn, đặc sắc hơn? Vì thế, chính khách của họ đàng hoàng và tự tin lắm, khó có tình huống nào nằm ngoài dự kiến, và nếu có thì họ cũng xử lý được ngay.

Ở ta có lẽ cũng nên thế. Cần dạy các em từ những việc cụ thể, như đối xử với bố mẹ, ông bà, rồi bạn bè, bà con hàng xóm, đối xử với cả những người xấu với mình. Nên tránh những bài giáo huấn chung chung, tránh đọc ghi, mà tăng thời lượng cho những cuộc thảo luận nhóm, thảo luận tổ, thảo luận lớp để tập cho các em cách trình bày, lối tư duy, lập luận và tranh biện trước đám đông. Cũng cần ngay từ ngày đầu đến trường, cung cấp cho các em những hiểu biết về pháp luật, từ luật Giao thông cho đến luật Hình sự, cũng cần nhắc cho các em biết rằng, khi đã phạm tội, nhất là tội giết người, thì không bao giờ thoát được. Các cơ quan chức năng sẽ tìm ra ngay và rồi sẽ phải trả giá như thế nào. Nếu các em biết và có ý thức thì cũng sẽ giảm được phần nào, vì nhiều em phạm tội mà không biết mình phạm tội.

Những gì Lê Văn Luyện gây ra xuất phát từ sự thất học, dạy dỗ yếu kém của gia đình
Những gì Lê Văn Luyện gây ra xuất phát từ sự thất học, dạy dỗ yếu kém của gia đình

"Tâm hồn con trẻ đang bị xâm lấn bởi những thứ xấu xa"

Có điều lạ là trong số các đối tượng gây án có không ít thanh niên trẻ được học hành bài bản, thậm chí sinh ra trong những gia đình được coi là có nền tảng tốt. Vậy, ông giải thích thế nào về chuyện “kiến thức không biến thành nhân cách”?

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Ảnh hưởng của gia đình hay nhà trường chỉ là một phần thôi, còn xã hội nữa chứ. Trẻ con bản chất rất đẹp. Đấy là những thiên thần. Thì đã có bao nhiêu em bé quên mình cứu bạn đó thôi. Gần đây nhất là một cháu gái mới có ba tuổi mà đã biết hy sinh lấy thân mình, tính mạng của mình để che chở, cứu cậu em một tuổi thoát khỏi ong đốt. Cái chết dũng cảm của cháu đã làm hàng triệu người rơi nước mắt. Trẻ con là thế đấy. Lớn lên, nhiều cháu hỏng dần đi có khi lại vì người lớn chúng ta. Nhiều khi chính xã hội làm hỏng các em và rồi các em lại làm hỏng xã hội. Rồi còn bạn bè. Các cụ bảo: “Học thày không tày học bạn”. Nếu bạn quản lý được con bạn, bạn sẽ tư vấn cho con cách chọn bạn để chơi. Cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến con em của mình.

Hệ giá trị đạo đức xã hội của chúng ta đang bị méo mó, nó nguy hiểm chẳng kém gì khi tầng ozon bị thủng…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Vấn đề quan trọng là cái gốc rễ văn hóa, chưa bao giờ đạo đức xuống cấp trầm trọng như hiện nay, ở đâu cũng thấy nói về kinh tế, mặc dù kinh tế thì bấp bênh, không có gì bảo đảm cho sự bền vững, nhưng văn hóa đạo đức thì suy đồi, các giá trị đạo đức bị phai nhạt thì chẳng mấy ai quan tâm thực sự.

Tôi nhớ lại thời mình còn trẻ, tức là vào thời đất nước còn chiến tranh, vậy mà xã hội lại yên bình, đi ra đường không bao giờ bị trấn lột, về nhà không lo bị cướp, buổi tối cứ mở cửa ra mà ngủ cũng không sợ mất cắp; một cô gái có thể đi suốt đêm rồi gõ cửa vào một căn nhà nào đó ở ven đường xin ngủ nhờ, sáng tỉnh dậy vẫn còn thấy nguyên vẹn cả một tấm thân, cho dù trong nhà ấy chỉ có đàn ông thôi. Một xã hội không có đĩ điếm, không có tham nhũng, không có trộm cắp. Một đời sống trong lành như trong một bầu khí quyển trong veo.

Đành rằng trong xã hội thì luôn tồn tại nhiều “loại người” khác nhau, nhưng chưa bao giờ đạo đức xã hội lại xuống cấp trầm trọng đến mức suy đồi như hiện nay: Hiệu trưởng mua dâm học trò. Học sinh giết cô giáo ngay trên bục giảng. Quan chức ở một tỉnh nghèo mà còn đánh bạc mỗi lần đến cả 5 tỷ đồng. Rồi bạo lực tràn lan ở học đường. Những vụ hận tình ở lứa tuổi nhí rồi “tỉ thí”, hạ nhục nhau tung đầy lên mạng cho cả thế giới “chiêm ngưỡng”; tông xe chết một cụ già rồi lên mạng viết commet hả hê… Thật không thể tưởng tượng được.

Vụ cắt đầu người yêu của sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa đã làm ta ghê rợn. Vụ giết đến cả mấy mạng người trong một gia đình của Lê Văn Luyện mới khiến ta thực sự kinh hoàng. Trong số những người bị giết một cách thảm khốc, có cả cháu bé mới mười tám tháng tuổi. Tội ác đã đến đỉnh điểm. Một đứa bé mới mười tám tháng tuổi thì làm gì được mà hắn nỡ sát hại?

Tất cả những biểu hiện suy đồi đạo đức như vậy đang bị phát tán dần như dịch bệnh, làm vẩn đục biết bao tâm hồn trong trẻo của những đứa trẻ mới lớn; ác thay, chúng không hề biết tâm hồn mình đang bị xâm lấn bởi những điều xấu xa, và khi nhận ra thì có lẽ cũng đã muộn, bởi vì nhiều hành vi tạo nên thói quen, nhiều thói quen tạo nên tính cách, đã là tính cách thì khó sửa chữa lắm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)