Nhiều cử tri đi bỏ phiếu kiểu “tù mù” thì làm sao chọn được người tài

19/04/2016 07:12
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Trong một ngày chúng ta thực hiện bầu Đại biểu cả 4 cấp, sẽ gây khó khăn cho cử tri trong việc nghiên cứu, lựa chọn bầu chính xác những người đủ năng lực".

Nhiều cử tri không được nghe chương trình hành động 

Chia sẻ với báo chí bên lề hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 hôm 15/4, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, việc số lượng cử tri được tiếp xúc với các ứng viên Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân còn hạn chế, gây ảnh hưởng tới chất lượng trong việc lựa chọn Đại biểu.

Ông Pha cũng đồng quan điểm với nhận định, việc tiếp xúc cử tri của người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân cũng có một số hạn chế nhất định, chẳng hạn như số cử tri tham dự không thể nhiều nên tính đại diện chưa cao.

"Các địa phương đều cố gắng tăng số lượng cử tri tới dự, nhưng rất khó khăn, do thiếu chỗ ngồi… Có hội nghị nhiều chỉ vài trăm người tới dự và ở mỗi đơn vị bầu cử thì người ứng cử cũng chỉ dự được từ 5 tới 7 cuộc. Nghĩa là tính tổng số sẽ khoảng hơn 1.000 người tới nghe chương trình hành động của người ứng cử. 

Tuy nhiên con số này so với số lượng cử tri ở nơi đó cũng không lớn”, ông Pha nói.

Cũng theo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận

Nhiều cử tri đi bỏ phiếu kiểu “tù mù” thì làm sao chọn được người tài ảnh 1

Người ứng cử mà hứa những việc "trên trời" thì dân không tin đâu!

Tổ quốc Việt Nam, bên cạnh vai trò của tổ bầu cử, thì việc tuyên truyền vận động người dân có trách nhiệm hơn với lá phiếu của mình là yếu tố quan trọng để chọn được những Đại biểu đủ năng lực, phẩm chất đạo đức…

“Tôi đi nhiều xã, nghe cử tri phản ánh, những người ưu tú thì họ ứng cử hết cả rồi. Ví dụ cán bộ lãnh đạo địa phương không ứng cử Hội đồng nhân dân huyện thì ứng cử Hội đồng nhân dân xã.

Kể cả thôn, tổ dân phố cũng được giới thiệu người để ứng cử Hội đồng nhân dân cấp xã... Những người này sẽ không tham gia tổ bầu cử nữa. 

Còn lại những người có trình độ văn hóa, chuyên môn hơi bị hạn chế thì vào tổ bầu cử. Câu chuyện trở nên rất đáng lo ngại về chất lượng của tổ bầu cử… Bởi, vai trò, chất lượng của tổ bầu cử rất quan trọng việc thực hiện tốt hay không tốt công tác bầu cử.

Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ảnh: Báo Hải quan).
Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ảnh: Báo Hải quan).

Ông Pha nói thêm, thời gian bầu cử hạn hẹp có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn Đại biểu.

“Tôi làm bầu cử rất nhiều rồi, nhưng trong hai cuộc gần đây, trong một ngày chúng ta thực hiện bầu cả 4 cấp, từ cấp Trung ương cho đến cấp xã. Điều này sẽ gây khó khăn cho cử tri trong việc nghiên cứu, lựa chọn bầu chính xác những người đủ năng lực...

Tôi không biết cử tri đọc tài liệu về bầu cử như thế nào?nhưng khi ra đến chỗ bầu cử, cùng một lúc trước mặt người ta dán 4 cái tờ giấy to tướng, gồm danh sách những người ứng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã, mỗi một danh sách đó gồm 5 người. Như vậy sẽ có tổng số 20 người nằm trong danh sách bỏ phiếu.

Thế thì cử tri có nắm rõ được người cần bầu không? Xin thưa, mình còn đọc chưa kỹ nữa là bà con”, ông Pha nêu quan điểm.

Ông Pha nêu giải pháp, để hạn chế tối đa tình trạng bầu tù mù, bầu hộ người khác chỉ có giải pháp tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện bầu cử theo luật...

Nên vận động ứng cử qua kênh chính thống

Ông Nguyễn Văn Pha cho rằng các ứng cử viên nên lựa chọn các kênh thông tin chính thống để vận động bầu cử.

“Người ứng cử phải tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu về chương trình hành động của mình.

Người ứng cử có thể trình bày chương trình hành động trên báo chí của địa phương và website của Hội đồng Bầu cử quốc gia để người dân được biết.

Các cơ quan tổ chức bầu cử ở các địa phương cố gắng

Nhiều cử tri đi bỏ phiếu kiểu “tù mù” thì làm sao chọn được người tài ảnh 3

Ông Trần Đăng Tuấn không có tên trong danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội

đảm bảo cho người ứng cử là lãnh đạo Trung ương hay người ứng cử ở cơ sở đều được bình đẳng trong quá trình trình bày chương trình hành động và bình đẳng trong thời lượng vận động trên báo, đài truyền thanh, truyền hình...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người ứng cử có thể được vận động bầu cử qua mạng xã hội hay không, ông Pha cho biết, luật không cấm hình thức vận động, tuyên truyền trên mạng xã hội.

"Chúng ta đều hiểu việc vận động bầu cử chỉ diễn ra ở địa phương nơi ứng cử. Nếu anh ứng cử Đại biểu Quốc hội ở vùng sâu vùng xa mà vận động qua mạng xã hội thì tôi sợ ít người đọc, tiếp cận được. 

Xin nhắc lại là luật không cấm nhưng tôi cho rằng các ứng viên nên cố gắng tận dụng các kênh chính thống để vận động bầu cử”, ông Pha lưu ý.

Trong một diễn biến có liên quan, phát biểu tại hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 hôm 15/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đề nghị cơ quan báo chí cần bình đẳng trong tuyên truyền bầu cử.

Không phân biệt người được các tổ chức giới thiệu và người tự ứng cử; người có chức vụ cao với người không có chức vụ cao; không phân biệt giới tính…

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa sự kiện, cơ quan báo chí cần giới thiệu các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, cần làm rõ một số điểm mới trong Chỉ thị 51-CT/TW như không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm... 

Ngoài ra, báo chí cần giới thiệu những điểm mới trong công tác bầu cử lần này, tuyên truyền tiêu chuẩn người tự ứng cử, quyền bầu cử và tự ứng cử của công dân, biểu dương kịp thời đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử...

QUỐC TOẢN