Nhớ cô Ba Định nhân ngày Đồng Khởi

14/01/2017 07:10
Tô Phục Hưng
(GDVN) - Bà Nguyễn Thị Định là một trong 24 vị tướng lĩnh của quê hương Đồng Khởi anh hùng và là nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

LTS: Kỉ niệm 57 năm ngày Bến Tre “Đồng Khởi” 17/1/1960 – 17/1/2017, tác giả Tô Phục Hưng công tác tại Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thành phố Cần Thơ chia sẻ bài viết về nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
    
Sau khi đọc mấy vần thơ tại nhà lưu niệm của nữ tướng Nguyễn Thị Định (tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), Ông Trầm Hoàng Tuấn, ngụ tỉnh Bình Phước nói với vẻ đầy xúc động:

…Tôi tuy chưa một lần gặp mặt cô Ba Định, nhưng luôn tôn vinh, ngưỡng mộ tài năng, đức độ của cô, đến ngày Bến Tre đồng khởi năm nào tôi cũng dành thời gian đến thắp hương cho cô…”.

Bà Nguyễn Thị Định là một trong 24 vị tướng lĩnh của quê hương Đồng Khởi anh hùng và là nữ thiếu tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam từ khi thành lập đến nay.

Nhà triển lãm trong khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. (Ảnh tác giả cung cấp)
Nhà triển lãm trong khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. (Ảnh tác giả cung cấp)

Lúc sinh thời, Bác Hồ đã từng nói “… quân đội ta, dân tộc ta tự hào có được người nữ tướng quân đội duy nhất mà cả thế giới chưa có được, đó là cô Ba Định…”.

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. 

Năm 1936, bà tham gia cách mạng. Năm 1938, bà được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương

Năm 1946, bà cũng là thuyền trưởng trong chuyến tàu đầu tiên chở đầy vũ khí từ Bắc vào Nam về đến nơi an toàn. Từ đó, tên tuổi của Cô Ba Định gắn liền với huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Nhắc tới nữ tướng Nguyễn Thị Định thì cả thế giới nhớ ngay đến phong trào Đồng Khởi giành chính quyền ngày 17/1/1960 tại Bến Tre do bà lãnh đạo thành công làm Mỹ - Ngụy phải hoang mang, lo sợ. 

Đây cũng là nền tảng mở đầu cho cao trào đồng loạt nổi dậy trong toàn tỉnh và cả miền Nam lúc bấy giờ.

Bà Lê Thị Sáu, ngụ xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, 89 tuổi vẫn nhớ như in “…Hồi đó, bà Ba Định chỉ huy trận Đồng Khởi năm sáu mươi rất ngon lành, mình làm chủ tình hình, kiểm soát nhiều địa bàn, tụi “nó” tháo chạy có, ra đầu hàng có. Nhân dân phấn khởi quá trời...

Tháng 5/1961, bà Nguyễn Thị Định là Khu ủy viên Khu 8. Đầu năm 1965, là Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Miền Nam Việt Nam phụ trách phong trào du kích chiến tranh, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục củng cố và phát triển “Đội quân tóc dài” làm nòng cốt trong lực lượng đấu tranh chính trị trực diện bổ trợ cho quân chủ lực, quân địa phương tiêu diệt sinh lực địch. 

Tháng 4/1974, bà được phong quân hàm thiếu tướng. Bà mất ngày 26/8/1992. Năm 1995 bà được nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhớ cô Ba Định nhân ngày Đồng Khởi ảnh 2
Tượng đồng nữ tướng Nguyễn Thị Định. (Ảnh tác giả cung cấp)

Để tri ân công lao đóng góp của nữ tướng Nguyễn Thị Định, ngày 26/12/2000 nhân dân Bến Tre đã khởi công xây dựng Khu lưu niệm bà tọa lạc tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Khu lưu niệm rộng gần 15.000 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc cổng tam quan của đình làng nông thôn Việt Nam xưa, trụ rào cổng bằng thép thông thoáng có hoa văn. 

Đền thờ cao ráo, thoáng mát xây theo kiểu tứ trụ, cột tròn mái hai tầng chồng diềm uốn cong ở bốn góc, diềm mái đầu cột, đầu hồi có trang trí họa tiết.

Đền có 3 cửa ra. Trong đền thờ, tượng đồng chân dung vị nữ tướng Nguyễn Thị Định trong trang phục áo bà ba khăn rằn quấn cổ đặt trang trọng trên bệ đá hoa cương. 

Nhớ cô Ba Định nhân ngày Đồng Khởi ảnh 3

Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội (2)

Trước đền là sân lễ, các loại hoa, cây kiểng. Ngoài đền thờ còn có phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà.

Hằng năm, vào ngày giỗ của bà (ngày 28 tháng 7 âm lịch) có rất nhiều khách đến dự lễ thắp hương tưởng nhớ người anh hùng. 

Khư lưu niệm trong những ngày này còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao như: ca hát, múa lân, sinh hoạt giao lưu, nghe kể chuyện truyền thống.

Hiện tại, khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành điểm hẹn về nguồn thật sự có ý nghĩa với mọi thế hệ, là điểm đến lý tưởng cho du khách; là điểm tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm, họp mặt, giáo dục thế hệ trẻ thông qua thân thế, cuộc đời của một nữ tướng sống, chiến đấu hết lòng vì Đảng vì dân.

Tô Phục Hưng