Ông Nguyễn Bá Thuyền: "Luật của ta đọc rất hay, nhưng xử rất khó"

25/11/2014 14:45
Ngọc Quang
(GDVN) - Tòa sơ thẩm có thể nói "trầm trọng", nhưng tòa phúc thẩm nói "không trầm trọng". Tòa sơ thẩm có thể nói "công bằng", nhưng tòa phúc thẩm nói "không công bằng".

Thảo luật về dự thảo Luật dân sự (sửa đổi) sáng nay tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) dẫn ra quy định của dự thảo "Nếu không có luật áp dụng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận áp dụng tập quán, nếu không có tập quán quy định thì áp dụng nguyên tắc tương tự, nếu không có nguyên tắc tương tự thì áp dụng nguyên tắc cơ bản của bộ luật dân sự; cuối cùng vì đạo đức xã hội và lẽ công bằng thì tòa án phải xét xử", và đánh giá: “Nếu thực hiện được điều này thì quá tốt, bởi hiện nay nhiều người dân khổ sở vì tòa án không thụ lý đơn của họ. Và nếu theo Bộ Luật dân sự sửa đổi lần này mà tòa án làm được thì người dân được hưởng lợi rất nhiều, vì có nhiều việc dân kiện đến tòa nhưng tòa cứ trả lại hồ sơ, không thụ lý đơn cho nên dân không biết kiện đi đâu cả".

Tuy nhiên, Đại biểu Thuyền chỉ rõ hai điểm còn băn khoăn với quy định tại dự thảo: Thứ nhất là trình độ dân trí thấp; Thứ hai là trình độ thẩm phán chưa cao.

“Luật pháp quy định rất nhiều, dày đặc, nhưng xét xử thì vẫn còn oan sai. Vì vậy, phải hết sức cân nhắc quy định tòa xét xử. Hơn nữa tại Hiến pháp 2013 thì đã nói rõ khi xét xử, thẩm phán độc lập theo trình tự pháp luật, tức là phải căn cứ vào luật, nếu không có luật thì không được xử. Vậy bây giờ nguyên tắc này đưa ra có mâu thuẫn không? Tôi đề nghị phải lý giải rõ chỗ này, bởi vì luật đã quy định thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật”, ông Thuyền cho hay.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: TTBC.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: TTBC.

Bên cạnh đó, ông Thuyền cũng đề cập tới chuyện xét xử “vì lẽ công bằng”, lấy thí dụ từ Luật Hôn nhân gia đình của một số quốc gia có quy định rất cụ thể điều kiện được ly hôn và điều kiện không được ly hôn.

“Bộ Luật Hồng đức của chúng ta cũng quy định 7 điều kiện được ly hôn và 3 điều kiện không được ly hôn, rất rõ ràng rành mạch. Luật của chúng ta bây giờ quy định một câu rất hay là mục đích hôn nhân không đạt được, mâu thuẫn trở nên trầm trọng thì cho ly hôn. Nhưng sẽ nảy sinh chuyện tòa cấp dưới bảo trầm trọng, nhưng tòa cấp trên bảo không trầm trọng, vậy thì phải hiểu thế nào là trầm trọng? Luật của chúng ta đọc thì rất hay, nhưng để xét xử thì rất khó.

Thực sự như thế nào là công bằng? Có người nói như thế này là công bằng, nhưng có người lại nói khác. Tòa sơ thẩm nói thế này là công bằng, nhưng tòa cấp trên lại nói chưa công bằng. Vì vậy, để giải quyết vấn đề công bằng đó thì đòi hỏi thẩm phán phải trình độ thật uyên thâm mới làm được", ông Thuyền nhấn mạnh.

Đề cập tới các thuật ngữ mới như "vật quyền", "trái quyền" mà trước đây gọi là “tài sản” và “quyền sở hữu tài sản”, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nội dung không có gì khác thì nên cân nhắc khi thay đổi.

"Nếu sử dụng từ ngữ làm cho tòa án hiểu sai, gây oan sai cho dân thì phải sửa, còn nếu dùng thuật ngữ đó ổn định lâu dài rồi mà không gây hiểu sai thì không nên sửa. Vừa rồi có nhiều đạo luật chúng ta đã sửa, quy định cũ rất hay nhưng khi sửa không nói vì sao lại sửa. Theo tôi, sửa phải có kề thừa, và nếu các từ ngữ đã quen thuộc không gây hiểu lầm cho tòa án, viện kiểm sát, không gây hiểu lầm cho người dân thì không nên sửa. Nếu sửa phải chứng minh được nó tiến bộ hơn cái cũ", ông Thuyền nêu quan điểm.

Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị bổ sung vào Luật dân sự thêm quy định hai loại hợp đồng là “hợp đồng cần mẫn” và “hợp đồng hảo ý” với một số ngành nghề.

Ông Thuyền nói: “Tôi lấy thí dụ bây giờ giáo viên, bác sĩ, luật sư là những người liên quan tới hợp đồng cần mẫn. Tôi dạy học cho con anh, đậu hay không đậu vẫn phải trả tiền cho tôi. Tôi làm bác sĩ chữa bệnh cho anh, sống hay chết anh cũng phải trả tiền cho tôi. Tôi là luật sư bào chữa cho anh, thắng hay thua anh cũng phải trả tiền cho tôi. Nếu không quy định những vấn đề này thì khi thực tiễn phát sinh, giải quyết sẽ rất khó.

Với hợp đồng hảo ý, tôi thí dụ tôi gửi xe ở nhà anh, anh chấp nhận cho tôi gửi thì khi mất anh phải bồi thường. Một trường hợp khác là mình đang đi đường có người vẫy đi nhờ xe, không may tai nạn bị chết thì cũng phải đền. Về đạo lý tôi giúp đỡ anh nhưng khi xảy ra bắt tôi đền bù thì vô lý. Vì vậy vấn đề này phải quy định rõ để điều chỉnh quan hệ xã hội”.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ việc phải sửa luật, nhưng đồng thời đặt vấn đề: “Tôi chưa thấy ở đây ta đặt Luật dân sự là luật nền hay là rắn uốn éo theo các luật chuyên ngành? Nếu chúng ta xem đây là luật nền thì hàng trăm năm mới sửa chứ không phải sửa đi sửa lại thế này”.

Phân tích sâu vào dự thảo, ông Lịch cho rằng, hiện nay nhiều luật “lấn sân” Luật dân sự, điển hình là Luật nhà ở.

“Có một nguyên tắc mà tôi nhắc lại đó là bất động sản và những tài sản pháp luật quy định phải đăng ký. Chiếm hữu không suy đoán là sở hữu, đấy là nguyên tắc. Cái xe ở nhà của anh không thể suy đoán là của anh. Cái nhà anh đang ở chưa thể suy đoán là của anh nếu anh chưa đăng ký với nhà nước. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch ở luật nhân sự, nhưng chúng ta đang vi phạm nguyên tắc này ở Luật nhà ở.

Đối với bất động sản có ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền hưởng lợi và quyền định đoạt thì thời điểm xác lập quyền sở hữu là khi đăng ký trước bạ; chuyển dịch và trả tiền thì mới chỉ có hai quyền thôi. Muốn bán thì phải đăng ký và nộp thuế trước bạ, chứ không viết giấy bán tay. Đó là nguyên tắc, nếu phá nguyên tắc này là gây rối loạn xã hội”, ông Lịch bày tỏ.

Ngọc Quang