Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trước năm 1293, bà Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu - mẹ vua Trần Anh Tông (vợ vua Trần Nhân Tông) đã từng sống ở cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng, và mất tại đây vào ngày 13/9/1293. Đây cũng là nơi gắn liền với sự nghiệp của vua Trần Hiến Tông. Vị Hoàng đế trẻ tuổi này mất tại đây vào ngày 11/6/1341 khi mới 23 tuổi.
Mặc dù là một hành cung lớn, nằm ở vị trí quan trọng trong việc kết nối giữa Long Hưng (Thái Bình) - Tức Mặc (Nam Định) và Thăng Long (Hà Nội), nhưng trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, vị trí của cung/hành cung Lỗ Giang xưa ở đâu, diện mạo và quy mô của nó như thế nào từ lâu vẫn là một bí ẩn.
Một phần của hành cung Lỗ Giang đã được Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành tổ chức khai quật. Ảnh: PGS.TS Bùi Minh Trí. |
Dựa trên kết quả điều tra khảo sát, tháng 8 năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình xây dựng một chương trình nghiên cứu tìm hiểu về hành cung Lỗ Giang tại xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Và, sau khi được phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Quyết định số 3897/QĐ-VHTTD ngày 21/11/2014), Bảo tàng Thái Bình và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành khai quật khảo cổ học di tích hành cung Lỗ Giang.
Khảo cứu tư liệu lịch sử, truyền thuyết địa phương và kết quả điều tra khảo cổ học, vị trí cung/hành cung Lỗ Giang xưa được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư năm 1293 bước đầu được xác định là khu vực đền Trần (Thái lăng) thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Tương truyền dân gian đây vốn là đất của hành cung Lỗ Giang hay hành cung Kiến Xương của nhà Trần, cũng là nơi an táng lăng mộ của các vị vua nhà Trần.
Khu vực đền ngày nay thuộc 4 thôn An Lang, An Lỗ, Đồng Lâm và Xuân Lôi, xưa thuộc xã Thâm Động, nay thuộc xã Hồng Minh. Đền nằm ở hữu ngạn ngã ba sông Hồng (đoạn chảy qua khu vực này còn được gọi là Lô (Lỗ) Giang) và sông Trà Lý, ở chính giữa vùng đất Long Hưng và Tức Mặc (Nam Định), cách khu lăng tẩm nhà Trần ở Tam Đường khoảng 6km theo đường chim bay về phía Đông và cách Tức Mặc cũng khoảng 6km về Tây. Xung quanh khu vực đền hiện còn lưu truyền nhiều địa danh phản ánh một thời quá khứ của vùng đất này như bến Phạm Lỗ, cánh đồng Phủ, Lạch Đường Cả, Vành Lao, Càn Thiên mã, Cầu Rồng... trong đó, có những địa danh liên quan đến lăng tẩm của các vua Trần như xóm Lăng, Giếng lăng, Lăng sa trong, Lăng sa ngoài, Lăng Ngói.
Những địa danh này gợi lại những dấu ấn của một hành cung xưa gắn liền đến lịch sử của nhà Trần trên mảnh đất Hồng Minh ngày nay. Ngoại trừ khu vực Lăng sa ngoài nằm ngoài đê và do nhiều năm phù sa sông Hồng bồi lấp nên bề mặt không tìm thấy di vật, các địa danh còn lại đều tìm thấy rất nhiều di vật vật liệu kiến trúc, đồ sành, đồ gốm sứ của thời Trần.
Dấu tích tìm được lớn hơn Hoàng Thành Thăng Long
Dựa trên kết quả điều tra, Trung tâm Nghiên cứu kinh thành phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành mở 6 hố khai quật tại hai vị trí là khu vực đền Trần (Thái Lăng) và khu vực Lăng Ngói.
Tại khu vực đền Trần có 4 khai quật, kí hiệu khảo cổ học là LG14H1, LG14H2, LG14H3 và LG14H4.
Kết quả khai quật Hố H1 hình chữ nhật, diện tích 102m2 (dài Đông –Tây: 17m, rộng Bắc – Nam: 6m), được mở ở phía Đông của kiến trúc chính của đền hiện tại: Đã tìm dấu vết nền móng của một công trình kiến trúc gỗ rất độc đáo, hiện mới xuất lộ 2 hàng cột gồm 4 móng trụ kép hình chữ nhật. Đây là loại móng trụ đặc biệt, lớn gấp đôi móng trụ vuông thông thường và bên trên đặt 2 chân tảng đá để kê 2 cột gỗ. Loại móng trụ này đã tìm thấy tại một số công trình kiến trúc thời Lý tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhưng đều có qui mô rất nhỏ.
Các móng trụ ở đây có niên đại thời Trần, được gia cố kết hợp gạch, ngói, bên trên đầm sỏi giống như kỹ thuật làm móng trụ thời Lý của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhưng nó có kích thước rất lớn, lớn hơn nhiều so với khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Lòng nhà của kiến trúc này rộng tới 9,9m. Ảnh: PGS.TS Bùi Minh Trí. |
Dấu tích kiến trúc này kí hiệu là LG14.H1.KT01, được tìm thấy từ độ sâu 0,5m so với mặt sân đền hiện tại và xuất lộ trong phạm vi trên 100m2. Kiến trúc nằm theo chiều ngang Đông - Tây, mặt quay về phía Nam, hai bên phía Bắc và phía Nam đều tìm thấy hàng gạch bó nền và sân gạch được lát bằng loại gạch vuông. Dựa vào hàng gạch bó nền ở hai bên, kích thước lòng nhà của kiến trúc này có chiều rộng 9,9m.
Tuy nhiên, do kiến trúc chưa xuất lộ hết, nên chưa thể biết chính xác qui mô, số gian và diện tích cụ thể của công trình.
Bên cạnh dấu vết kiến trúc, trong khu vực hố khai quật còn phát hiện được 2 dấu vết di tích lò nung. Tính chất, chức năng của lò nung này là gì hiện đang nghiên cứu.
Dưới đây là một số hình ảnh khai quật được từ di tích Hành cung Lỗ Giang (trong đó có một số hình ảnh so sánh với hiện vật khai quật từ Hoàng Thành Thăng Long). Những hình ảnh này do PGS.TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành cung cấp:
Ngói mũi sen lợp diềm mái cung điện, di tích Hành cung Lỗ Giang. |
Mảnh lá đề trang trí rồng gắn trên ngói mũi sen lợp diềm mái cung điện, di tích Hành cung Lỗ Giang. |
Trang trí đầu rồng trên mái của kiến trú. Hình ảnh bên trái tìm thấy tại Hành cung Lỗ Giang; hình ảnh bên phải tìm thấy tại Hoàng Thành Thăng Long (đã được phục dựng). |
Ngói mũi sen lợp diềm mái trang trí hình con hươu, hiện vật tìm thấy tại Hành cung Lỗ Giang (trái), hiện vật tìm thấy tại Hoàng Thành Thăng Long (phải). |
Mô hình kiến trúc thời Trần khai quật được tại di tích lăng mộ vua Trần Hiến Tông (Đông Triều, Quảng Ninh), tháng 11/2014 do Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành thực hiện. Hình ảnh này cho biết về hình thái bộ mái kiến trúc cung điện được lợp bằng loại ngói mũi sen tìm thấy ở Hành cung Lỗ Giang. |
Phần dưới của ngói úp nóc trang trí rồng và văn mây, Hành cung Lỗ Giang. |