Tết đến, câu hỏi quen thuộc ngày nào “tết chuẩn bị đến đâu rồi?” giờ bỗng trở nên lạc hậu, mang túi ra chợ, hay siêu thị, vài tiếng sau là đủ tất cả nhu cầu ba ngày tết. Giờ đây người Việt không nói “ăn tết” mà là “vui tết”.
Trong ba ngày tết có một phong tục được truyền lại qua nhiều thế hệ, ấy là ngày đầu năm không mắng trẻ con, gia đình xum họp chỉ nói chuyện vui, chuyện thật, không nói dối.
Tết là dịp vui chung của mọi nhà nhưng không hẳn câu nói “đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết” đã hoàn toàn đúng với tất cả gần 90 triệu người Việt.
Vẫn còn đâu đó những người già cô đơn không nơi nương tựa, những trẻ lang thang cơ nhỡ và những gia đình nhận cứu trợ ngay trong dịp tết cổ truyền.
Trong niềm vui chào đón xuân về, người Việt có thêm niềm vui vì một sự kiện trọng đại của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội Đảng 12, đã kết thúc tốt đẹp.
Vui vì chúng ta đã trở thành thanh viên chính thức của Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP), đã được tạp chí danh tiếng quốc tế Forbes đánh giá là “đất nước đã thực sự đi lên” sau 30 năm đổi mới.
Vui vì thu nhập bình quân đầu người năm 1986 chỉ vào khoảng 100 USD/năm, con số này hiện là gần 2.000 USD, gấp 20 lần, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới.
Có thể coi việc ký kết tham gia TPP là cột mốc quan trọng sau sự việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) năm 1995.
Bên cạnh đó còn phải kể đến các hiệp định định thương mại tự do mà chúng ta ký với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á – Âu, các hiệp định đối tác chiến lược với nhiều quốc gia khác…
Sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới vừa là cơ hội, vừa là thách thức bởi trong số 12 nước tham gia TPP (Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam), Việt Nam là nước duy nhất theo thể chế xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Mười một nước còn lại, tuy sự phát triển kinh tế không đồng đều song có điểm chung là đều vận hành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh.
Mặc dù TPP “thừa nhận sự khác biệt về mức độ phát triển và sự đa dạng của các nền kinh tế” song như khẳng định trong lời mở đầu “việc cung cấp các lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước làm suy yếu thương mại và đầu tư công bằng và cởi mở”.
Trong cuộc chơi này chúng ta không thể một mình một cõi, không thể không tuân thủ những điều khoản hiệp định mà chúng ta đã đặt bút ký, chẳng hạn về quyền “thương lượng tập thể” của người lao động (điều 3 chương 19) hay “các bên khẳng định quyết tâm của mình trong việc loại trừ hối lộ và tham nhũng trong thương mại và đầu tư quốc tế” (điều 6 - chương 26).
Quyền thương lượng tập thể của người lao động sẽ dẫn tới quyền có người đại diện (công đoàn), quyền bãi công, đình công… của người lao động.
Các nước tham gia TPP có thể chấp nhận sự khác nhau về thể chế chính trị nhưng quy luật thị trường chắc chắn sẽ không chấp nhận cơ chế nửa vời, vừa tư bản, vừa xã hội chủ nghĩa, về điều này Báo cáo chính trị tại Đại hội 12 cũng đã nhấn mạnh: “vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường”.
Các Đại biểu dự Đại hội XII của Đảng kỳ vọng đất nước có những phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới. Ảnh một góc TP.HCM hôm nay. Ảnh của VGP. |
Người phương tây thường nói “không có bữa trưa nào là miễn phí”, chúng ta sẽ không thể nào có được tất cả mà không mất cái gì.
Bên cạnh kinh tế là an ninh, quốc phòng, Biển Đông chưa xảy ra chiến tranh không có nghĩa là sẽ không xảy ra chiến tranh.
Tham lam vốn là bản tính của kẻ thù truyền kiếp của người Việt vì vậy không vui sao được khi chúng ta đóng được tàu chiến, chế tạo tên lửa, máy bay không người lái và những chiếc tàu ngầm mini đã bán ra nước ngoài.
Vấn đề không chỉ là khơi dậy óc sáng tạo của người dân mà còn cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể để người Việt có thể tự hào những chiếc ô tô, tàu chiến,… 100% linh kiện là sản phẩm Việt.
Còn những vấn đề dễ nhận thấy nhưng sẽ khó lý giải về phương diện lý luận.
Điều lệ Đảng nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.
Ngày nay tìm một người công nhân, nông dân, giáo viên thuần túy trong Ban Chấp hành Trung ương có lẽ cũng khó như tìm một tiến sĩ khi Đảng mới thành lập.
Nhưng vấn đề chính yếu không phải nằm ở đó, vấn đề chính yếu – như Điều lệ Đảng khẳng định – Đảng Cộng sản Việt Nam là đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân,…”
Sau đại hội 12, với một ban chấp hành trung ương 100% có bằng lý luận chính trị trung, cao cấp hoặc tốt nghiệp đại học, trên đại học, bình quân cứ 3 người có một tiến sĩ, Bộ chính trị 19 người có tới 9 tiến sĩ (1 phó giáo sư, 5 giáo sư), 7 thạc sĩ, 3 cử nhân, có thể nói chưa bao giờ tầng lớp trí thức có mặt đông đảo như vậy trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng.
Cho rằng đó là đội ngũ trí thức xuất thân từ giai cấp
GS.TS Vương Đình Huệ: "Rộng mở con đường thịnh vượng của đất nước" |
công nhân, từ nhân dân lao động là một cách giải thích song về lý luận cần phải chứng minh được, rằng giai cấp công nhân vẫn là lực lượng tiên tiến nắm vai trò dẫn dắt xã hội.
Rằng giai cấp công nhân là đại diện cho phương thức sản xuất mới nhất giống như khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.
Thế giới ngày nay không còn là thế giới gần một thế kỷ trước, lực lượng có nhận thức tiên tiến nhất, đủ sức nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng các thành quả trí tuệ mà nhân loại có được chính là đội ngũ trí thức, với đội ngũ trí thức hiện có, chúng ta phải làm gì để theo kịp sự biến đổi nhanh chóng của thời đại?
Theo chiều hướng ngược lại, đội ngũ trí thức trong Ban chấp hành Trung ương có thực sự là trí thức theo chuẩn mực mà quốc tế công nhận hay không ít người cũng chỉ là “trí thức từ xa”, “trí thực tại chức”, “trí thức mở”?
“Sát hạch tiến sĩ” có thể là một ý tưởng không bao giờ có kết quả cũng giống như “kê khai tài sản” cán bộ, song nếu không làm được việc đó thì một đội ngũ trí thức “méo mó” sẽ làm méo mó tất cả những cơ chế mà nó hiện diện. Người viết cho rằng đây không còn là cảnh báo mà là một thực tế đáng báo động.
Từ các cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt, đến những hình ảnh dòng người tỵ nạn từ Trung Đông, Bắc Phi tràn sang châu Âu, nhìn những thành phố, làng mạc tại các quốc gia này tan hoang vì bom đạn do các nước lớn dội xuống bất kể ngày đêm mới thấy những ngày hòa bình để yên tâm xây dựng đất nước quý giá biết nhường nào.
Nói thế không có nghĩa là ngày nay, trên giải đất hình chữ S này không có những kẻ địch bên ngoài lúc ngấm ngầm, lúc công khai phô trương sức mạnh, không phải không tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh nơi hải đảo, biên giới.
Trong khi đó vẫn hiện hữu một sự nguy hiểm không kém là số ít người dân đang suy giảm niềm tin vào thể chế xã hội bởi nạn tham nhũng, bởi trình độ yếu kém của một bộ phận quan chức.
Tổ quốc không phải là “chùm khế ngọt” để suốt ngày trèo hái, Tổ quốc là nơi mỗi chúng ta phụng sự theo khả năng có thể của mình.
Tổ quốc không phải là nơi cho một cá nhân hay một nhóm người thể hiện tham vọng quyền lực. Tổ quốc là mái ấm an bình, công bằng, bác ái cho mỗi công dân bất kể là dân thường hay lãnh đạo.
Trong đời người, chẳng ai là không có lần vấp ngã, trong sự nghiệp lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã từng phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Biết sai và nhận lỗi với nhân dân khiến dân vẫn tin theo Đảng, vẫn cùng Đảng làm nên đại thắng mùa xuân 1975, chấm dứt sự phân chia hai miền nam bắc.
Tại đại hội Đảng 12, một lần nữa Đảng nhận ra sai lầm trong lãnh đạo và nhận lỗi với nhân dân, một lần nữa Đảng kiên quyết sửa mình, sự bao dung của nhân dân sẽ được lặp lại nếu mỗi đảng viên, mỗi cơ sở Đảng và Trung ương hiện thực hóa lời nhận lỗi bằng hành động thực tế.
Người viết cho rằng khó khăn nhất đối với Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không phải là thiếu chủ trương, đường lối đúng - mặc dù đây cũng là một vấn đề cần được quan tâm - mà ở chỗ, không ít các chủ trương, quyết sách ban hành chỉ được thực hiện nửa vời, chẳng hạn việc kê khai tài sản cán bộ, công chức; quy trình bổ nhiệm cán bộ; việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc bảo vệ tài nguyên môi trường…
Quyết sách có đúng đến mấy nhưng không vượt qua được rào cản lợi ích nhóm thì quyết sách cũng trở nên vô dụng.
Người viết có một hy vọng, rồi đây Trung ương khóa 12 sẽ công khai phân tích nguyên nhân nào làm hạn chế “hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư” như ý kiến của Trưởng trực Ban bí thư Lê Hồng Anh trình bày tại đại hội 12 vừa qua.
Chỉ ra các nhóm lợi ích không quá khó, vượt qua chính nhóm lợi ích của mình mới khó, và chính điều này mới cần đến trí tuệ, bản lĩnh chính trị của người lãnh đạo.
Trung ương Đảng khóa 12 có nhiều khuôn mặt mới, thực
ra cả 200 ủy viên chính thức và dự khuyết đều là các đảng viên lâu năm, đều nắm giữ trọng trách ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể… Trung ương mới vẫn được chọn trong số hơn 4,5 triệu đảng viên cũ, đó vẫn là một tập thể những con người không hề “mới” trên chính trường Việt Nam.
Điều người dân mong đợi không phải là những “gương mặt mới” mà là những người dám đổi mới, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Song song với việc chuyển giao thế hệ phải có sự chuyển giao quyền lực để những người “mới” không chỉ có tư duy mới mà còn có sức mạnh hỗ trợ đổi mới.
Mùa xuân và niềm tin trở lạiVấp ngã không đáng sợ bằng ngã rồi không thể hoặc không dám đứng dậy, bản lĩnh của một Đảng cầm quyền đã trải qua gần một thế kỷ chiến đấu hy sinh cùng dân tộc là hành trang mà Đảng có quyền tự hào, song không thể tự thỏa mãn, không thể xem tất cả những quyết sách của Đảng đều là chân lý tuyệt đối, không được phép mắc sai lầm một lần nữa.
Trong lịch sử người Việt đã từng mở lối cho bại quân phương bắc hồi hương, năm 1979 đã dừng không truy kích kẻ xâm lược khi chúng tháo chạy khỏi biên giới, truyền thống nhân nghĩa ấy vẫn còn vẹn mãi đến hôm nay.
Người viết tin chắc nhân dân rất rộng lượng với Đảng, vấn đề còn lại phụ thuộc vào việc Đảng vì dân, vì nước như thế nào?
Dù là đảng viên hay những người ngoài đảng thì những lời tâm huyết cất lên khi mùa xuân đang đến vẫn là mong muốn một đất nước hùng cường, một dân tộc thông minh sáng tạo xứng đáng có một vị thế mà nhân loại phải ngưỡng mộ.
Xin có đôi câu đối tặng bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam nhân dịp xuân Bính Thân 2016:
Rừng vàng biển bạc, non sông chào đón hiền tài
Mưa thuận gió hòa, muôn dân an bình hạnh phúc.