Thêm cấp phó là thêm một cấp hành chính, ngân sách nào nuôi nổi cán bộ?
Câu chuyện "lạm phát" cấp phó tại các Sở, ngành ở một số địa phương trên cả nước không còn là vấn đề mới.
Ngay cả khi Chính phủ đã có hẳn một nghị định quy định rõ về việc bổ nhiệm này, thế nhưng một số địa phương vẫn vi phạm.
Sự việc lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm tới 06 cấp
phó tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa là minh chứng điển hình nhất cho sự vi phạm các quy định của pháp luật trong việc bổ nhiệm cán bộ.
Xin nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên Thanh Hóa vi phạm những quy định nói trên.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh này từng mang tai tiếng vì tình trạng "lạm phát" cấp phó theo cách tương tự.
Thậm chí có thời điểm Sở này có tới... 11 Phó Giám đốc.
Bình luận về việc cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm tới 06 cấp phó tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, hôm 1/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đây là việc làm trái quy định của pháp luật.
"Trước khi ra đời Nghị định 24/2014/NĐ-CP, ngày 4/4/2014 quy định về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định việc bổ nhiệm không quá 03 cấp phó tại một Sở...
Do đó, việc bổ nhiệm dư thừa cấp phó trong trường hợp nói trên được thực hiện trước hay sau khi có Nghị định 24/2014/NĐ-CP, ngày 4/4/2014 vẫn được coi là phạm luật.
Vấn đề đặt ra là, khi có quy định về việc bổ nhiệm số lượng cấp phó, nếu dư thừa chức vụ lãnh đạo Sở, địa phương đó phải sắp xếp lại bộ máy cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật", ông Phúc nhận định.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Ngọc Quang/giaoduc.net.vn. |
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong trường hợp địa phương cần thêm cấp phó để đảm đương công việc thì phải xin phép và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền.
"Theo định, số lượng cấp Phó Giám đốc Sở thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh không quá 04 người. Các địa phương khác được không quá 03 cấp phó.
Nếu vì nhu cầu thực tế phải xin thêm cấp phó thì địa phương đó phải có văn bản xin phép và được sự đồng ý của Chính phủ.
Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của cấp trên mà vẫn tự ý bổ nhiệm là sai", ông Phúc nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi có quy định về việc bổ nhiệm cấp phó, một số địa phương vẫn xuất hiện tình trạng "lạm phát" cấp phó.
Về việc này, ông Thang Văn Phúc cho rằng: "Trong quá
Tỉnh Thanh Hóa lấy hàng trăm ha đất rừng không đền bù, dân mất kế sinh nhai |
trình thực hiện các quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền vẫn có dấu hiệu nể nang, chưa thực sự quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng trên.
Bên cạnh đó, còn nhiều địa phương chưa nghiêm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cán bộ.
Thậm chí việc bổ nhiệm thừa cấp phó có thể là cách người ta hợp thức hóa cho ý đồ cá nhân của ông lãnh đạo địa phương đó.
Khi đó vai trò của tập thể chỉ còn là hình thức để hợp pháp hóa ý đồ mang tính cá nhân", ông Phúc nhận định.
Nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ thẳng thắn chỉ rõ, nếu tăng thêm một cấp phó đồng nghĩa với việc tăng thêm một cấp hành chính.
"Nếu tăng một cấp phó quản lý, thì kéo theo toàn bộ hệ thống từ cấp trên xuống cấp dưới đều phải tăng thêm biên chế và ngân sách.
Đó là chưa tính đến các điều kiện khác nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc cho cán bộ (phương tiện, trụ sở, phụ cấp cho cán bộ...).
Đây thật sự là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia", ông Phúc nhận định.
Từ những phân tích trên, ông Thang Văn Phúc cho rằng, để tránh tình trạng "lạm phát" cấp phó như trường hợp tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, cần thiết phải siết chặt công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ.
"Tôi ví dụ, nước Nhật trước đây, một Bộ có khoảng 13, đến 14 Vụ, nhưng bây giờ có khoảng 10 Vụ/Bộ.
Người ta khoán và giao nhiệm vụ cho anh trong phạm vi 10 Vụ đó, nếu anh không làm được hoặc không hoàn thành nhiệm vụ thì xin từ chức để người khác điều hành.
Do đó, vấn đề đặt ra là, cơ quan có thẩm quyền phải thực sự quyết liệt trong công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ. Tinh thần quyết liệt đó phải được thực hiện từ người đứng đầu.
Trong đó đặc biệt là việc phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương, cụ thể là ông Bí thư và Chủ tịch tỉnh/thành phố.
Nếu họ không chấp hành quy định về công tác cán bộ thì phải chịu trách nhiệm trước vi phạm của mình.
Hay nói cách khác, trường hợp nếu địa phương vi phạm về công tác cán bộ phải có chế tài xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh tình trạng này.
Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện rà soát lại một cách tổng thể vị trí việc làm của cấp phó tại các huyện/thị xã, thành phố, các Sở, ngành ở địa phương, cho đến vị trí Thứ trưởng ở cấp Bộ.
Việc này phải làm kiên quyết", ông Phúc đề nghị.
Sẽ chất vấn Bộ Nội vụ về việc bổ nhiệm 06 cấp phó tại Sở Tài nguyên Thanh Hóa
Trao đổi thêm về việc bổ nhiệm cấp 06 cấp phó tại Sở tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, bên lề Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho rằng, nếu trường hợp địa phương bổ nhiệm trái quy định cấp phó thì nên tự nhận trách nhiệm và sửa sai.
"Vấn đề bổ nhiệm kiểu này đã được báo chí thông tin rất nhiều. Không thể có chuyện bổ nhiệm dư thừa cấp phó rồi lại "đổ thừa" do nguyên nhân do lịch sử để lại.
Nếu nói nguyên nhân thừa cấp phó do lịch sử để lại (ghép sở - PV) thì việc sắp xếp nhận sự phải thực hiện từ lâu rồi chứ?
Tại sao khi có quy định lại vẫn bổ nhiệm thêm?
Tôi nghĩ, với khả năng của một lãnh đạo địa phương, nếu ghép Sở Tài nguyên mà thừa cấp phó, thì họ đủ khả năng sắp xếp, điều động bố trí công việc cho cán bộ của mình một cách hợp lý, chứ làm gì có chuyện "đổ thừa" kiểu đó.
Do đó, nếu nói thừa cấp phó do hệ quả của lịch sử để lại thì khó mà chấp nhận được", Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (ảnh: quochoi.vn). |
Cũng theo Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, trường hợp địa phương đưa ra lý do bổ nhiệm thêm/thừa cấp phó để đảm bảo công tác quản lý, cũng là lý do không thể chấp nhận được.
"Quy định về công tác nhân sự, trong đó đề cập tới vị trí công việc, đã có sự thống nhất bằng văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ từ trên xuống dưới.
Làm công tác cán bộ phải theo nguyên tắc, quy định của pháp luật chứ không thể mỗi tỉnh làm một kiểu khác nhau.
Nếu thấy việc quy định không quá 03 cấp phó tại một Sở chưa phù hợp với thực tế địa phương, thì lãnh đạo tỉnh, thành phố đó phải có văn bản kiến nghị bổ sung, chứ không thể tự mình bổ nhiệm như vậy.
Mặt khác, trong thời điểm chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nếu cứ để bộ máy nhà nước "phình" ra như thế thì không thể chấp nhận được", Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng nói.
Từ những phân tích trên, vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đề nghị: "Ai bổ nhiệm sai thì người đó phải sửa, tự giác khắc phục vi phạm và nhận thức rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể.
Trường hợp địa phương bổ nhiệm sai cấp phó mà không chịu khắc phục thì tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền phải xử lý ông thủ trưởng địa phương đó.
Trong thời gian tới tôi sẽ thảo luận, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ vấn đề bổ nhiệm này", Đại biểu Hoàng cho hay.