Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) theo dự kiến sẽ được bàn thảo và thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hai điểm mấu chốt của dự án luật là vấn đề kê khai tài sản và xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc hợp lý vẫn còn nhiều tranh cãi.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp đặc biệt quan tâm đến việc phòng chống tham nhũng với đối tượng là quan chức cao cấp.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn. (Ảnh: Hữu Chí/giaoduc.net.vn) |
“Quan chức cao cấp mà tôi muốn nói ở đây, đó là quan chức lãnh đạo, đứng đầu ở cấp xã, cấp huyện (như Bí thư, Chủ tịch). Còn ở cấp tỉnh đó là, những người đứng đầu sở, ngành trở lên tại tỉnh đó.
Ở Trung ương, đó là những người giữ vị trí Cục, Vụ, Viện trưởng trở lên.
Cùng với số này, còn có một số chức danh có điều kiện để tiếp cận, quyết định chi tiêu những khoản kinh phí lớn của ngân sách, giải quyết những công việc quan trọng của cá nhân, doanh nghiệp”, Tiến sĩ Sơn nêu.
Theo ông, tại khoản 1, Điều 36 Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập trong dự thảo Luật quy định: “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên” là chưa hợp lý.
Ông Sơn cho rằng, với đối tượng là quan chức cao cấp thì người thân thích (bố mẹ, vợ/chồng, con kể cả thành niên và chưa thành niên) cũng phải kê khai.
Theo Tiến sĩ Sơn, số lượng cán bộ thuộc diện cao cấp như ông nói ở trên là không nhiều. Và đây mới là diện cần quan tâm đến tài sản của bố/me, vợ/chồng, con thành niên hoặc chưa thành niên.
Theo đó, thời điểm trước khi cán bộ đảm nhiệm các vị trí này, người thân của họ cũng phải kê khai tài sản và chốt lại.
"Kê khai tài sản không trung thực nên cách chức, dừng bổ nhiệm" |
Sau thời điểm đó, nếu số tài sản họ phát sinh sau kê khai có nhiều điểm bất thường hoặc có dư luận ồn ào thì cơ quan chức năng sẽ xem xét đến trách nhiệm của quan chức.
Hoặc khi quan chức có dấu hiệu tham nhũng thì tài sản tăng thêm bất hợp lý của người thân phải được xem xét.
Về vấn đề xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm không giải trình được nguồn gốc, Tiến sĩ Sơn nhấn mạnh là phải có chế tài.
Theo ông, bước đầu tiên là chốt khối tài sản này lại, cho người kê khai tiếp tục chứng minh. Nếu không chứng minh được, tài sản đó phải bị tịch thu.
Theo Tiến sĩ Sơn, tài sản xem xét là tài sản phát sinh, tăng thêm được trong thời gian làm quan chức chứ không phải toàn bộ tài sản của họ.
Vì thế, trước khi cán bộ được bổ nhiệm vào vị trí cao cấp tài sản cần được chốt lại.
Sau khi đảm nhiệm chức vụ, tài sản phát sinh trong thời kỳ làm quan chức nếu bất hợp lý thì họ buộc phải tự chứng minh tính hợp pháp của khối tài sản này.
Cơ quan chức năng có truy ra được tham nhũng hay không chính là ở phần tài sản tăng thêm bất hợp lý nếu không giải trình được.
Theo Tiến sĩ Sơn, việc giải trình về tài sản tăng thêm ở giai đoạn làm quan chức chính là trách nhiệm của công chức với cơ quan có thẩm quyền.
Gần 90 triệu dân nhớ nguồn gốc tài sản, sao 4 triệu cán bộ lại có người không? |
Một khi quan chức không chứng minh được những tài sản đó có nguồn gốc hợp pháp thì Nhà nước và xã hội có quyền tước đoạt tài sản bất minh đó của anh.
Theo Tiến sĩ Sơn, đây là nguyên tắc rất cơ bản để xác lập cơ chế phòng, chống tham nhũng.
Tiến sĩ Sơn cho rằng, chúng ta đang rất lúng túng về vấn đề xử lý tài sản không kê khai hoặc tăng thêm không giải trình hợp lý bởi vì chúng ta đang nhầm lẫn một cách cơ bản giữa tài sản của công dân và tài sản của quan chức.
Công dân bình thường trong xã hội không có nghĩa vụ phải chứng minh tính hợp pháp đối với khối tài sản của mình có được. Việc chứng minh là trách nhiệm của Nhà nước.
Còn quan chức thì phải áp dụng nguyên tắc ngược lại đối với khối tài sản phát sinh bất hợp lý trong kỳ người đó làm quan. Có như vậy thì chống tham nhũng mới mang lại kết quả thiết thực.