Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975?

28/04/2017 08:49
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Đây là nét độc đáo đặc sắc của lịch sử cách mạng Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

LTS: Tiếp theo bài "Nhật ký Chiến dịch Hồ Chí Minh", Đại tá Đặng Việt Thủy gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết: "Tại sao Sài Gòn lại không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975?".

Theo đó, dưới góc nhìn khách quan, Đại tá Đặng Việt Thủy chỉ ra những điểm độc đáo đáng trân trọng trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thành phố Sài Gòn được chính thức thành lập năm 1877, đến năm 1954 được dùng làm thủ đô của chính quyền Sài Gòn, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, quân sự và là dinh lũy cuối cùng của chế độ Mỹ - ngụy. 

Đây là một thành phố lớn, hiện đại, từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông". Vào tháng 4/1975, thành phố có gần 4 triệu dân.

Khác với thủ đô và các thành phố khác của các nước châu Âu, sau Chiến tranh thế giới thứ hai đều bị tàn phá nặng nề, nhiều thành phố đổ nát chỉ còn lại những đống tro tàn, thành phố Sài Gòn sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn bình yên, nguyên vẹn, không bị tàn phá, đổ nát, nhịp sống vẫn bình thường. 

Đây quả là một điều kỳ diệu sau cuộc chiến khốc liệt dài lâu với những bom rơi, đạn nổ, máu chảy, xương tan... Để giữ được sự bình yên, nguyên vẹn đó, nguyên nhân do đâu?

Dinh Độc Lập tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. (Ảnh: VnExpress.net)
Dinh Độc Lập tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. (Ảnh: VnExpress.net)

Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến ngày 30/4/1975) là chiến dịch quyết chiến chiến lược của quân và dân Việt Nam, đánh vào đầu não và lực lượng quan trọng nhất của chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm có 4 quân đoàn (1, 2, 3 và 4) cùng Đoàn 232 (tương đương quân đoàn); tổng số lực lượng gồm 15 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh, 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh, 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công, 1 trung đoàn tên lửa, một bộ phận không quân, hải quân cùng lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn chiến dịch. 

Lực lượng địch, có: Quân đoàn 3 (gồm 4 sư đoàn bộ binh 22, 25, 5 và 18), sư đoàn thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn dù, 1 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, 3 liên đoàn biệt động quân, 19 tiểu đoàn pháo binh, 800 máy bay, 862 tàu hải quân cùng lực lượng bảo an, cảnh sát, phòng vệ dân sự...; tổ chức phòng thủ thành 3 tuyến: vòng ngoài (cách trung tâm Sài Gòn 30-50km), ven đô và nội đô. 

Từ ngày 26/4/1975, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng. 17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. 

Từ 26 đến 28/4, ta đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, thị xã Bà Rịa...; cắt đứt hoàn toàn đường 4 từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây; chế áp, làm tê liệt các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất. 

Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975? ảnh 2

Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

Ngày 29/4, ta tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài và vùng ven, đánh chiếm các căn cứ Nước Trong, Long Bình, Thành Tuy Hạ, Đồng Dù, thị xã Hậu Nghĩa...
 
Sáng 30/4, ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát...; 11 giờ 30 phút chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 

Cùng với đòn tiến công quân sự, nhân dân nội thành, ngoại thành Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam. 

Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Thành phố Sài Gòn hầu như vẫn nguyên vẹn, không bị tàn phá, đổ nát.

Có được như vậy là do một số nguyên nhân sau:

1. Trước hết xuất phát từ lòng nhân nghĩa, khoan dung, lấy đại nghĩa làm trọng của dân tộc ta

Đó là một bản sắc dân tộc độc đáo hình thành và phát triển trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của cộng đồng các dân tộc Việt Nam có hàng nghìn năm văn hiến. 

Bản sắc này là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam; trong lĩnh vực quân sự, nó đã trở thành một động lực to lớn tập hợp lực lượng của toàn dân đánh giặc. 

Từ các vị tướng chỉ huy đến mỗi chiến sĩ tham gia chiến dịch đều thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiêu biểu cho lòng nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc ta, đã chỉ rõ:

"Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, phải rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi Việt Nam thì hòa bình sẽ trở lại ngay lập tức". 

Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975? ảnh 3

Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong chiến tranh, người ta thường nói đánh tiêu diệt để chiến thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". 

Nhân dân cả nước vì đại nghĩa, xóa bỏ mặc cảm "bên này, bên kia", cùng nhau giành lấy hòa bình, thống nhất nước nhà, xây dựng Tổ quốc. 

Cuộc "tắm máu", "lấy oán trả oán" đã không xảy ra sau khi Sài Gòn cũng như miền Nam được giải phóng.

Tư tưởng nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của cán bộ và chiến sĩ trong lúc tiến công tiêu diệt kẻ thù. 

Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã viết trong cuốn hồi ký "Đại thắng Mùa Xuân": 

"Đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động, đập tan cả hệ thống tổ chức ngụy quân, ngụy quyền từ trung ương đến tận cơ sở, phá tan cái bộ máy chiến tranh, với bản chất phản động, hiếu chiến, ngoan cố của bè lũ tay sai, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Nhưng phải đánh vào Sài Gòn như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất, giải phóng được mấy triệu đồng bào mà không dẫn tới chỗ làm cho đồng bào bị thiệt hại nhiều về tính mạng, mất mát nhiều tài sản và cuộc sống mau trở lại bình thường.

Còn một vấn đề nữa là mấy trăm nghìn binh lính ngụy đều là người Việt Nam. 

Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975? ảnh 4

Những đường phố mang tên các vị tướng lĩnh và sĩ quan Quân đội

Họ là những thanh niên, học sinh, những công nhân, nông dân, thợ thủ công, phần lớn là con em các gia đình lao động. 

Họ có gia đình, có cuộc sống, nhưng do bọn đầu sỏ phản động lừa bịp, cưỡng bức mà đại đa số bị dồn vào con đường cầm súng chống lại đồng bào, chống lại cách mạng. 

Họ đang muốn có hòa bình, đang muốn thoát khỏi cảnh làm lính đánh thuê, chết mướn. Họ đang muốn về với gia đình, đoàn tụ với người thân, tiếp tục học hành và sản xuất.

Lúc còn sống, Bác Hồ đã nói: "Ngụy binh cũng là con dân nước Việt Nam, nhưng vì dại mà đi lầm đường, cho nên Chính phủ và tôi sẵn sàng tha thứ những người sớm biết lỗi và quay về với đại gia đình kháng chiến
" (1).

Đại tướng Văn Tiến Dũng viết tiếp:

"Vậy đánh thế nào để đội quân ngụy to lớn ấy phải tan rã về mặt tổ chức, suy sụp về mặt tinh thần, không còn khả năng chống lại cách mạng theo lệnh bọn đầu sỏ ngoan cố. 

Phải kiên quyết tiêu diệt một cách không thương tiếc bọn đầu sỏ ngoan cố, có ý thức chống lại cách mạng đến cùng. 

Nhưng, với số đông quần chúng binh sĩ ngụy, ta lại mở cho họ con đường sống, không tiêu diệt sinh mạng họ một khi họ đã buông súng đầu hàng, thoát khỏi sự kìm kẹp của bọn đầu sỏ tay sai Mỹ. 

Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ nhận thức được chính nghĩa...
"  và "mấy trăm nghìn người lính đó lại trở về quê hương, gia đình, trở lại làm người công dân của nước Việt Nam độc lập, thống nhất, góp phần lao động của họ vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo đảm cho họ và gia đình họ hạnh phúc riêng" (2).

Ở đây chúng ta thấy vấn đề không phải là đánh tiêu diệt bằng hết đối phương, càng không phải là cuộc "trả thù", "tắm máu", "khổ sai" hay "tẩy não" sau ngày chiến thắng như kẻ địch luôn luôn xuyên tạc, tuyên truyền vu khống.

2. Việc chỉ đạo chiến dịch tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh

Trong chỉ đạo chiến dịch nổi lên là vấn đề xác định mục tiêu then chốt, tiến công chính xác. Đó là các mục tiêu: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát...

Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975? ảnh 5

Đảng và mùa xuân

Các mục tiêu đã lựa chọn được phân công cụ thể cho các cánh quân, các đơn vị theo các hướng một cách chặt chẽ: hướng tây bắc - Quân đoàn 3, hướng bắc - Quân đoàn 1, hướng đông nam - Quân đoàn 2, hướng đông - Quân đoàn 4, hướng tây và tây nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8).

Khi ta tiến hành tổng công kích, các mục tiêu then chốt đó được quân ta kịp thời thọc sâu đánh chiếm, làm cho quân địch hoàn toàn bị động, bất ngờ, buộc phải tháo chạy hoặc đầu hàng một cách nhanh chóng.

Việc lựa chọn những mục tiêu trên là cực kỳ chính xác, vì đây là các cơ quan đầu não, là yết hầu của chính quyền và quân đội Sài Gòn. 

Quá trình đánh chiếm, dứt điểm mục tiêu nhanh chóng mà không dàn trải lực lượng, nên đã thu hẹp được cục diện cuộc chiến và sự tàn phá của chiến tranh không bị tràn lan. 

Do vậy, khi các mục tiêu này bị tấn công thì toàn bộ guồng máy của chính quyền và quân đội Sài Gòn như rắn mất đầu, hoảng loạn, rệu rã, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tan rã của chúng.

Chính những mục tiêu then chốt được lựa chọn chính xác đã thu gọn cục diện chiến trường của Sài Gòn.

Đây cũng là một điểm nổi bật trong nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy kết thúc chiến tranh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh mà trực tiếp là Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.

3. Do cách đánh thần tốc, táo bạo của các lực lượng vũ trang ta

Ngay từ đầu tháng 4/1975, điện chỉ đạo từ cơ quan lãnh đạo cao nhất đã thông suốt đến từng cán bộ, chiến sĩ: "Bất ngờ hiện nay không còn là phương hướng nữa mà chủ yếu là khâu thời gian", "Thời gian là lực lượng". 

"Thời gian hiện nay phải tính từng ngày, phải thần tốc, thần tốc toàn thắng, nhất định toàn thắng". 

Với tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng". Với tinh thần "Một ngày bằng 20 năm", thời cơ giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. 

Vận dụng những bài học rút ra từ Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng đòn trúng huyệt ở Buôn Ma Thuột, khi mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta đã nghi binh ở vòng ngoài, thọc sâu và đột kích nhanh vào nội đô, nhằm vào các mục tiêu then chốt để dứt điểm. 

Đánh vào từ nhiều hướng chia cắt chúng ra từng mảnh, không cho địch co cụm, ứng cứu lẫn nhau.

Trong tác chiến, thực hiện kết hợp các binh đoàn chủ lực với đặc công, biệt động cùng đồng bào nổi dậy. 

Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975? ảnh 6

Sức mạnh nhân dân và vai trò quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975

Hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh trên các hướng với không quân ném bom sân bay và dinh tổng thống. 

"Chụp" ngay bọn cầm đầu chính quyền ngụy làm cho chúng không kịp trở tay đối phó, khiến chúng phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác. 

Đây vừa là thời cơ và cũng là điều kiện để ta chuyển sang phương châm "Đánh nhanh, thắng nhanh", giành thắng lợi to lớn trong giai đoạn kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Việc "đánh nhanh, thắng nhanh" là một thời cơ không phải lúc nào cũng có. Ngay cả về phía địch, trước đây chúng cũng muốn thế, song vấn đề là có thực hiện được hay không. 

Nay thời cơ đã đến với ta, và chính ta đã tạo ra thời cơ, vì vậy ta phải triệt để tận dụng thời cơ này. 

Bởi vì lúc này quân Mỹ đã rút, bỏ mặc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu xoay sở, đối phó. Quân ta đang mạnh, khí thế ngút trời. Quân địch thì hoảng loạn và tan rã khắp nơi. 

Vì vậy, đánh nhanh sẽ cho ta thắng lợi lớn nhất mà ít gây tổn thất nhất. Đánh nhanh sẽ làm cho quân địch đã hoảng loạn càng thêm hoảng loạn, chỉ lo chạy thoát thân, nhiều cái chúng muốn phá cũng không kịp phá, mà dù có muốn phá cũng không phá được.

Đây cũng là một nguyên nhân để thành phố không bị tàn phá, còn nguyên vẹn sau chiến tranh.

4. Ý thức và bản lĩnh chính trị của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam 

Đó là tinh thần chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh cấp trên, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện chính sách dân vận, chính sách đối với tù hàng binh của các chiến sĩ quân giải phóng khi tiến công vào thành phố Sài Gòn - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, một thành phố với số dân đông nhất nước. 

Nếu các chiến sĩ chấp hành mệnh lệnh cấp trên không nghiêm hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, không thực hiện tốt công tác dân vận hay chính sách tù hàng binh thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. 

Sau khi vào thành phố, không hề xảy ra tình trạng phá phách, không xảy ra bất kỳ một cuộc "trả thù", "tắm máu" nào, dù cho cả những lúc "bom rơi, đạn nổ". 

Các chiến sĩ của quân đội cách mạng dù họ ở binh chủng nào, bộ binh hay kỹ thuật, khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đều thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, không lợi dụng chiến tranh "tên rơi, đạn lạc" để trả thù, để thỏa mãn lòng căm thù của mình đối với chế độ cũ.

Tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh cấp trên, ý thức tổ chức kỷ luật rất nghiêm, chấp hành tốt chính sách dân vận, chính sách đối với tù hàng binh của các chiến sĩ quân giải phóng đã góp phần quan trọng để Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát.

5. Vai trò nổi dậy của nhân dân Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

 
Ngày 26/4/1975, cuộc hội quân lớn nhất của quân đội ta (tính đến thời điểm đó) để triển khai thế trận chiến dịch đã hoàn thành và bắt đầu tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định. 

Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975? ảnh 7

Hồi tưởng trận đánh Dinh độc lập qua ký ức Thượng tướng Nguyễn Hữu An

Với lòng mong ước quê hương được giải phóng đã tích tụ từ lâu, được các đòn tấn công như vũ bão của bộ đội chủ lực hỗ trợ, ngày 28 và 29/4, hàng vạn nhân dân các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh đã nổi dậy giải phóng ấp, xã, huyện lỵ của mình. 

Chỉ sau hai ngày, hơn 40 cuộc đấu tranh điển hình của công nhân nhà máy nước Thủ Đức (được hàng nghìn quần chúng các xã xung quanh hỗ trợ) đã kiên quyết bao vây một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ có hàng chục xe tăng, thiết giáp yểm trợ, buộc chúng phải tháo lui không phá được nhà máy. 

Trong ngày 29 và đêm 29 rạng sáng 30/4, trước khi 5 mũi tiến công của các quân đoàn vào nội thành thì đã có 107 điểm nổi dậy tại chỗ của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương (31 điểm ở ngoại thành và 76 điểm ở nội thành). 

Trong đó có 32 điểm nổi dậy trong ngày 29 và đêm 29 rạng ngày 30/4; 34 điểm nổi dậy trước 9 giờ 30 khi Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng; 41 điểm trong và sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng nhưng các quân đoàn chủ lực chưa vào đến nơi. 

Có được sự nổi dậy mạnh mẽ trên là do nhân dân được các cơ sở Đảng lãnh đạo đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội đặc công, biệt động và quân địa phương đánh chiếm các mục tiêu đã quy định;

Giành được chính quyền ở cơ sở; phá kìm kẹp, gỡ đồn bốt, chiếm xưởng, chiếm kho, chiếm công sở, giữ gìn bảo vệ máy móc không để quân địch phá trước khi rút chạy, sau đó bàn giao lại cho chính quyền cách mạng (như hãng Vimytex, Vinatexco, kho xăng Esso, Shell, Caltex, nhà máy điện, nhà máy nước, những cơ sở hạ tầng kinh tế...).

Hầu như toàn bộ những cơ sở kinh tế lớn ở nội thành đều được nhân dân nổi dậy chiếm giữ và giao lại cho cách mạng.

Sáng 30/4/1975, khi các mũi đột kích thọc sâu của các binh đoàn chủ lực đánh vào các mục tiêu chủ yếu, then chốt trong nội đô, lập tức hơn 400 cuộc nổi dậy của hàng chục nghìn quần chúng nhân dân từ quận 1 đến quận 11, được mạng lưới tổ chức cơ sở Đảng, Đoàn, tổ đội võ trang công tác, dân quân tự vệ, biệt động thành phát động, đã nổi dậy truy quét ác ôn, kêu gọi binh sĩ đầu hàng, bao vây công sở, giải tán phòng vệ dân sự.

Nhân dân thành phố đã góp phần rất lớn làm tan rã hoàn toàn 40 vạn quân từ các hướng thua trận tháo chạy dồn về Sài Gòn và 20 vạn quân ở các nơi thuộc ngoại thành.

Nhân dân đã tham gia đắc lực vào việc gìn giữ trật tự trong thành phố với gần 4 triệu người khi chính quyền cách mạng chưa kịp tổ chức, khi mà bất kỳ lúc nào ở đâu bọn người lợi dụng "đục nước, béo cò" đều có thể có cơ hội đập phá nhà công, cướp bóc nhà tư, trả thù, trả oán cá nhân hay tuyệt vọng làm càn. 

Dưới sức mạnh của nhân dân, thành phố vẫn bình yên, nguyên vẹn sau một chiến dịch lớn, mọi sinh hoạt của người dân vẫn bình thường, cuộc sống dần dần ổn định.

6. Vai trò của tổng thống Dương Văn Minh và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng xã hội cũ

Đối với đại tướng Dương Văn Minh, dù chỉ giữ cương vị tổng thống "Việt Nam cộng hòa" trong thời gian qua ngắn ngủi, vỏn vẹn có 3 ngày (từ 28/4 đến 30/4/1975) nhưng ông được xem là có công lớn góp phần làm cho Thành phố Sài Gòn không bị tàn phá bằng cách kêu gọi binh sĩ quân lực Việt Nam cộng hòa ngừng bắn và đầu hàng vô điều kiện thể theo yêu cầu của quân giải phóng miền Nam khi quân giải phóng tấn công vào thành phố ngày 30/4/1975 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tại sao Sài Gòn không bị tàn phá, đổ nát trong những ngày tháng 4 năm 1975? ảnh 8

Quân đoàn 1 hành quân thần tốc tiến công địch trên hướng Bắc Sài Gòn

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Trung úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ Giải phóng trên tầng thượng Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn. 

Cùng thời gian trên, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 và biệt động thành Sài Gòn tiến vào Dinh Độc Lập bắt tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các Sài Gòn.

Ngay sau đó, Dương Văn Minh được áp giải đến trụ sở đài phát thanh và buộc phải tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn: 

"Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam" (3).

Tiếp đó, đại diện các đơn vị Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập, tuyên bố:

"... Chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tổng thống chính quyền Sài Gòn... Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng".

Ngày nay, nhìn kỹ lại diễn biến các sự kiện, việc tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông quyết định "không kháng cự", sau đó tuyên bố "đầu hàng không điều kiện" là hành động thức thời, tránh cho nhân dân và binh sĩ của cả hai bên không bị đổ máu thêm vô ích, tài sản quốc gia không bị hủy hoại, góp phần kết thúc sớm chiến tranh. Đó là một nghĩa cử đáng quý và ghi nhận.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một lần trao đổi với phóng viên Tuần báo Quốc tế (Bộ Ngoại giao) nhân kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước (ngày 30/4/2005) đã nói:

"Về đối nội, theo tôi đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện đang ở trong nước hay ở bên ngoài. 

Bản thân tôi, cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ, không thể không nói đến vai trò của nội các Dương Văn Minh và các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ
" (4).

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giải thích:

"Đại tướng Dương Văn Minh nhậm chức ngày 28/4/1975, ngày mà một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn. 

Nếu ông Minh để cho các tướng dưới quyền ông "tử thủ", chúng ta vẫn chiến thắng, nhưng Sài Gòn khó mà nguyên vẹn, và còn biết bao sinh mạng và tài sản của người dân mình nữa... 

Phải ở chiến trường, và vào đúng giờ phút ấy, mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này
" (5).

Như vậy, từ các nguyên nhân đã phân tích trên, chúng ta thấy thành phố Sài Gòn vẫn bình yên, nguyên vẹn, không bị tàn phá, đổ nát trong khói lửa chiến tranh của những ngày tháng 4/1975. 

Đây là nét độc đáo đặc sắc của lịch sử cách mạng Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

(1). Văn Tiến Dũng, "Đại thắng mùa Xuân", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội -1976, trang 220 - 221.
(2). Sách đã dẫn, trang 221, 222.
(3). "Đại thắng mùa Xuân 1975 - chiến thắng của sức mạnh Việt Nam", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005, trang 250.
(4), (5). "Võ Văn Kiệt - vị Thủ tướng trọn đời vì dân", Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội - 2008, trang 47.

Đại tá Đặng Việt Thủy