Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt

17/07/2016 06:45
Lê Quý Nhi
(GDVN) - Khát vọng độc lập, tự do là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình dựng nước, giữ nước; là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng đất nước trong thời đại ngày nay!

LTS: Nhân kỉ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ, cứu nước (17/7/1996-17/7/2016), Tòa soạn trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết của Trung tá, TS. Lê Quý Nhi – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nói về truyền thống và những giá trị lịch sử Độc lập, tự do của dân tộc. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Kể từ thời Hùng Vương dựng nước, dân tộc Việt Nam đã có truyền thống đoàn kết cộng đồng, tình nghĩa xóm làng sâu nặng; ý thức sâu sắc về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ; luôn khát vọng tự do, độc lập và không chịu khuất phục trước sự xâm lược của kẻ thù.

Mỗi khi dân tộc bị đe dọa xâm lăng, và đất nước bị ngoại bang xâm chiếm thì khát vọng đó càng cháy bỏng.

Khát vọng độc lập dân tộc cuộn trào trong mỗi người!

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khát vọng độc lập luôn luôn gắn liền ý chí thống nhất toàn vẹn của quốc gia. Từ kỷ nguyên dựng nước mấy nghìn năm trước đã diễn ra sự hợp nhất, giữa Văn Lang và Âu Việt thống nhất thành quốc gia Âu Lạc. 

Độc lập, tự do bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam.

Trải qua thời kỳ Bắc thuộc, rồi thời đại phong kiến độc lập từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX đất nước đã diễn ra sự cát cứ, chia cắt lãnh thổ, đô hộ ngoại xâm,... Từ thuở vua Hùng dựng nước đến Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... vận nước “bao phen chùn ngựa đá”; người dân như cây tre gặp bão nghiêng mình chùn xuống nhưng bão qua, nó lại vươn lên mạnh mẽ. 

Xu thế khách quan độc lập và thống nhất vẫn là xu thế khách quan của lịch sử dân tộc! 

Nhân dân chào đón Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh Tư liệu trên congly.com.vn
Nhân dân chào đón Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Ảnh Tư liệu trên congly.com.vn

Như GS Sử học Hà Văn Tấn đã mô tả khát vọng độc lập – tự do kết tinh bằng hình tượng hào khí Đông A chống quân xâm lược Mông – Nguyên, như con “lật đật” cứ bị địch đánh ngã lại đứng ngay dậy.

Hồ Chí Minh sau này đã đúc rút trong câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cho dân tộc.

Dưới thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang nhằm đánh đuổi bọn thực dân đã nổ ra.

Lớp trước ngã đã có lớp sau, tinh thần đấu tranh chống bọn thực dân, phong kiến đô hộ cuộn trào mạnh mẽ trong mỗi người dân yêu nước, biến thành hành động: Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất độc lập, mất tự do dân tộc!

Khát khao độc lập, hòa bình; mỗi người dân đã cầm vũ khí để tự vệ, chống trả, đánh đuổi kẻ thù xâm lược. 

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với một tinh thần nhân ái bao la: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo giành thắng lợi hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc chống Pháp và chống Mỹ.

Trong giai đoạn trước cách mạng tháng 8/1945, Người đã tiên liệu: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải dành cho được độc lập dân tộc”.
 
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập”

Độc lập, tự do - khát vọng ngàn đời của người dân đất Việt ảnh 2

Âm vang lời kêu gọi bầu cử của Bác

(GDVN) - Bác Hồ nhấn mạnh, bộ máy nhà nước phải đòi hỏi những người có tài, có đức để gánh vác việc nước đặc biệt là phải vì dân.

Người khẳng định: Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. 

Thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”

Để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã thực sự là động lực tinh thần to lớn thôi thúc lớp lớp thế hệ người Việt Nam lên đường chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”!

Bước sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam với sự chi viện của miền Bắc đã kiên cường đấu tranh. 

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vẫn còn nguyên giá trị

Trong lời kêu gọi cả nước chống Mỹ cứu nước ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý chí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.  

Trong lời hịch non sông ấy có câu: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước trở thành một trong những lời hiệu triệu của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, thôi thúc hàng triệu con tim, khối óc đồng bào, chiến sĩ hăng hái lên đường đánh giặc. 

Đây là tư tưởng lớn mang tầm vóc thời đại, kế thừa truyền thống ông cha và có sự vận dụng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh cách đây đã 50 năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị, và tính thời sự cho đến ngày nay.

Nhân chuyến thăm Đại đoàn 308, Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giữ là giữ lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, giữ lấy “cây độc lập”, “trái tự do” đã tốn biết bao máu xương của các chiến sĩ đi trước. 

Trong thời đại của Người, khát vọng độc lập, tự do đã trở thành lý luận, mang tầm vóc của dân tộc và thời đại sâu sắc. Mùa xuân Kỷ Dậu, năm 1969, Người sáng tác bài thơ chúc Tết cuối cùng: 

“Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.


Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vẻ vang thể hiện khát vọng, ý chí đó của dân tộc.

Đó là thắng lợi của toàn dân tộc Việt Nam, từ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, từ sức sống bền vững và trí tuệ, sáng tạo của dân tộc Việt Nam. 

Bất kỳ một thế lực xâm lược nào xâm phạm đến ý chí và truyền thống đó của dân tộc Việt Nam đều phải chuốc lấy thất bại.

Nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân với quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập. Dân tộc ta hoàn toàn tự do. Người dân làm chủ cuộc đời mình. Khát vọng cháy bỏng của Bác kính yêu đã thành hiện thực!

Cho đến ngày nay, giá trị của độc lập - tự do vẫn nguyên vẹn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thúc đẩy Việt Nam lên tầm cao mới là xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Độc lập - tự do chứa đựng chân lý nhân loại; thể hiện ý chí, tầm cao tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; truyền thống, khát vọng của dân tộc Việt Nam; mãi mãi trường tồn trong hành trình lịch sử của dân tộc.

Đúng như Nhà thơ Rô-mét Chan-đra, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đã viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.

Nhìn lại 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, ngày 17/7/1966, chúng ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới nhưng không kém phần cam go, thử thách.

Trong tình hình khu vực, quốc tế diễn biến phức tạp và nhiều biến động,  tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Bác và Đảng đã lựa chọn: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là sự lựa chọn đúng đắn hàng đầu.

Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử độc lập - tự do dân tộc, mỗi người đất Việt nên ra sức xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh; quyết tâm giữ vững hòa bình; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, biển đảo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu!

Lê Quý Nhi