38 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2013), bản hùng ca về những con người, những chiến dịch huyền thoại… vẫn ngân vang cùng bài ca đất nước. Để tạo nên chiến thắng ấy là một tư tưởng chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta khi thời cơ đến trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.
Khi thời cơ xuất hiện thì yêu cầu thần tốc trở thành một nội dung quan trọng mang tính cấp thiết trong phương châm chỉ đạo chiến lược, cũng như trong hành động quân sự của các lực lượng vũ trang.
Thần tốc và táo bạo luôn gây cho địch những bất ngờ lớn, đồng thời đánh bất ngờ thường đem lại thắng lợi mau lẹ. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, dân tộc ta thường phải chiến đấu với những kẻ thù xâm lược mạnh hơn, đông quân và tàn bạo thì việc vận dụng lối đánh bất ngờ là hết sức cần thiết.
Bản đồ tái hiện chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. |
Phương châm tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng không chỉ là bài học sâu sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định, mà còn chứng tỏ tài năng quân sự độc đáo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, của các Bộ tư lệnh chiến dịch và sự nỗ lực phi thường của quân và dân ta trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 14/4/1975 Bộ chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phương án chiến dịch được thông qua lần cuối.
Với khí thế hào hùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và thời cơ “một ngày bằng 20 năm”, chỉ trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã giành được toàn thắng bằng ba chiến dịch then chốt: Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Ðà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh.
11h30’ ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh. Ðại tá Bùi Quang Thận, người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 từng chia sẻ trên báo chí: "Sự kiện cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập của tôi lịch sử đã ghi nhận. Giây phút ấy thật khó quên trong cuộc đời. Đây là hành động tất yếu của người chiến sĩ ở thời khắc lịch sử thiêng liêng. Bất kỳ ai thời điểm ấy cũng không thể làm khác. Việc làm đó trước hết thuộc về lịch sử dân tộc".
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, riêng quân dân Sài Gòn - Gia Định đã diệt và làm tan rã 31.000 tên địch, bắt sống 12.619 tù binh, chiếm 9 căn cứ quân sự, 5 chi khu, 21 phân chi khu và trụ sở tề... thu 12.275 súng và gần như toàn bộ hồ sơ các cơ quan từ Phủ tổng thống trở xuống. Số ngụy quân lần lượt ra trình diện là 40 vạn và số công an cảnh sát là 10 vạn.
Không thể nào ghi lại được đầy đủ chiến công và sự hy sinh của toàn thể dân, quân, cán bộ, đảng viên Sài Gòn - Gia Định, những “chiến sĩ anh hùng cách mạng”. Máu của họ thấm đẫm trên mọi góc phố, cửa ô, mọi nẻo đường, làng xóm, vườn tược. Khôn thể nào nhắc lại được đầy đủ lịch sử các địa danh Vườn Thơm, Láng Le, Bàn Cờ, Bình Mỹ, Khu 5 Hóc Môn, Rừng Sác, Bưng Sáu Xã, Tám Giác Sắt, Củ Chi... những mảnh đất mà tên gọi và sự tích chắc chắn sẽ lưu lại mãi mãi trong lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
Xe tăng và bộ binh ta đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu. |
17 giờ ngày 30/4/1975, tiếng súng đã thực sự chấm dứt ở "thủ đô" ngụy quyền, trừ một số mục tiêu quân sự. Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc trong cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Một cuộc chiến tranh "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ hai mươi, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế và có tính thời sự sâu sắc” (Trích: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần IV).