LTS: Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo tăng mức xử phạt vi phạm giao thông (có thể lên tới 10 lần) là không phù hợp với thực tế, điều kiện sống của người dân...
Trong khi đó, các ý kiến khác đề nghị tăng mức xử phạt nghiêm khắc, nhằm đảm bảo tính răn đe.
Để làm rõ vấn đề này, hôm 18/9, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải).
PV: Thưa ông, dự thảo tăng mức xử phạt vi phạm giao thông dựa trên những cơ sở nào?
Ông Nguyễn Văn Thạch: Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị định 171/2013/ND-CP về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Qua đó, cơ quan có thẩm quyền nhận thấy rằng, nhiều
Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông do Bộ Giao thông chủ trì soạn thảo để trình Chính phủ (hôm 10/9). Theo Dự thảo, người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng (tăng gấp 10 lần hiện nay). Người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước… Phạt tiền gấp đôi mức cũ nếu xe chở quá tải trên 150%, chủ phương tiện cá nhân vi phạm phạt từ 28-32 triệu đồng... |
hành vi vi phạm giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý, tài sản gia đình nạn nhân và xã hội.
Trong khi đó mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông theo Nghị định 171 chưa đảm bảo tính răn đe…
Do vậy, trên cơ sở các kiến nghị của các cơ quan liên quan, các địa phương, về việc tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông, chúng tôi đã xây dựng nên dự thảo này.
Có ý kiến cho rằng, lực lượng thực thi pháp luật chưa nghiêm, tăng mức phạt vi phạm giao thông sẽ khó đạt kỳ vọng. Ông bình luận gì về quan điểm này?
Ông Nguyễn Văn Thạch: Theo thống kê, có đến hơn 70% số vụ tai nạn giao thông xuất phát từ ý thức kém của người điều khiển phương tiện.
Do đó, việc quy trách nhiệm cho lực lượng thực thi pháp luật, còn tình trạng xử lý chưa nghiêm, hoặc làm luật "cưa đôi" mức phạt, trong trường hợp này chỉ đúng một phần.
Điều quan trọng là pháp luật phải đủ mạnh, tạo ra sự răn đe, mới hạn chế được các hành vi vi phạm.
Công an Thanh Hóa từng áp dụng thử biện pháp dùng lưới vây bắt "quái xế" (ảnh: Dân trí). |
Nếu các anh có dịp đi lại nhiều lần trên các tuyến đường cao tốc thì thấy rõ, ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của người dân rất kém...
Do đó, ngay cả khi số tiền phạt cao hơn giá trị phương tiện, mà hiệu quả, tính răn đe cao, tôi cho rằng vẫn tốt.
Như vậy, cần có cơ chế giám sát lực lượng thực thi nhiệm vụ, tránh trường hợp có thỏa thuận ngầm “cưa đôi” tiền phạt của người vi phạm giao thông với cảnh sát?
Ông Nguyễn Văn Thạch: Nếu để lực lượng thực thi nhiệm vụ mà không có sự giám sát, có thể này sinh tiêu cực.
Do đó, trong dự thảo đề xuất, chúng tôi đã đề xuất tăng cường áp dụng biện pháp giám sát bằng công nghệ (camera), thông tin, nhằm tránh xuất hiện tiêu cực trong quá trình xử lý.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát, xử phạt. Hệ thống camera được gắn tại các tuyến đường cao tốc, các Quốc lộ mới được nâng cấp (Quốc lộ 1, Quốc lộ 14…).
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ giao thông vận tải). Ảnh: Báo Người đưa tin. |
Quan điểm của chúng tôi cho rằng, càng công khai minh bạch, giảm sự can thiệp của con người trong các khâu phát hiện, xử phạt, thì hiện tượng vi phạm, tiêu cực sẽ giảm.
Về lâu dài, việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là giải pháp bền vững nhất, hạn chế vi phạm giao thông.
Còn điều gì phân vân về dự thảo này, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Thạch: Hiện nay, xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều xung quanh dư thảo xử phạt vi phạm giao thông.
Có ý kiến cho rằng, việc tăng mức phạt phải phù hợp với
thu nhập của người dân, không thể tăng cao như vậy.
Ý kiến khác cho rằng, cần tăng mức xử phạt nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.
Với tư cách là cơ quan giúp Bộ Giao thông vận tải chủ trì, soạn thảo Nghị định, chúng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu cả hai luồng ý kiến này.
Hiện nay, đơn vị đang tổ chức các hội thảo ở 3 miền, có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đồng thời gửi văn bản xin ý kiến các địa phương, các đơn vị có liên quan xung quanh dự thảo này.
Các ý kiến này sẽ được tổng hợp, phân tích, sau đó đưa ra phương án xử lý phù hợp nhất.
Chúng tôi rất kỳ vọng vấn đề trật tự an toàn giao thông sẽ được cải thiện nếu dự thảo lần này được thông qua và áp dụng trên thực tế.