Từ ngày tham nhũng trở thành quốc nạn người ta bắt đầu tính toán, thống kê xem thử có bao nhiêu loại hình tham nhũng đang hoành hành phá hoại đất nước, một trong những loại đã được chỉ mặt đặt tên là “tham nhũng chính sách”, “tham nhũng vặt”, “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng chính trị”, “tham nhũng hành chính”…
Trước cổng trường tôi học ngày xưa có đôi vợ chồng bán cà phê cóc, quán xá đơn giản, cà phê, trà pha sẵn vào chai nhựa, một cốc cà phê, một chiếc ghế con là có thể tha hồ tám chuyện.
Hết lần này đến lần nọ trật tự đô thị quét qua nhưng chẳng hiểu sao cái quán cà phê thần thánh ấy vẫn tồn tại và phục vụ nhiều thế hệ sinh viên. Thì ra bà chủ quán có đứa cháu làm ở công an phường.
Lãnh đạo Hà Nội quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè. Ảnh: Trần Việt/ Giaoduc.net.vn |
Và có lẽ, từ cuộc chiến giành lại vỉa hè này khái niệm các loại hình tham nhũng phải bổ sung thêm một thuật ngữ mới: “tham nhũng vỉa hè”. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội – Nguyễn Đức Chung đã nói như sau:
“Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa vè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau…
Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không?
Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi”[1].
Cụm từ “đứng đằng sau” mà Chủ tịch Chung nói đến ở đây có thể coi là hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn bao che cho hành vi phạm pháp hòng trục lợi.
Bởi tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi.
Tên gọi có thể khác nhau nhưng bản chất y chang nhau, mẫu số chung của nó là “vĩ công di tư” chiếm dụng của công thành của riêng, dù ẩn náu dưới cái vỏ nào đi nữa thì điểm cuối cùng của tham nhũng vẫn là thu vén lợi ích về mặt vật chất.
Những loại tham nhũng nghe “sang trọng” như “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng chính sách” suy cho cùng vẫn là tạo ra “lối đi riêng”, “lối đi tắt” để tận thu được càng nhiều bổng lộc càng tốt.
“Tham nhũng vỉa hè” dứt khoát không phải là dạng vừa nên thật sai lầm nếu coi đó là “tham nhũng vặt”.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, “kinh tế vỉa hè” hay nền kinh tế phi chính thức có thể tạo ra việc làm cho 30% dân số, và là một nguồn cung ứng thực phẩm quan trọng [2].
Các chuyên gia quốc tế đánh giá khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra ít nhất 20% GDP và số lao động phi chính thức đã tham gia tích cực trong nền kinh tế quốc gia[3].
Tức là giá trị của lĩnh vực kinh tế này ở Việt Nam hiện tại khoảng 20 tỷ USD, một số tiền không hề nhỏ! Đủ sức vực dậy một nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Đây là câu chuyện thuộc lĩnh vực kinh tế vĩ mô nhưng qua đó để thấy rằng lợi lộc từ “tham nhũng vỉa hè” không hề thua kém các đại án mà dư luận được biết.
Có điều hoạt động của loại hình tham nhũng này cũng mang lại lợi ích cho 30% dân số nên nó vững vàng tồn tại đến ngày nay.
Việc dọn dẹp vỉa hè, chỉnh trang đô thị phải chấp nhận hy sinh món lợi kinh tế và hàng chục ngàn việc làm cho lao động phổ thông.
Bài toán về nhân sinh buộc phải tính tới, bởi không ít gia đình sống nhờ vào gánh hàng rong, bát phở gõ.
Cư dân yêu chuộng văn minh đô thị mất đi cái tiện lợi vốn có hàng ngày đổi lại “tham nhũng vỉa hè” cơ bản bị cắt cụt vòi.
Người ta ngang nhiên xí phần chia chác vỉa hè và cho thuê lại để kinh doanh hoặc đưa người nhà vào các bãi trông giữ xe, thu tô các điểm kinh doanh trên vỉa hè.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố “cởi áo từ quan” nếu không đòi lại được vỉa hè.
Chủ tịch Hà Nội thì:
“Nếu lần này không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, tôi sẽ chỉ đích danh chỗ nào là của Bí thư quận, chỗ nào của Chủ tịch quận, chỗ nào có trưởng công an phường và kể cả lãnh đạo sở cũng có người nhà liên quan…
Tôi đã có điều tra rất kỹ, 87% các quán đều có công an đứng sau. Tôi xin nói ở đây không phải chỉ có công an thành phố mà có cả các cục nghiệp vụ của Bộ”[4].
Như vậy là quá rõ, ông Chung biết rõ mồn một vỉa hè đang nằm trong tay ai và lời phát biểu này không khác mấy với tối hậu thư gửi đến những chủ nhân đó.
Nếu sau này nhiều nơi ở Việt Nam có trở thành “Singapore thu nhỏ” công đầu phải thuộc về ông Đoàn Ngọc Hải.
Vì nhờ ông Hải mà dân chúng biết được ai đang chiếm dụng vỉa hè, ai đang sử dụng tài sản quốc gia để vun vén lợi ích cá nhân, không phải đến khi cuộc chiến vỉa hè rầm rộ ông Chung mới biết ai đánh cắp vỉa hè Hà Nội mà ông biết từ thời làm Giám đốc Công an thành phố, “ông đã điều tra”.
Xem ra cuộc chiến giành lại vỉa hè đường phố Hà Nội không hề đơn giản chút nào, những địa chỉ mà ông Chung nhắc tới đều “tai to mặt lớn”, cấp quận, huyện chưa chắc làm nổi và một mình ông Chủ tịch cũng không thể gánh vác hết.
Chỉ mong rằng đây không phải là phong trào sớm nở tối tàn.
Kinh nghiệm cha ông cho thấy, muốn thành công trên phương diện rộng cần phải hành động theo kiểu “thừa thắng xông lên” phát động thành những phong trào lan rộng tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội.
Trong những năm tháng chiến tranh, nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc luôn luôn được phát động thành phong trào như “gió đại phong”, “sóng duyên hải”, “ba đảm đang”, “ba sẵn sàng”… chống tham nhũng cũng vậy, không thể làm đơn lẻ.
Sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nơi nào chỉ ra vỉa hè đang nằm trong tay ai hay không?
Tài liệu tham khảo:
[3]http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/kinh-te-via-he-kinh-te-do-thi.html