Những ngày tháng Tư này, người dân Tây Nguyên đang phải oằn mình giữa cơn đại hạn. Hàng nghìn héc ta cà phê, hồ tiêu, lúa nước chết cháy.
Chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk đã có "42.364 ha cây trồng bị hạn, trong đó mất trắng 6.148 ha, cụ thể, lúa nước 6.148 ha (1.683 ha mất trắng); cà phê 32.914 ha (mất trắng 4.431 ha); hồ tiêu 2.051 ha và một số diện tích cây trồng khác. Tổng thiệt hại ước tính 1.312 tỷ đồng".[1]
Ai cũng hiểu, phải trả cái giá quá đắt như vậy là do chính chúng ta - con người - chứ không phải thiên nhiên gây ra.
Vậy mà, hôm nay người dân Đắk Lắk lại phải sững sờ khi nhận được tin "dữ": Người ta đang chuẩn bị phá rừng quốc gia Yok Đôn làm thủy điện.
Hơn 53 ha rừng khộp của Vườn Quốc gia Yok Đôn sắp bị một doanh nghiệp cưa đốn để chuyển đổi mục đích làm thủy điện.
Cái dự án "phá rừng" khoác áo thủy điện ấy được rào chắn bằng những lí do rất mùi mẫn rằng rừng nghèo và đa dạng sinh học thấp, không tác động nhiều đến Vườn Quốc gia Yok Đôn, rằng là quy hoạch đã được các bộ, ngành Trung ương chọn phương án tối ưu…[2]
Người dân Tây Nguyên đang phải oằn mình giữa cơn đại hạn (Ảnh: vnexpress.net) |
Chao ôi, nơi sẽ xây đập thủy điện Đrăng Phốk với công suất 28MW là rừng đặc dụng với những cây bằng lăng cổ thụ hai ba người ôm không xuể tại tiểu khu 430, 431 và 451 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Yok Đôn lại được cả bên A lẫn bên B cùng cất lên bản "hòa tấu" là rừng nghèo và đa dạng sinh học thấp ư?
Còn tác động của nó đối với môi trường, hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Yok Đôn?
Câu trả lời đã có khi sông Sêrêpốk những ngày này đang cạn nước đến trơ đáy, phơi ra những bãi đá lởm chởm giữa lòng sông. Hình ảnh này du khách vẫn bắt gặp hằng năm khi đến tham quan du lịch Bản Đôn.
Mùa lễ hội năm nay, huyện Buôn Đôn đã phải "xin" nước thủy điện để mấy chú voi có thể đầm mình lằn lưng cõng khách vượt sông.[3]
Nhìn xa hơn một chút, phía cực Nam của Tổ quốc, đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với trận hạn lịch sử trong vòng một trăm năm qua khiến những người nông dân Nam Bộ phải kêu lên đau xót "Chúng tôi kiệt sức rồi…" thì liệu có sự góp sức nào của những con đập thủy điện lớn nhỏ đang chặn dòng Sêrêpốk - một nhánh của sông mẹ Mê kông?
Mấy ngày trước, dư luận cũng đã nóng lên trước thông tin tỉnh Gia Lai đang tiến hành khảo sát thực tế để xây dựng thêm 2 công trình thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng.
Những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay ngày đầu nhậm chức(GDVN) - Thủ tướng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. |
Lại "tấn công" rừng đặc dụng bằng những "bài ca" quen thuộc. Nào là huyện nghèo rất cần được các doanh nghiệp đầu tư, nào là làm thủy điện thì cái được nhiều hơn mất, doanh nghiệp sẽ đóng thuế cho địa phương hàng tỉ đồng, …[4]
Bài học đau đớn bởi công trình “sai lầm thế kỷ” của thủy điện An Khê- Kanak, tỉnh Bình Định vừa được đại biểu Quốc hội phanh phui còn rất nóng hổi, vậy mà hình như vẫn chưa đủ "liều" để người ta tỉnh ngộ trước việc đua nhau xây thủy điện, phớt lờ tác động môi trường sinh thái để rồi người dân và các thế hệ con cháu phải oằn lưng gánh chịu.
Đọc những con số thống kê sau đây mà thấy choáng: "Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 287 dự án thủy điện với tổng công suất gần 7.000 MW, trong đó 244 dự án thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ với gần 1.500 MW.
Đến thời điểm này, mặc dù mới chỉ có 163 dự án thủy điện đã và đang được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhưng đã khiến cho gần 25.300 hộ dân bị ảnh hưởng (hơn 5.600 hộ phải tái định cư); chiếm dụng trên 65.200 ha đất các loại (16.600 ha đất rừng).
Bình quân, mỗi MW thủy điện ở Tây Nguyên chiếm dụng gần 11 ha đất xây dựng và hơn 10 ha đất để bố trí tái định canh, định cư".[5]
Vậy là đã có 16.600 ha rừng biến mất và chừng ấy ha nữa cũng sẽ cùng chung số phận nếu thực hiện đủ 287 dự án nói trên, tức là sẽ có khoảng 30 ngàn ha rừng bị xóa sổ, mà đấy là rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng có ảnh hưởng quyết định đến môi trường sinh thái, đến nguồn nước của các con sông trong khu vực.
Nói về nạn tàn phá rừng, không thể không nhắc tới chuyện ở Đắk Nông từng gây sốc dư luận hồi tháng 4/2015: "Chỉ trong vài năm, UBND tỉnh đã ký hàng loạt quyết định cho các doanh nghiệp tư nhân thuê hàng chục nghìn hécta rừng tự nhiên. Không lâu sau, hàng nghìn hécta rừng cho thuê đã bị cạo trọc, đất đai bị lấn chiếm hầu hết…
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 tổ chức ngày 9.4 tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông - đã có một phát biểu gây sốc. Không xử lý được phá rừng là do... có cán bộ trong đó. Cán bộ có nhận đất, nhận rừng, buôn bán đất đai, có chỉ đạo “bật đèn xanh” cho phá rừng".[6] Thế đấy, chẳng thể bình luận gì được nữa.
Bốn mươi năm trước, Tây Nguyên bị bao phủ bởi bạt ngàn rừng nguyên sinh. Chạy xe suốt chiều dọc miền đất huyền thoại trên quốc lộ 14 hay các đường nhánh cắt ngang, người ta có cảm giác như đang lạc trong cái thiên la địa võng của đại ngàn bao la. Có những đoạn đường xe như luồn lách trong rừng rậm, mát lạnh, không thấy bóng mặt trời.
Vậy mà, 40 năm sau, cả một chiều dài hàng trăm cây số dọc hai bên đường Hồ Chí Minh mới nâng cấp mềm như dải lụa thì không thấy bóng dáng của rừng đâu. Xa tít tắp chân trời vẫn là những trang trại cao su, cà phê, hồ tiêu đang lay lắt, khô cháy trong cái nắng như đổ lửa dù chỉ mới chớm hè 2016.
“Đất bazan tả tơi
Nóng bỏng như bắp rang
Đất và người
Rũ mình trong cơn khát
Khô rát bờ môi”
Những câu thơ ấy như những mũi kim nhói lên trong tôi. Những ngày này Tây Nguyên chẳng khác gì cái chảo lửa. Mái nhà Đông Dương xưa xanh mát bởi đại ngàn bao phủ "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù".
BIDV hỗ trợ 23 tỷ đồng khắc phục hạn hán ngập mặn(GDVN) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã dành 23 tỷ đồng hỗ trợ cho 16 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. |
Còn bây giờ thì, nó như cái mái tôn trơ trọi nóng bỏng của những căn nhà ống nơi phố phường chật chội.
Sông Sêrêpốk. Ôi con sông mẹ của cao nguyên Đắk Lắk, vốn rất hùng vĩ giữa đại ngàn từ bao đời nay thì bây giờ hình hài của nó là đây:
“Bến Sêrêpốk
Nước sục đỏ ngầu
Bóng dáng đại ngàn
Còn đâu? trong cổ tích?
Chiếc áo rừng
Bươm rách
Những mảnh vá thời gian”
Còn đâu hệ sinh thái phong phú và đa dạng của dòng sông vốn đã đi vào huyền thoại. Nhìn khúc sông chảy qua khu du lịch văn hóa, sinh thái Buôn Đôn cạn trơ đáy, ngọn thác Bảy Nhánh biến mất, chiếc cầu treo cong vênh như cái vỏ đậu khổng lồ trên lòng sông lởm chởm những đá mà thấy nhói lòng.
Làm sao có thể tưởng tượng được rằng, một thế kỉ trước, dòng sông này là con đường giao thương quan trọng trong vùng. Người Lào, người Cao Miên thường đi thuyền ngược dòng sông để đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với vùng cao nguyên Đắk Lắk của Việt Nam. Bản Đôn từng là thương cảng sầm uất một thời.
Bây giờ, dòng Sêrêpôk trơ đáy. Lòng sông phơi mình giữa nắng cháy cao nguyên. Tôi nghe vọng tiếng của đại ngàn. Không! Là tiếng kêu thảm thiết, tuyệt vọng của núi rừng: "Con người, hãy dừng lại dù đã quá muộn!".
Tài liệu tham khảo:
[1] http://baodaklak.vn/channel/3481/201604/toan-tinh-co-168-ho-chua-can-kho-do-nang-han-2431121/
[2] http://dantri.com.vn/xa-hoi/lai-cho-pha-rung-quoc-gia-yok-don-lam-thuy-dien-20160413092502425.htm
[3] http://danviet.vn/van-hoa/song-can-tro-day-huyen-xin-nuoc-de-phuc-vu-hoi-voi-buon-don-664372.html
[5] http://www.baomoi.com/nhieu-bat-cap-sau-nhung-du-an-thuy-dien-o-gia-lai/c/11819524.epi
[6] http://laodong.com.vn/xa-hoi/can-bo-nha-nuoc-chi-dao-pha-rung-316874.bld