Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh điểm này khi cho ý kiến vào dự án Luật ban hành văn bản pháp luật sáng nay (15/4).
Lo lắng "rối hệ thống" khi xây dựng luật
Theo Đại biểu Trần Du Lịch, nếu luật cụ thể mà trật một hai nhịp thì có thể sửa được, nhưng luật này mà không đúng thì nó đưa tới cái lỗi hệ thống.
Ông Lịch đề cập sâu vào cách tiếp cận vấn đề khi làm luật: "Chúng ta phải xây dựng luật theo nguyên tắc bộ luật phải ưu tiên hơn luật chuyên ngành, nhưng chúng ta bây giờ luật chuyên ngành ngồi ở trên và dẫn đến rối loạn.
Một hệ thống mất gốc thì rối loạn, cho nên luật của chúng ta chưa kịp ban hành ra đã thấy không thi hành được, không phù hợp và rối loạn".
Như thường lệ, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch lại có một phát biểu đầy tâm huyết. ảnh: Ngọc Quang. |
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, khi thảo luận về dự luật này, Đại biểu Trần Du Lịch đã ủng hộ phải sửa luật, vì duy trì quá lâu một nhận thức là quy phạm pháp luật gồm từ sản phẩm Quốc hội xuống xã đều phải mang tính quy phạm pháp luật.
Đó là lối tư duy, nhận thức không còn phù hợp.
Và ngày hôm nay, Đại biểu Lịch ví von: "Làm luật đến ngày hôm nay, xây dựng kiểu này là lấy cái IC của Liên Xô đem về, thấy cái máy của Nhật tốt bỏ vô, thấy đường truyền dẫn của Đức tốt bỏ vô thành cái xe Made in Việt Nam không chạy được, vì không đúng hệ thống.
Chúng ta đã nói Tòa tối cao không phân quyền nhưng phân công và đứng đầu lập pháp của Quốc hội. Thế thì cơ sở gì nói rằng Nghị quyết của Tòa án Tối cao thấp hơn quyết định của Thủ tướng.
Hai cái này nó ngang như nhau, một bên là hệ thống tư pháp còn một bên là hành pháp.
Tôi nói là chúng ta lấy chim Sơn Ca so sánh với chim Bồ Câu con nào lớn con nào nhỏ. Không phải! Sơn Ca là Sơn Ca. Bồ Câu là Bồ Câu. Không so sánh như vậy được. Chúng ta rối loạn".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Thường vụ bàn những chuyện này rất căng thẳng và chưa chốt đâu. Thường vụ xin ý kiến của hội nghị chuyên trách, trước khi trình ra Quốc hội mới chốt.
Mong các đồng chí thảo luận rất cẩn thận. Chúng ta càng có nhiều ý kiến thẳng thắn càng tốt”.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhận định, hiện nay nguyên tắc áp dụng pháp luật của chúng ta quả thực hơi rối loạn.
"Nguyên tắc theo thời gian, thẩm quyền ban hành, nguyên tắc giữa luật chung và luật riêng, nguyên tắc giữa luật chuyên ngành này và các luật khác… đang rất hỗn độn.
Hiện nay trong các quy định pháp luật của Việt Nam, trong trường hợp giữa luật chung và luật riêng thì không biết áp dụng luật chung hay luật riêng, và không biết áp dụng theo nguyên tắc thời gian hay theo nguyên tắc cơ quan có thẩm quyền ban hành", ông Quyền nêu thí dụ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Quyền cũng bày tỏ băn khoăn về văn bản hướng dẫn thi hành, vì quy định thêm thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước, quy định thêm nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức phải chấp hành rất nhiều.
Còn văn bản cơ quan hành pháp đề ra các biện pháp để tổ chức thực hiện luật và thực hiện quyền hành pháp. Đây là loại văn bản cũng rất khó giám sát.
Ông Quyền bày tỏ: "Tôi đề nghị những thẩm quyền này phải quy định rạch ròi, rất cụ thể, hướng dẫn là hướng dẫn những cái gì. Nếu không thì luật của chúng ta rất xa vời.
Tôi cũng đề nghị là đã đến lúc không giao cho các bộ, ngành ban hành văn bản quy định cụ thể. Quy định cụ thể chỉ duy nhất Chính phủ thôi. Nếu vẫn còn giao cho các bộ ngành quy định cụ thể thì đó là một nguy cơ không khắc phục được tình hình hiện tại.
Các bộ ngành chỉ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thực hiện luật, hướng dẫn thực hiện pháp luật trên phạm vi toàn quốc".
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang. |
Tranh luận quyết liệt về thẩm quyền của huyện, xã
Trong báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật ban hành văn bản pháp luật có nêu rõ về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương:
Có ý kiến đề nghị giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Có ý kiến đề nghị chỉ giao cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Một số ý kiến khác đề nghị không giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho chính quyền cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhưng phải xác định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản.
Đồng thời, quy định chặt chẽ quy trình ban hành nhằm khắc phục hạn chế hiện nay là cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản nhưng nội dung lại ít chứa quy định mới, hiệu lực, hiệu quả không cao.
Theo đó, dự thảo quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết; Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề mà luật, nghị quyết của Quốc hội giao.
Hơn nữa, qua khảo sát thực tế cho thấy, mặc dù Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 giao cho cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật loại này chỉ sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên...
Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.
Về vấn đề này, Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Chúng ta lấy cơ sở gì để nói huyện, xã không được ban hành văn bản? Cơ sở phải có cái quyền tự quản của cơ sở chứ. Xin lỗi, ông bà ta nói là lệ làng đấy, nó có giá trị và người ta theo. Tự nhiên chúng ta triệt tiêu năng lực của cơ sở đi.
Tôi nói một số vấn đề này để thấy rằng chúng ta làm thế này là không giải quyết được vấn đề mà sẽ tiếp tục rối nữa và chúng ta tiếp tục phải sửa”.
Cuối cùng, Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, nếu như không thể đổi mới phương pháp tiếp cận để xây dựng lại hệ thống thì không vội vàng sửa luật, mà tạm thời dùng hệ thống luật đang có, vì sửa như hiện nay thì vẫn rối loạn hệ thống.
"Xin thưa, tôi hết nhiệm này là nghỉ rồi. Tôi nói đầy tâm huyết, đây là những vấn đề tôi đã nói từ năm 1995 và nói liên tục.
Tôi tin rằng cách tiếp cận vấn đề hiện nay phải khác, xây dựng hệ thống pháp luật có kế thừa của nhau, nhưng phải dựa trên một cái nền, chứ còn cứ thế này là chúng ta rối loạn", Đại biểu Lịch bày tỏ.
Đồng quan điểm với Đại biểu Lịch, Đại biểu Đồng Hữu Mạo (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho rằng, lý lẽ của bản giải trình bỏ thẩm quyền ban hành văn bản của cấp xã không thuyết phục.
Ông Mạo nêu quan điểm: "Trong thực tế có xã ban hành trái với cấp trên, nhưng không vì thế không đồng tình trao quyền.
Hội đồng nhân dân xã hình thành trên cơ sở quyền của người dân, nhân dân làm chủ, có vấn đề Hội đồng nhân dân ban hành không sát thì họ có thể họp lại, làm không trái pháp luật.
Nếu bỏ chức năng này thì mai mốt họ muốn đưa ra một số nghị quyết để thống nhất, phù hợp với địa phương và không trái luật mà không có cơ chế này thì làm thế nào.
Ví dụ nông thôn mới có những cái chưa sát với một số cơ sở, họ bàn về con đường, lề đường, trồng cây hai bên lề đường, bảo vệ thế nào, hàng rào trước cửa nhà có xây bên tông không?
Làm mọi thứ ở nông thôn thì cấp trên không thể bàn cụ thể được. Không có Hội đồng nhân dân thì ai đưa ra cái đó ở địa phương?".