Trở về sau 3 năm tù oan ở Bắc Giang:Bố chết, vợ bỏ theo bồ, con từ mặt

11/11/2013 08:55
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Từng là một nghệ nhân cây cảnh "đắt khách" ở Hà Nội với cuộc sống dư giả tiền tỷ trong tay, gia đình hạnh phúc ấm êm. Sau gần 3 năm ngồi tù oan ở Bắc Giang trở về thì bố chết, vợ bỏ đi theo bồ, con cái từ mặt và oan nhân đó giờ phải đi ở trọ, làm thuê kiếm sống qua ngày.
Ông Dương Phúc Thịnh (trái), 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 23-7-2008.
Ông Dương Phúc Thịnh (trái), 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 23-7-2008.

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin trong bài trước, cùng thời gian truy tố, tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn “dính” tới vụ bê bối khác khi truy tố oan cho 8 công dân mà những người này sau đó cũng đã lên tiếng tố cáo họ đã bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.

8 công dân ấy bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003.

Bị bắt mà không biết mình đã làm gì?

Gặp ông Dương Phúc Thịnh (SN 1959), một trong số 8 người đã từng bị án oan trong vụ trộm cổ vật ở Bắc Giang khi ông đang đi tỉa thuê cây cảnh tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông Thịnh trước kia từng là một nghệ nhân cây cảnh “đắt khách” của đất Hà Thành, có tiền tỷ trong tay. Cuộc sống gia đình đang khá giả, ấm êm hạnh phúc thì cơn tai ương nghiệt ngã đã giáng xuống đầu ông khiến cuộc đời ông tan nát.

Tâm sự với phóng viên, ông rít thuốc lá liên tục, có lẽ để bình tĩnh hơn nghĩ đến những ngày tháng ông bị người ta đẩy vào vòng lao lý đầy đớn đau, nhục nhã.  

Theo như lời ông Thịnh, vào khoảng đầu năm 2004, ông đang làm cây cảnh ở Hà Nội thì bị công an Bắc Giang đưa đi vì tình nghi ông có liên quan đến vụ trộm cắp tượng, cổ vật. Sau 4 ngày ở trên công an Bắc giang, ông được công an cho về Hà Nội và bắt đầu đọc lệnh bắt giữ ông tại nhà. Ông nói với PV: “Nghĩ lại thấy vừa sợ lại vừa buồn cười, mình là một nghệ nhân, bao năm làm ăn đàng hoàng chân chính, chẳng biết vì lí do gì lại bị bắt vì tội trộm cắp tượng, cổ vật ở các đình chùa, đều là những thứ thiêng liêng, đúng là tội tày đình, nỗi nhục muôn đời”

Khi bị giam ở trại Kế - Bắc Giang (cùng chỗ ông Chấn bị giam), người nhà ông không được vào thăm và tiếp tế vì công an thông báo, ông là tội phạm đặc biệt và bị cách ly. Sau vài tháng ông bị bắt, bố đẻ ông Thịnh là ông Dương Phúc Sang (khi đó 67 tuổi) đã qua đời vì quá uất ức trước sự việc oan ức người con trai.

Ông tâm sự: “Bố chú nghĩ về chú bị bắt oan ức quá, ông làm đơn làm từ để gửi đi các nơi nhưng do tuổi già, nghĩ ngợi nhiều dẫn đến đau buồn rồi ông bị tăng xông (cao huyết áp) mà chết. Lúc bố chết, chú không hề được biết tin, chỉ đến khi minh oan trở về nghe gia đình, hàng xóm kể lại mới biết”.

Sau gần 3 năm ngồi tù, tới phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6-2006, không tìm được bằng chứng để kết tội, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo trong vụ việc này đều vô tội và trả tự do ngay tại tòa. Vậy nhưng phải tới tháng tháng 7-2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang mới bắt đầu tổ chức “xóa án tích” cho ông Thịnh và sau đó lần lượt với những công dân khác.

Đặc biệt, trước khi được giải oan, bị can Phan Hữu Hường - một nhà sư - đã chết trong trại tạm giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và được kết luận là chết do bị bệnh?

Những ngày ngồi tù oan vẫn ám ảnh ông Dương Phúc Thịnh đến bây giờ (Ảnh Viết Cường)
Những ngày ngồi tù oan vẫn ám ảnh ông Dương Phúc Thịnh đến bây giờ (Ảnh Viết Cường)

Tại buổi công khai xin lỗi ông Thịnh ngày 23-7-2008, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang -Vũ Mạnh Thắng khẳng định, việc khởi tố oan sai là do “sơ suất” của cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Bắc Giang nói chung và VKSND tỉnh Bắc Giang nói riêng

Lúc vào khỏe mạnh, khi ra xét xử phải hai người dìu

Lúc ông Thịnh chưa bị bắt, ông to béo, nặng hơn 70kg và đang sống rất an nhàn, đầy đủ trong căn nhà khang trang ở trung tâm thủ đô. Nhưng sau nhiều năm ở trại, trước muôn vàn cách thức “tra hỏi, ép cung” (như ông Thịnh nói – PV), đến lúc xét xử tại tòa ông chỉ còn được 50kg và phải có người dìu mới bước nổi đến vành móng ngựa.

Giờ cứ mỗi lần nghĩ về những đêm “hỏi cung” đó lại khiến ông rùng mình, hoảng sợ. Ký ức hãi hùng đã đeo bám ông nhiều năm trời trong từng giấc ngủ. Bao nhiêu năm trôi qua, ông không muốn nghĩ tới và cố để những “kỷ niệm” kinh hoàng đó trôi vào dĩ vãng, cho đến ngày PV tìm gặp ông.

Rít mạnh hơi thuốc, mắt ông rơm rớm, đỏ hoe rồi thẫn thờ nhìn vào khoảng không vô định, ông kể: “Gần 4 tháng trời, đêm nào chúng nó (các điều tra viên) cũng đến hỏi cung. Chúng hỏi, chú bảo không biết thì họ còng tay chú lại, treo ngược lên trên. Sau đó bắt chú khép chặt những ngón tay rồi nhét vào giữa các khe một cây bút có nhiều cạnh và từ từ xoáy”.

Ông Thịnh cho biết, ngày đó 8 người bị bắt đều được giam cách biệt, mỗi người một phòng, ông không hề biết 7 người kia là ai và có lẽ họ cũng vậy. Họ chỉ gặp nhau trong các phiên xét xử tại tòa án. Sau khi ra tù, 7 người còn sống gặp nhau tâm sự và ai cũng rùng minh khi nghĩ về những đêm trường đau đớn chốn tù lao. Theo ông Thịnh kể, một người trong số đó đã từng bị các điều tra viên “hỏi cung” bằng những thủ đoạn kinh tởm. Khi được minh oan ra tù thì cơ sinh dục gần như không còn tác dụng...  

Tuy đã nhiều năm trôi qua nhưng đến bây giờ ông Thịnh vẫn còn nhớ như in mặt mũi, tên tuổi của những “kẻ” trước kia đã khiến cuộc sống của ông tan nát, Ông Thịnh nhớ lại: “Ông K, khi đó là Giám đốc công an tỉnh trực tiếp ký quyết định khởi tố vụ án, trưởng phòng điều tra là ông D.K.D, ông H.M.Q là đánh chú nhiều nhất, rồi T cũng đánh. Bên Viện kiểm sát là ông H, ông T, ông N.T.L, giám sát điều tra viên của Viện kiểm sát là ông N…”

Được minh oan thì gia đình tan nát

Ra tù, những cực hình mà ông Thịnh kể đã để lại di chứng. Ông thường xuyên bị đau đầu và các ngón tay ông trở nên cứng đơ, run run và gần như không còn tác dụng. Sau nhiều năm châm cứu, thuốc men, đến giờ hai bàn tay ông cũng đã dần dần hồi phục.

Tưởng rằng sau khi được minh oan trở về, sẽ được sum họp cùng gia đình dưới mái nhà hạnh phúc ấm êm nhưng bi kịch cuộc đời ông lại bắt đầu từ ngày đó.

Những ngày ông ngồi tù ở Bắc Giang, vợ ông ở nhà cũng nhiều ngày vất vả chạy vạy khắp nơi kêu oan cho ông. Nhưng lâu ngày chịu cảnh vắng chồng rồi lời ra, tiếng vào của bàn dân thiên hạ vợ ông đâm ra cũng chán nản bỏ đi theo người đàn ông khác. Còn hai người con của của ông mang tiếng với bạn bè vì có ông bố đi tù, chúng suy nghĩ tiêu cực rồi cũng không muốn nhìn mặt bố.

Hiện tại ông Thịnh sống một mình, nhà cửa không còn phải đi ở trọ ngay chân cầu Long Biên. Giờ hằng ngày ông đi cắt tỉa thuê cảnh cảnh kiếm sống. “Trước chú là nghệ nhân đắt khách lắm, có ngày làm hòn non bộ cho người ta cũng được vài ba triệu nhưng giờ thì việc ít. Hôm nào nhiều thì được 1, 2 trăm, ngày ít thì 5, 7 chục nghìn”, ông Thịnh chia sẻ.

Theo ông, chuyện ông bị đi tù nhiều người biết, người hiểu và thông cảm thì ít mà người dè chừng ông thì nhiều. Ông nói: “Chắc họ nghĩ chả biết thế nào, cho nó vào nhà nhỡ đâu có gì nó lại cuỗm sạch đi thì toi. Chuyện của chú kể ra thì dài mà có phải lúc nào, đi đâu mình cũng nói tôi bị oan, cũng trình bày được như chú cháu mình bây giờ đâu”.

Ông Thịnh được bồi thường sau hơn 1000 ngày ngồi tù oan, nhưng chờ được số tiền đó cũng cả là một quá trình dài khi những người làm sai luôn tìm cách “cò kè, thêm bớt”.

Ông mất bố, mất vợ, mất con, mất cả một gia đình và sản nghiệp chỉ vì sự tắc trách của các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang. Vậy bồi thường cho ông bao nhiêu cho đủ một hạnh phúc gia đình?

Bài tiếp: Gia đình tan nát vì án oan: “Chú đã từng nghĩ phải trả thù”

Đều “tố” bị ép cung

Có một điểm rất trùng hợp giữa vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết tội “Giết người” và 8 công dân bị truy tố oan trong vụ trộm cắp cổ vật là trong các phiên tòa do TAND tỉnh Bắc Giang xét xử, họ đều nói bị ép cung, dùng nhục hình trong quá trình giam giữ, lấy lời khai. 

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề Quốc hội ngày 8-11, một chuyên gia tư pháp cho rằng việc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn và truy tố oan 8 công dân trong vụ trộm cắp cổ vật diễn ra trong cùng khoảng thời gian từ năm 2003- 2004.

“Có thể cùng một ê-kíp điều tra, truy tố, xét xử. Điều đó cho thấy năng lực của nhiều cán bộ cơ quan tố tụng, xét xử tỉnh Bắc Giang thời gian đó có vấn đề. Tôi cho rằng ngoài xem xét trách nhiệm của những người liên quan, còn phải xem xét lại các vụ án đã được những người này xét xử, tuyên án và đang bị người dân khiếu kiện, kêu oan” – chuyên gia này nói.

VIẾT CƯỜNG