Việt - Lào thúc đẩy phát triển thương mại song phương

27/03/2016 18:44
THÙY LINH
(GDVN) - Việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương góp phần quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào.

Trong hai ngày 26-27/3, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam và Lào phối hợp với các bộ, ngành liên quan của hai nước và Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) tổ chức Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016, thu hút hơn 500 đại biểu đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp đến từ hai nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ phía Việt Nam-Lào và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Lào-Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016. Ảnh T.L
Quang cảnh hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào 2016. Ảnh T.L

Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức thuận lợi khi Cộng đồng ASEAN vừa hình thành, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn của cả hai nước và khu vực.

Trong đó đặc biệt là nhu cầu kết nối chặt chẽ các nền kinh tế với nhau, giữa Việt Nam-Lào-Campuchia và mở rộng hơn nữa là giữa Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan và Myanmar trong thời gian tới.

Trong giai đoạn 2011-2015, kim ngạch thương mại giữa hai nước được cải thiện do hoạt động xúc tiến được đẩy mạnh, nhiều hiệp định, thỏa thuận, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hai bên được triển khai, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. 

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài -Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị: "Cơ quan chức năng Lào nghiên cứu có chính sách ưu tiên và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tại Lào tương xứng với mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào". Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư tại Lào là chưa có đủ thông tin về tiềm năng thị trường, cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ Lào. Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn Lào rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục triển khai dự án đầu tư; giảm thuế, giảm phí đường bộ...

Một số dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nền tảng, cơ sở để thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của Lào như khai thác và chế biến cao su, sản xuất đường, phân vi sinh, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản...

Những dự án này đồng thời tạo việc làm cho khoảng 4 vạn lao động của Lào, giúp nâng cao năng lực lao động, tạo thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào.

Đại biểu hai nước tham dự hội nghị. Ảnh T.L
Đại biểu hai nước tham dự hội nghị. Ảnh T.L

Tuy nhiên, quy mô thương mại song phương dù tăng trưởng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ thương mại lâu năm giữa hai nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tuy nhiên, năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ đạt 1,12 tỉ USD, thấp hơn mục tiêu đề ra là 2 tỉ USD.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ hai nước đẩy nhanh thống nhất các hiệp định, cơ chế chính sách về hợp tác kinh tế giữa hai bên về phương pháp thống kê, cấp phép dự án; đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển hạ tầng giao thông qua các cửa khẩu, cũng như ưu đãi lãi suất, thuế nguyên liệu, phí cầu đường… cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cam kết sẽ cùng tìm hướng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, yêu cầu các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương của hai nước kiện toàn lại cơ chế, thủ tục pháp lý, tháo gỡ các điểm vướng mắc mà doanh nghiệp đã nêu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh T.L
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh T.L

Hai Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, AVIL sẽ là đầu mối phối hợp để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, hợp tác song phương, để Việt Nam - Lào không chỉ là địa điểm đầu tư song phương, mà còn là điểm đến của các doanh nghiệp trên thế giới.

Đồng thời, hai Phó Thủ tướng nhất trí đẩy nhanh kết nối giao thông giữa hai nước, nhân rộng mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cửa khẩu… nhằm đáp ứng yêu cầu giao thương kinh tế giữa hai quốc gia.

Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cho biết, Chính phủ sẽ rà soát lại các quy trình, thủ tục nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời nhấn mạnh, nếu không thực hiện cải cách hành chính nhanh thì đây sẽ là bước cản trong con đường hội nhập với các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad phát biểu tại hội nghị. Ảnh T.L
Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad phát biểu tại hội nghị. Ảnh T.L

Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad cũng kỳ vọng doanh nghiệp hai nước phối hợp đầu tư vào các dự án đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân như y tế, giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng, giao thông… bởi từng dự án sẽ là cây cầu kết nối tình hữu nghị bền chặt của hai nước Việt Nam - Lào.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thúc đẩy phát triển thương mại song phương góp phần quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, để mối quan hệ Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. 

Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ Lào ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình là các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh-Gia Lai tại Lào; các chi nhánh, ngân hàng con, ngân hàng liên doanh của Việt Nam tại Lào; dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel; các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam; Dự án tổ hợp sân Golf và khách sạn, nhà ở với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành… giúp tạo việc làm cho 4 vạn lao động Lào cũng như đóng góp vào nguồn ngân sách Lào.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp tại Lào có thêm những bước đột phá trong đầu tư ở Việt Nam, góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước láng giềng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và cảm ơn những hỗ trợ của nhiều địa phương, bộ, ngành của Lào đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một số chỗ có những vấn đề gây cản trở, tồn tại. Phó Thủ tướng kiến nghị Chính phủ Lào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ phía Việt Nam-Lào và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Lào-Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Ảnh T.L
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ phía Việt Nam-Lào và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad, Chủ tịch Ủy ban hợp tác liên Chính phủ Lào-Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Ảnh T.L

Đặc biệt, Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp chú trọng các vùng phía Bắc Lào, các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, nêu cao trách nhiệm xã hội với cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… để giữ vững uy tín của doanh nghiệp Việt trên đất Lào.

Trong thời gian tới, hai Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ tập trung triển khai thực hiện Hợp tác song phương giai đoạn 2015-2020, trong đó, sẽ có những định hướng đầu tư dự án mới, đưa ra chiến lược thu hút đầu tư giữa Việt Nam và Lào, chọn trọng điểm đầu tư để phát huy lợi thế, thu hút nguồn lực.

Đặc biệt, chú trọng các dự án chiến lược về giao thông, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng…

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ Lào đã thực hiện việc xả nước giúp Việt Nam chống hạn hán.

THÙY LINH