Trưa ngày 24/12, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như đã đọc các quan điểm luận tội của mình đối với từng kháng cáo của các bị cáo.
Đối với biệt thự trị giá 43 tỷ đồng tại Hội An, Quảng Nam mà ‘siêu lừa’ đã kháng cáo, xin giải tỏa kê biên biệt thự này cho mẹ của mình – bà Nguyễn Thị Lang, đại diện cơ quan công tố đã khẳng định, kháng cáo này hoàn toàn không có cơ sở để giải quyết.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, Huyền Như đã mua biệt thự này bằng tiền của mình, đi vay ngân hàng, cho tới nay đã thanh toán được hết hơn 40 tỷ đồng, nhưng Huyền Như không đứng tên trên biệt thự này, mà để cho mẹ của mình là bà Nguyễn Thị Lang đứng tên, mà ngay cả chính bà Lang cũng không biết.
Sau đó, Huyền Như lại lấy biệt thự này cầm cố cho bà Lê Thị Ngọc Nga. Tại phiên tòa và qua các hồ sơ bút lục, bà Lang cũng thừa nhận điều này, và nói là bà chỉ đứng tên trên danh nghĩa, còn biệt thự này là do Như mua.
Cơ quan công tố nhấn mạnh: Như vậy, việc phiên tòa sơ thẩm ra lệnh kê biên ngôi biệt thự trị giá 43 tỷ đồng này là hoàn toàn đúng pháp luật. Kháng cáo xin lại biệt thự này của Huyền Như là không có căn cứ để giải quyết.
Mọi tranh chấp nếu có giữa Huyền Như hay bà Lang và bà Lê Thị Ngọc Nga sẽ được giải quyết trong một vụ án khác.
Cơ quan công tố đã nêu quan điểm bác yêu cầu kháng cáo, xin lại biệt thự của Huyền Như. |
Bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè), trong quá trình điều tra đã thể hiện Tuấn chính là bị cáo đã giúp sức tích cực cho ‘siêu lừa’ đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tại cơ quan điều tra, Tuấn cũng đã thừa nhận hành vi này, nên kháng nghị tăng hình phạt của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM là có căn cứ, nhưng chỉ cần giữ nguyên hình phạt cũ ở bản án sơ thẩm cũng đã có đủ tính răn đe, giáo dục.
Đối với bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh, tại phiên tòa sơ thẩm đã bị tuyên phạt 14 năm tù, cơ quan công tố phiên tòa phúc thẩm đã nhận định, trong vụ án này, Mỹ Hạnh không có tư lợi, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng đã được cấp sơ thẩm xem xét kỹ. Trong phiên tòa phúc thẩm, Hạnh khai báo phạm tội đang trong quá trình mang thai, nhưng hậu quả của vụ án này là quá lớn, nên cũng không thể xem xét giảm nhẹ hơn hình phạt cho bị cáo này.
Phạm Anh Tuấn – nguyên là Tổng Giám đốc Công ty CP dầu khí Thái Bình Dương đã bị phiên tòa sơ thẩm cáo buộc tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, bị cáo Tuấn đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của tòa sơ thẩm. Xét thấy, hành vi mà Tuấn gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ.
Tuy nhiên, trên thực tế, Tuấn có nhiều tình tiết để giảm nhẹ tội, nên cơ quan công tố đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét cho Tuấn. Với số tiền 72 tỷ đồng được thu lợi bất chính từ hành vi sai trái của Tuấn, Viện kiểm sát nhận định quy kết này là có căn cứ, theo chiều hướng có lợi cho Tuấn.
Căn nhà của chung mà hai vợ chống bị cáo Phạm Anh Tuấn đang ở, cơ quan công tố nhấn mạnh: Việc kê biên tài sản này là có căn cứ theo đúng pháp luật.
Bị cáo Đào Thị Tuyết Dung bị tuyên phạt hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cho vay nặng lãi” ở cấp sơ thẩm, nhưng bị Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm tuyên quá nhẹ, chưa đúng với tính chất và mức độ phạm tội của bị cáo này. Cơ quan công tố phiên tòa phúc thẩm thông tin: Hành vi phạm tội của Dung là đặc biệt nghiêm trọng, mức án mà cấp sơ thẩm tuyên là quá nhẹ, nên cần thiết phải tăng mức hình phạt lên đối với Dung. Như vậy, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM là có cơ sở.
Ngoài ra, cơ quan công tố cũng nêu lên quan điểm: Cho dù Huyền Như là người phạm tội, nhưng Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng hơn 1.900 tỷ đồng, mà Huyền Như đã chiếm đoạt của 3 công ty: Bảo hiểm toàn cầu (125 tỷ đồng), chứng khoán Sài Gòn bank – Berjaya (SBBS – 210 tỷ đồng), 3 công ty là Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên là 1.598 tỷ đồng.
Quan điểm của cơ quan công tố, đây chính là lỗi của Vietinbank lơi lỏng kiểm soát hồ sơ, chứng từ, không kịp thời phát hiện ‘siêu lừa’ làm giả hàng loạt lệnh chi tiền giả, chuyển tiền ra khỏi tài khoản của khách hàng để chiếm đoạt.
Trách nhiệm bồi thường ở đây cho khách hàng phải là Vietinbank, vì ngân hàng này có trách nhiệm giữ và bảo quản tiền cho khách hàng, nhưng lại để mất. Trong trường hợp này, Vietinbank sẽ là nguyên đơn dân sự, yêu cầu Như bồi thường số tiền mà Như đã lợi dụng chức vụ tại ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng. Từ đó, Viện kiểm sát đã đề nghị hủy án phần lừa đảo của 5 công ty nói trên để giải quyết lại theo thủ tục hành chính.
Với các kháng cáo của 2 ngân hàng ACB và Navibank, cơ quan công tố nêu ý kiến: Việc ủy thác gửi tiền và ký hợp đồng cho nhân viên của Navibank đem tiền sang Vietinbank gửi là trái pháp luật, vi phạm các qui định của ngân hàng Nhà nước, vi phạm chính sách tiền tệ.
Các nhân viên của 2 ngân hàng này đã không có trách nhiệm, bỏ mặc cho sự việc này diễn ra, để cho Huyền Như mặc sức tung hoành lừa đảo, chiếm đoạt tiền, nên cần thiết phải bác đơn kháng cáo của ACB, Navibank cũng như nhóm các nhân viên của 2 ngân hàng này.
Song song đó, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng đã bác đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo: Trần Thị Tố Quyên, Nguyễn Thiên Lý…
Chiều ngày 24/12, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần luận tội.