LTS: Đầu xuân Quý Tỵ, chúng tôi nhận được bài viết của LS. Lê Đức Tiết - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) với tựa đề "Vi hành". Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả về công tác phòng chống tham nhũng. Sau đây, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc nội dung bài viết này.
Luật sư Lê Đức Tiết (Ảnh: VNE) |
Có những bậc minh quân thường cải trang vi hành trong dân để tìm hiểu thế sự. Nhờ đó mà họ biết được nhiều sự thật về cuộc sống của dân, về đạo đức, tài năng quan lại dưới quyền. Điều quan trọng nhất là nhân các cuộc vi hành, họ thấy được những những điều chưa thích ứng với đời sống xã hội trong đường lối trị nước, trị dân để có những sửa đổi, bổ sung, cách tân cần thiết nhằm làm cho chính sách cai trị của họ ngày được hoàn thiện hơn.
Học tập cách vi hành của các bậc vĩ nhân xưa, âu cũng là cách làm cần thiết để phục vụ sự nghiệp xây dựng nhả nước thật sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân từ gốc đến ngọn.
Từ câu chuyện của vua Lê Thánh Tông...
Thuở ấy tại kinh thành Thăng Long có tên trộm rất nổi tiếng. Hắn có tài xuất qủy nhập thần. Hắn định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị, vẫn không thoát. Là tên trộm lành nghề nhưng hắn được đông đảo nhân dân yêu mến. Bởi hắn chuyên môn trộm của nhà giàu đem cho người nghèo. Nhân dân còn phong tuớc hiệu cho hắn là Quận Gió! Hắn đi về, tới lui nhanh như gió. Thoắt ẩn, thoắt hiện. Ở những nơi không ai ngờ, hắn ngang nhiên xuất hiện. Ở những chốn canh phòng cẩn mật, không ai có thể lọt qua, hắn vẫn luồn qua được.
Thuở ấy tại kinh thành Thăng Long có tên trộm rất nổi tiếng. Hắn có tài xuất qủy nhập thần. Hắn định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị, vẫn không thoát. Là tên trộm lành nghề nhưng hắn được đông đảo nhân dân yêu mến. Bởi hắn chuyên môn trộm của nhà giàu đem cho người nghèo. Nhân dân còn phong tuớc hiệu cho hắn là Quận Gió! Hắn đi về, tới lui nhanh như gió. Thoắt ẩn, thoắt hiện. Ở những nơi không ai ngờ, hắn ngang nhiên xuất hiện. Ở những chốn canh phòng cẩn mật, không ai có thể lọt qua, hắn vẫn luồn qua được.
Tiếng đồn về Quận Gió lọt đến tai vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Nhà vua quyết định cải trang vi hành để tìm hiểu sự thật.
Vua Lê Thánh Tông (Ảnh: quehuongonline.vn) |
Đã cận giờ giao thừa. Có một người đàn ông trạc 20 tuổi, tìm đến nơi Quận Gió đang trú ngụ. Người đàn ông tự xưng là môn sinh trường Giám (1). Năm hết, tết đến, muốn về quê Thanh Hóa (2) cúng giỗ ông bà. Nhưng nhà nghèo không có tiền nên đến phiền Quận Gió giúp cho một ít làm lộ phí. Nghe xưng danh là Giám sinh, Quận Gió hồ hởi nói: - Giúp ai tôi cũng sẵn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẳn tiền. Tôi là một đạo chích (3). Vậy anh muốn tôi lấy của ai?
- Trộm của phú ông ở cửa Tây - người đàn ông nói.
- Không được! Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng trên các cánh đồng các làng Nghi Tàm, Võng Thị. Không nên lấy của ông ấy, Quận Gió đáp.
- Trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không? - Người đàn ông ướm lời.
- Không được! Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén bạc. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn.
Vừa dứt lời, Quận Gió băng mình vào bầu trời đen mịt mùng như mực của đêm cuối năm. Chưa giập bã trầu (4) đã thấy Quận Gió trở về với hai nén bạc trong tay. Quận Gió nói: “Với hai nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa làm rạng danh công ơn sinh thành, dòng họ, tổ tiên”. Cầm hai nén bạc lên soi dưới ánh đèn dầu thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của nhà nước.
Sáng mồng một Tết, nhà vua thiết đại triều. Khi tất cả các quan tề tựu đông đủ, vua đem câu chuyện vi hành đêm 30 Tết kể lại cho mọi người nghe. Hai nén bạc được chuyền tay cho tất cả các quan xem tận mắt. Viên quan coi kho cứng họng trước những chứng cứ không thể chối cãi. Hắn bị lột bỏ hết mọi tước vị. Gia sản bị tịch thu. Hắn bị lưu đày đi châu xa.
Vua Lê Thánh Tông chống tham nhũng như thế nào?
Câu chuyện vi hành đêm 30 Tết của nhà vua Lê Thánh Tông nhanh chóng truyền đi khắp vương quốc. Dân chúng khấp khởi mừng thầm. Vận nước rối bời dưới thời vua cha Lê Thái Tông và vua anh Lê Nhân Tông. Nay vua sáng đã xuất hiện. Bọn quan lại sâu mọt thì cả sợ.
Riêng đối với vua Lê Thánh Tông, chuyến vi hành gặp Quận Gió càng làm cho ông thêm lo lắng nhiều điều. Ông tại ngôi mới được hai năm. Trước mắt ông là trăm công nghìn việc quốc gia đại sự phức tạp, khó khăn nhiều bề. Tất cả đều đòi hỏi phải có cách xử lý nhanh chóng và có hiệu quả. Riêng đối với tệ tham nhũng là điều làm ông có nhiều trăn trở nhất. Dưới triều vua cha, vua anh, thế nước nghiêng lệch.
Theo ông, nguyên nhân chính là do nạn tham nhũng. Vào tháng 3 năm1463, nghĩa là chỉ 3 năm sau khi lên ngôi, trong một buổi chầu ông nói với các quan rằng: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy !”. (5)
Đấu tranh phòng chống tham nhũng - căn bệnh kinh niên của quan lại, là cuộc đấu tranh rất khó nhọc. Đó là những kẻ tội đồ trăm đầu, nghìn tay. Chém đầu này, đầu khác lại mọc ra. Chặt tay này thì tay khác lại lòi ra. Trong các buổi thiết triều, ông thường răn dạy các quan lại phải luôn giữ liêm chính.
Có lần vua nói với Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Cư Đạo rằng: “Ta khi còn ít tuổi làm bạn với nhà ngươi. Khi ta lên ngôi báu, ngươi làm quan kinh diên. Về mặt thần hạ, ngươi với ta là bạn tri kỷ, là bạn học thức. Về mặt vua tôi, ngươi với ta là duyên cá nước, là hội gió mây. Ngươi hãy hết lòng, gắng sức, gắng gỏi lo báo đền nợ nước, chí công vô tư để cho dứt hẳn tệ hối lộ”. (6).
Qua trải nghiệm, vua Lê Thánh Tông cho rằng chỉ giáo dục đạo đức thôi là không đủ. Từ sau buổi vi hành gặp Quận Gió, nhà vua ngày đêm suy nghĩ tìm cách diệt trừ quốc nạn tham nhũng. Trải qua một số năm tiếp theo, ở ông đã hình thành các chủ trương, chính sách, biện pháp phòng chống tham nhũng mang tính hệ thống. Các chủ trương, chính sách, biện pháp phòng chống tham nhũng của nhà vua đã được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký toàn thư và cô động nhất, bao quát nhất là ở trong Bộ Luật Hồng Đức (BLHĐ).
Trong BLHĐ có những điều khá cụ thể về phòng ngừa tham nhũng như: “ Những vị đại thần và bách quan trong kinh thành, nhà cửa vườn tược chỉ được ba mẫu trở lại… Nếu người nào lạm chiếm quá phần đất đã định thì bị tội xuy, đánh 50 roi, biếm một tư; người có vườn ao rồi mà lại chiếm đất nơi khác, thì tội thêm một bậc. Nếu người nào có công được vua cấp thêm đất thì không kể”(điều 226) hoặc: “Cấm quan, lại lấy vợ người địa phương nơi mình trị nhậm; Cấm quan, lại mua ruộng vườn đất nhà nơi mình trị nhậm; Cấm quan, lại kết làm thông gia với người địa phương nơi mình trị nhậm; Cấm đưa quan, lại về trị nhậm tại quê hương bản quán” (điều 316).
Trong BLHĐ có khá nhiều điều quy định trừng trị nghiêm khắc quan, lại tham nhũng như: “Quan Ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 quan đến 9 quan (7) thì xử tội biếm hay bãi chức, từ 10 đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu, từ 20 quan trở lên thì xử tội chém… (điều 138). Những tội như: “Quan, lại ỷ thế chiếm đoạt đất đai của lương dân” (điều 370); “Quan, lại lạm dụng chức quyền để chiếm đoạt ruộng đất công, nuôi nô tỳ quá hạn định” (điều 372); “Quan, lại vay mượn của dân hay cho dân vay để lấy lãi cao” (điều 638); “Quan phiên trấn sách nhiẽu dân” (điều 163); “Tôi tớ nhà Công Hầu ỷ thế chiếm ruộng đất, cưỡng bức con gái”(điều 336); “Quan, lại tự tiện xuống làng xã sách nhiễu nhân dân” (điều 632) … đều bị nghiêm trị. Như tại điều 639 có quy định: “Các quan Ty tự tiện lấy của cải, đồ vật của nhân dân dùng vào việc riêng thì xử như tội ăn hối lộ và bồi thường gấp đôi trả cho nhân dân”...
(còn nữa)
(1) Trường Giám: Cách gọi tắt trường Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam.
(2) Thanh Hóa là nơi phát tích của trièu đại hậu Lê.
(3) Đạo chích là từ Hán, có nghĩa là ăn trộm. Quận Gió tự xưng là đạo chích để tránh nói thẳng mình là tên ăn trộm, còn gọi là kẻ ăn sương, theo cách nói dân dã.
(4) Chưa giập bã trầu - cách nói mang tính hình tượng của người Việt xưa, có tục lệ hay ăn trầu cau, để diễn tả thời gian trôi qua rất nhanh.
(5) Trích dẫn: “Đại Việt sử ký toàn thư” Quyển XII, Kỷ nhà Lê, NXBKHXH,H. 1993, tr.399.
(6) Trích dẫn: “Đại Việt sử ký toàn thư”, Quyển XII, Kỷ nhà Lê, NXBKHXH,H. 1993, tr. 435.
(7) Theo giá trị đương thời, 3 quan mua được một trâu cày.
Luật sư Lê Đức Tiết