Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực

17/09/2018 06:12
Trinh Phúc
(GDVN) - Nhiều lần cô giáo Nguyễn Thúy Hảo phản ánh Hiệu trưởng tiêu cực nhưng cô lại bị kỷ luật Đảng, cách chức vụ Phó Hiệu trưởng, điều chuyển công tác trong ấm ức.

Phản ánh tiêu cực nhưng không được xử lý đến nơi, đến chốn

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thúy Hảo, nguyên Bí Thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Trong đơn thư, bà Hảo trình bày việc bà đấu tranh chống tiêu cực và nhiều lần bị kỷ luật.

Theo đơn trình bày, ngày 19/10/2016, bà Hảo là Bí thư chi bộ Trường Tiểu học Lê Văn Tám có đơn kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên, lãnh đạo Đảng ủy phường Tân Thịnh về việc bà Nguyễn Phương Thanh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám không tuân thủ nguyên tắc Đảng, tự ý quyết định các khoản thu, thiếu dân chủ trong điều hành công tác…

Đến ngày 5/11/2016,Đảng ủy phường Tân Thịnh tổ chức xem xét đơn của bà Hảo.

Theo bà Hảo, trong buổi làm việc đó có sự tham gia của bà Nguyễn Phương Thanh người bị phản ánh trong đơn. Cũng từ đây, bà Hảo liên tục gặp nhiều chuyện rắc rối.

Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực ảnh 1

Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Thái Nguyên, nơi xảy ra tiêu cực trong thời gian bàn Nguyễn Phương Thanh làm Hiệu trưởng (ảnh Trinh Phúc).

Cụ thể, ngày 1/12/2016, bà Hảo bị chi bộ Trường Tiểu học Lê Văn Tám kỷ luật khiển trách.

Không đồng tình với quyết định kỷ luật, bà Nguyễn Thúy Hảo tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình.

Đến ngày 3/5/2017, Đảng ủy phường Tân Thịnh ra quyết định xóa bỏ hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà Hảo.

Trước những tồn tại tại Trường Lê Văn Tám mãi không được giải quyết, ngày 4/7/2017 với tư cách là cử tri thuộc tổ dân phố 7 và cử tri Trường Tiểu học Lê Văn Tám tại cuộc tiếp xúc cử tri ở phường Tân Thịnh bà Nguyễn Thúy Hảo đã phản ánh về những tồn tại ở trường Lê Văn Tám.

Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực ảnh 2Vì sao chưa kỷ luật Hiệu trưởng trường Giang Ma lộng quyền?

Và bà Hảo cho rằng, Hiệu trưởng Nguyễn Phương Thanh có một số tồn tại về quản lý tài chính không công khai, thiếu minh bạch...

Đây là lần thứ 2, bà Hảo phản ánh những tồn tại của trường Lê Văn Tám lên cấp trên nhưng những phản ánh trên của bà Hảo không được cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm.

Mãi đến tháng 11/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên tiến hành  thanh tra công tác quản lý, sử dụng các khoản thu đối với Trường Tiểu học Lê Văn Tám thì mới phát hiện ra nhiều sai phạm của bà Nguyễn Phương Thanh.

Trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên cho biết: “Ngay khi nhận được các thông tin liên quan đến công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố Thái Nguyên (do các đơn vị báo cáo theo thẩm quyền, phản ánh của cơ quan báo chí)…

Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên đã thành lập Đoàn thanh tra của thành phố Thái Nguyên tiến hành thanh tra một số trường công lập trên địa bàn thành phố trong đó có Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Ủy ban thành phố không thành lập đoàn kiểm tra để giải quyết đơn tố cáo của bà Nguyễn Thúy Hảo về những sai phạm của bà Nguyễn Phương Thanh do không nhận được đơn tố cáo của bà Hảo).

Căn cứ Kết luận số 07/KL_UBND ngày 29/11/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng các khoản thu đối với Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Thái Nguyên;

Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập Hội đồng kỷ luật, tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật bà Nguyễn Phương Thanh theo mức độ vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định xử lý kỷ luật bà Nguyễn Phương Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám bằng hình thức cảnh cáo”.

Việc bà Hiệu trưởng Nguyễn Phương Thanh bị kỷ luật cảnh cáo sau khi thành phố Thái Nguyên tiến hành thanh tra đã cho thấy những phản ánh của bà Nguyễn Thúy Hảo gửi lên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Nguyên, lãnh đạo Đảng ủy phường Tân Thịnh và trong hội nghi cử tri ở phường Tân Thịnh trước đây là có căn cứ.

Rất tiếc, những phản ánh trước đó của bà Hảo không được chính quyền, Đảng bộ ở địa phương giải quyết thỏa đáng, kịp thời để phát hiện ra sai phạm.

Cũng vì sự vào cuộc không rốt ráo từ đầu mà bà Hảo đã chịu nhiều áp lực và thiệt thòi.

Người đấu tranh chống tiêu cực liên tục bị kỷ luật

Trước thời điểm Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên có kết luận thanh tra Trường Tiểu học Lê Văn Tám và thi hành kỷ luật bà Hiệu trưởng Nguyễn Phương Thanh, ngày 3/10/2017, Đảng ủy phường Tân Thịnh ra quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thúy Hảo, Bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

Lý do kỷ luật, bà Hảo vi phạm phát ngôn trong Đảng, phát ngôn loan truyền những thông tin, những vấn đề chưa được cấp có thẩm quyền kết luận;

Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực ảnh 3Công dân đề nghị Công an vào cuộc vụ bớt xén cả trăm triệu đồng tiền bán trú

Nhận xét, đánh giá mang tính chất tố cáo đối với đồng chí Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường.

Và cho rằng, bà Hảo vi phạm Điều 4, Quy định số 47 – QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm: “Lợi dụng phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, … để … nhận xét, đánh giá tùy tiện đối với người khác”.

Tiếp đó, ngày 29/12/2017, tức là sau khi thanh tra thành phố Thái Nguyên chỉ ra bà Hiệu trưởng Nguyễn Phương Thanh sai phạm và kỷ luật bà Thanh thì Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên ban hành quyết định kỷ luật bà Nguyễn Thúy Hảo với hình thức cách chức Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Trong quyết định đó có nêu bà Hảo có hành vi không “Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của nhà nước” vi phạm Khoản 1, Điều 16 Luật Viên chức năm 2010.

Có hành vi “Lợi dụng việc tố cáo xuyên tạc… xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín người khác” vi phạm Khoản 12 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2011; Khoản 6 Điều 19 Luật Viên chức năm 2010.

Có hành vi “tự ý bỏ việc” vi phạm Khoản 1 Điều 19 Luật Viên chức năm 2010.

Sau đó, bà Hảo có khiếu nại quyết định này nhưng kết quả quyết định được giữ nguyên.

Trước những ấm ức trên, trong đơn kêu cứu bà Hảo cho rằng: “Cả ba lý do làm cơ sở cách chức tôi mà Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên đưa ra hoàn toàn không có chứng cứ, hồ sơ, tài liệu nào chứng minh tôi có hành vi vi phạm kỷ luật như quyết định số 14599/QĐ-UBND nêu.

Cả ba lý do không phù hợp quy định pháp luật để áp dụng kỷ luật cách chức tôi. Điều 12, Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức theo hình thức “cách chức” như sau:

“Điều 12. Cách chức

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;

2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;

3. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;

4. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.”

Liên tiếp kỷ luật vùi dập Hiệu phó vì dũng cảm tố Hiệu trưởng tiêu cực ảnh 4Phẩm chất, đạo đức người thầy: ai đang nêu gương, ai đang làm hoen ố?

Sau khi bà Hảo bị cách chức, ngày 19/3/2018 bà Hảo bị miễn nhiệm chức danh Bí thư chi bộ. Ngày 23/5/1018 bà Hảo nhận quyết định điều động tới Trường tiểu học Quyết Thắng.

Bà Hảo cho rằng, bà đã từng đi vùng sâu, vùng khó khăn 16 năm nay, hiện đang yên ổn tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám cách nhà chỉ hơn 100 mét nay bị điều chuyển vào trường cách nhà 5km.

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hảo cho rằng: “Tôi đang phải chấp nhận sự bất công, uất ức nên buộc phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan báo chí, nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp, bảo vệ uy tín và danh dự của mình”.

Câu chuyện đấu tranh chống tiêu cực của bà Hảo có kết cục đáng buồn. Những phản ánh tiêu cực của bà Hảo về Hiệu trưởng Nguyễn Phương Thanh không được chính quyền ghi nhận thấu đáo.

Mặc dù, sau này bà Hiệu trưởng Nguyễn Phương Thanh bị phát hiện sai phạm và bị kỷ luật như một bằng chứng cho thấy những phản ánh của bà Hảo trước đây là có căn cứ.

Trả lời những thắc mắc của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến sự việc của bà Hảo, Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên vẫn giữ quan điểm kỷ luật bà Hảo.

Do đó, để trả lời làm sao để bà Hảo tâm phục cần thiết phải có người công tâm xem xét.

Còn trả lời của Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên thật khó để thuyết phục vì đây là cơ quan ra quyết định kỷ luật bà Hảo.

Trinh Phúc