Bức tranh toàn cảnh về giáo dục đại học Việt Nam 5 năm qua

22/10/2018 10:22
Thùy Linh
(GDVN) - 5 năm qua, số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính...

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá kết quả đổi mới giáo dục đại học và sau đại học. 

Theo đó, về quy mô, mạng lưới, cơ cấu ngành nghề: Đã xây dựng được mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học gồm 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh) trong đó bao gồm 171 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. 

Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 02 trường trung cấp sư phạm). 

Theo bảng xếp hạng đại học xuất sắc nhất thế giới QS top 1000 thì Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (701-750); Đại học Quốc gia Hà Nội (801-1000); 

Ngày 6/6/2018, Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds World University Rankings - Anh) công bố kết quả xếp hạng top 1000 đại học xuất sắc nhất thế giới. 85/197 quốc gia được xướng tên, trong đó Việt Nam lần đầu tiên góp mặt với 2 đại diện: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)
Ngày 6/6/2018, Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds World University Rankings - Anh) công bố kết quả xếp hạng top 1000 đại học xuất sắc nhất thế giới. 85/197 quốc gia được xướng tên, trong đó Việt Nam lần đầu tiên góp mặt với 2 đại diện: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Còn theo bảng xếp hạng đại học ở Châu Á (top 350): Đại học Quốc gia Hà Nội (139); Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (142); Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (thuộc nhóm 291-300), Trường Đại học Cần Thơ (thuộc nhóm 301-350) và Đại học Huế (thuộc nhóm 351-400).

Về phát triển ngành đào tạo: trên cơ sở khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, các cơ sở đào tạo đã có sự điều chỉnh về cơ cấu ngành nghề; nhiều trường đã tập trung vào mở mới và nâng cao chất lượng các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sức khỏe và du lịch là những ngành đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong nước cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN, số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh quản lý, Pháp luật.

Về mục tiêu, chương trình, phương pháp: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành đào tạo.

Bức tranh toàn cảnh về giáo dục đại học Việt Nam 5 năm qua  ảnh 2Sự thật về lương và phụ cấp của nhà giáo, có ai tin được những con số dưới dây?

 Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực rà soát, điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo và việc phân tầng của hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Đào tạo kết hợp với doanh nghiệp được xem là một yêu cầu đột phá của nhiều trường trong các hoạt động xây dựng chương trình giảng dạy, thực tập, kiến tập…. 

Các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội; quan tâm hơn đến phát triển các kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát triển năng khiếu và tính sáng tạo, chủ động hội nhập và chấp nhận cạnh tranh. 

Nhiều cơ sở đào tạo phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế: CDIO, POHE, chương trình tiên tiến, chương trình PFIEV, chương trình chất lượng cao và các chương trình liên kết quốc tế khác; bước đầu rà soát chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn AUN-QA.

Đồng thời báo cáo cũng chỉ rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo triển khai chương trình tiên tiến, chất lượng cao của một số nước phát triển, giảng dạy hoàn toàn hoặc một phần bằng ngoại ngữ (Tiếng Anh là chủ yếu) để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nhiều cơ sở đào tạo đã triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến này. 

Và tính đến tháng 6/2018, có 117 cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng bởi các tổ chức kiểm định trong nước và 06 cơ sở giáo dục đại học được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). 

Ngoài ra, có 112 chương trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận, trong đó có 08 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước;

104 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế, 16 chương trình đánh giá theo chuẩn của Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI);

2 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ, Hoa Kỳ (ABET);

6 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP).

Thùy Linh