Pháp trị hay Nhân trị

23/10/2018 07:55
Xuân Dương
(GDVN) - “Pháp trị” hay “Nhân trị” là những khái niệm thường được các nhà nghiên cứu, luật gia, chính trị gia, triết gia nói tới nhưng không phải ai cũng tìm và hiểu.

“Pháp trị” hay “Nhân trị” là những khái niệm thường được các nhà nghiên cứu, luật gia, chính trị gia, triết gia nói tới nhưng không phải ai cũng có thời gian tìm và hiểu.

Với quần chúng những khái niệm này thường khá mơ hồ, thậm chí có người chưa bao giờ nghe nói.

Đôi điều về các loại “Lực” trong cuộc chiến chống nội xâm

Dù là Pháp trị hay Nhân trị thì đó cũng chỉ là phương thức quản trị xã hội, ngôn ngữ thông dụng ngày xưa là “cai trị”.

Có những sự khác biệt giữa các quốc gia, các thể chế chính trị trong việc vận hành Pháp trị theo một trong hai khuynh hướng.

Một số quốc gia coi Pháp trị là “Cai trị bằng pháp luật” (Rule by law), theo đó pháp luật được xem là công cụ cai trị (quản lý) xã hội (của giới cầm quyền) thông qua nhà nước.

Nhà nước - mà cụ thể là giới lãnh đạo - trong trường hợp này thường đứng trên pháp luật.

Một số khác coi Pháp trị là sự “Cai trị của pháp luật” (Rule of law), trong trường hợp này pháp luật là tối thượng, không ai có quyền đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.

Khi pháp luật “cai trị” đất nước thì mọi cá nhân và tổ chức đều bình đẳng trước pháp luật, các cá nhân, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền phạm pháp đều bị pháp luật trừng trị.

Song hành và đối lập với “Pháp trị” là “Nhân trị” (Rule of person).

Ảnh minh họa. Nguồn: enternews.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: enternews.vn

Cũng có hai cách vận hành Nhân trị để quản lý xã hội dựa vào cách lý giải chữ “Nhân” trong Nhân trị.

Một phía cho rằng “Nhân” là nhân đức, nhân từ, nhân đạo, “Nhân trị” là lấy nhân đức để cai trị dân chúng. 

Phía còn lại cho rằng “Nhân” là người, “Nhân trị” được hiểu là sự cai trị (quản lý) xã hội bởi con người, cách hiểu này được các học giả phương tây nói đến nhiều.

Nhân trị theo hướng thứ hai, nếu một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ nắm toàn quyền quản lý thì sự cai trị được xem là “độc quyền thiểu số”, ngược lại là “độc quyền đa số”. Một trong những “xuất hiện” của “độc quyền đa số” được gọi là “làm chủ tập thể”.

Khái niệm “xuất hiện” được dùng trong một số ngành khoa học tự nhiên, mỗi “xuất hiện” được nhận dạng sẽ giúp con người nhận biết được sự tồn tại của một tập hợp (các phần tử) qua các đặc trưng của “xuất hiện” đó.

Chẳng hạn một “xuất hiện” sếu đầu đỏ tại một địa danh giúp người ta nhận biết có một loài chim (tập hợp chim) đã được đặt tên là “Sếu đầu đỏ” và là loài nằm trong “sách đỏ”.

Muốn lò cháy rực thì phải có “gió tươi” thổi vào

Một biệt phủ trái phép của một vị tướng công an (Quảng Nam) đã nghỉ hưu trên núi Hải Vân là một “xuất hiện” giúp người dân nhận diện sự tồn tại của một “tập hợp” các loại “Biệt phủ trái phép”.

Khu nhà của gia đình ca sĩ Mỹ Linh - Anh Quân tại Sóc Sơn Hà Nội cũng chỉ là một “xuất hiện” của tập hợp “Biệt phủ trái phép” như vậy.

Trong phần 2, người viết sẽ trình bày thêm một vài ý kiến về “Nhân trị”.

Nói đến “thượng tôn pháp luật” thì đương nhiên đó không phải là một hệ thống chính trị dựa trên “Nhân trị” mà phải là “Pháp trị”.

Vấn đề là thể chế chính trị của chúng ta đang theo hướng “Pháp trị”, “Nhân trị” hay kết hợp cả hai?

Mặt trời, Thần chết và Trí tuệ

Xét về tuyên ngôn trong Hiến pháp, “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”, xét khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”, xét đến các văn bản nói về “Thượng tôn pháp luật” thì rõ ràng nhà nước Việt Nam là nhà nước “Pháp trị”, không phải “Nhân trị”.

Vậy thì chúng ta đang “Pháp trị” kiểu gì, “Rule by law” hay “Rule of law”?

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin dẫn ý kiến của hai vị đại biểu Quốc hội và một nhà báo:

Ngày 28/3/2016, tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ 2011-2016, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Thành phố Hồ Chí Minh ) nêu ý kiến:

Báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội nêu được rất nhiều điều. Tuy nhiên, dù Quốc hội đã có nghị quyết xây dựng luật nhưng nhiều lần cơ quan soạn thảo vẫn xin lùi, chuyển sang nhiệm kỳ sau là không hoàn thành nhiệm vụ,...  

Ví dụ như Luật biểu tình, Luật lập hội mà Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị từ năm 2005 đã đưa vào, nhưng cơ quan soạn thảo vẫn lần lữa chưa hoàn thiện.

Do đó, phải có chế tài, nếu không người dân có cảm giác cơ quan hành pháp có quyền lực hơn cơ quan lập pháp”. [1]

Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chất vấn Thủ tướng:

Thủ tướng sẽ xử lý như thế nào đối với các Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân không thi hành 85 vụ việc trong bản án hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật năm 2017?”. [2]

Con đường tất yếu

Bài viết của tác giả Hạnh Nguyên - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - có đoạn:

Còn có thể kể ra nhiều vụ việc, nhiều lĩnh vực “điển hình” của việc không tuân thủ pháp luật, hoặc pháp luật bị "bẻ cong" đã tác động xấu đến tính nghiêm minh của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, gây xói mòn lòng tin của nhân dân… 

Một nhà nước, một dân tộc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, trong đó “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, quan sai cũng xét xử như dân thường, thì Nhà nước và dân tộc đó sẽ phát triển vững bền”. [3]

Với ba ý kiến đã đề cập, một khi “nhiều vụ việc, nhiều lĩnh vực” khiến “pháp luật bị bẻ cong”, một khi mới chỉ xem xét đến khía cạnh “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” mà chưa chú ý đến sự bình đẳng của người dân với cơ quan công quyền (tức là nhà nước), một khi cơ quan hành pháp “không thi hành 85 vụ việc trong bản án hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp” thì liệu đã đủ cơ sở để kết luận, đó là “quản lý (cai trị) xã hội bằng pháp luật” tức là “Rule by law” chứ không phải “Pháp luật quản lý xã hội” - Rule of law”?

Cần nhắc lại một lần nữa, rằng quản lý xã hội bằng pháp luật thì quyền lực nằm trong tay người quản lý tức là cơ quan ban hành và thực thi pháp luật.

Nếu “pháp luật quản lý xã hội” thì cả cơ quan ban hành các đạo luật là Quốc hội lẫn cơ quan thực thi pháp luật là Chính phủ đều chịu sự chi phối của pháp luật.

Đối với Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là tuân thủ Hiến pháp và “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chính phủ và các cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Nắm quyền lực cao nhất Việt Nam là cơ quan nào?

Quốc hội không thể ban hành, không ban hành hoặc sửa đổi các đạo luật mà không dựa vào thực trạng xã hội và nguyện vọng của toàn dân cũng như Chính phủ không thể vin vào bất kỳ lý do gì để trì hoãn thi hành hoặc “uốn nắn” các quy định của pháp luật.

Điều quan trọng nhất trong đổi mới thể chế chính trị là dựa vào nguyên lý “Pháp luật cai trị (quản lý) xã hội - Rule of law” mà chúng ta quen nói là “Thượng tôn pháp luật”.

Chính điều này đã được không ít người đề cập trong việc Quốc hội cần ban hành “Luật về hoạt động của đảng”.

Bài viết “Cần có luật về Đảng” đăng ngày 19/02/2013 trên Vietnamnet.vn có đoạn:

“Ông Hằng (Nguyên Phó Chủ tịch Mặt trân Tổ quốc Việt Nam Phạm Xuân Hằng - NV) kiến nghị phải sửa đổi nội dung khoản 3 (điều 4 Hiến pháp) nói trên thành: 

“Vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định”. [4]

Việc chưa luật hóa hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội kết hợp với nhận thức chưa đầy đủ của không ít người thực thi công vụ đã khiến cho pháp luật chưa thực sự là tối thượng, là công cụ duy nhất để quản lý xã hội, cho đến nay có lẽ chúng ta vẫn mới chỉ đạt đến ngưỡng quản lý xã hội bằng pháp luật.

Binh pháp quan trường, kế thứ 8 – “Ngôn pháp Tà Lưa”

Trong hoàn cảnh đó lực lượng quản lý xã hội luôn có điều kiện đưa các ý kiến chủ quan vào quá trình thực thi pháp luật.

Có thể thấy rõ ba “xuất hiện” của xu hướng này là “án bỏ túi”, “bộ tứ” hay “Liên ngành tư pháp”,…

Trả lời câu hỏi: “Vậy còn hiện tượng họp 3 ngành trước khi ra quyết định truy tố, xét xử. Có hiện tượng này không thưa luật sư?”, báo Infonet.vn dẫn lời cựu thẩm phán - luật sư Phạm Công Út như sau:

“Điều này là sự nhức nhối của hoạt động tư pháp tồn tại vốn có từ thời kỳ cách mạng “Cải cách ruộng đất” và hiện vẫn duy trì đến ngày nay.

Đó là việc lãnh đạo ba cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án thường có sự phối hợp liên ngành để họp bàn đưa ra các vụ án điểm, nhất là việc phải bàn bạc thống nhất về các vụ án cần phải “xét xử lưu động” hay xét xử tại trụ sở tòa án…”. [5]

(còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1]https://infonet.vn/dbqh-truong-trong-nghia-chung-ta-lam-dan-thuong-mot-vai-gio-xem-post194647.info

[2] http://nhandan.com.vn/cuoituan/item/34886402-y-thuc-ve-thuong-ton-phap-luat.html

[3]http://www.dangcongsan.vn/tieu-diem/thuong-ton-phap-luat-gia-tri-vung-ben-401343.html

[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/can-co-luat-ve-dang-109512.html

[5]https://infonet.vn/tu-vu-an-oan-ong-nen-con-bao-cao-an-an-bo-tui-hop-3-nganh-van-oan-sai-post185905.info

Xuân Dương