Vụ người dân đổi 100 USD tại tiệm vàng bị chính quyền thành phố Cần Thơ phạt 90 triệu đồng đặt ra khá nhiều vấn đề cần câu trả lời không chỉ của những người có trách nhiệm tại thành phố này mà cả việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.
Liên quan đến sự việc, bài viết này không đề cập đến các đối tượng vi phạm (người dân và doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc) mà chỉ đề cập đến các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật thành phố Cần Thơ, cụ thể là Ủy ban Nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát và Công an.
Thông tin được các phương tiện truyền thông đăng tải cho thấy, ngày 24/1/2018, ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều, ký quyết định “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở” đối với căn nhà số 40 Nguyễn Đức Cảnh (tiệm vàng Thảo Lực). [1]
Quyết định khám xét của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều |
Có ba vấn đề cần làm rõ:
Vấn đề thứ nhất: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận có quyền ra lệnh khám xét các địa điểm nghi vấn?
Khoản 1 điều 193, Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định “Thẩm quyền ra lệnh khám xét” như sau:
“Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét.
Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành”.
Khoản 1 điều 113, “Bắt bị can, bị cáo để tạm giam” quy định:
1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Các điều khoản quy định trong luật nêu trên cho thấy ba vấn đề:
Thứ nhất, cụm từ “Khám xét” không đi kèm bất kỳ từ ngữ nào khác, nghĩa là mọi trường hợp tiến hành “Khám xét” không phân biệt “Hành chính” hay “Hình sự” đều phải tuân thủ Bộ luật này.
Thứ hai, để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ của cơ quan hành pháp, luật chỉ cho phép hai cơ quan thuộc khối tư pháp được quyền ra lệnh khám xét là Viện Kiểm sát và Tòa án.
Thứ ba, Thủ trưởng cơ quan điều tra (công an) trực thuộc Ủy ban Nhân dân muốn khám xét thì phải được “Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành”.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tất cả các cấp không được phép ra lệnh (quyết định) khám xét.
Quyết định khám xét mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều ký có viện dẫn: “Căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Đề nghị của Trưởng phòng cảnh sát kinh tế công an thành phố” và không thấy viện dẫn quyết định phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân (cấp có thẩm quyền).
Tìm trong 142 điều của “Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012”, có các điều khoản:
Khoản 1,2 điều 129 “Luật Xử lý vi phạm hành chính”
“Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định”.
Tuy nhiên đã “khám xét” thì không thể trái Bộ Luật tố tụng hình sự, nghĩa là phải có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát.
Trong 143 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chỉ duy nhất điều 100 đề cập đến từ “khám xét” nhưng là:
“Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân nếu…”.
Cũng cần lưu ý thêm việc viện dẫn hai luật trong quyết định của Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều, về mức độ bao quát, có sự phân biệt giữa “Luật” và “Bộ luật”.
Theo đó, “Bộ luật” là một dạng luật có:
- Phạm vi điều chỉnh bao quát và rộng hơn so với một luật chuyên ngành cụ thể;
- Nội dung bao hàm và liên quan nhiều lĩnh vực trong xã hội;…
Theo cách hiểu thông thường các “Bộ luật” có vị trí chỉ sau Hiến pháp.
Các quy định trong các luật chuyên ngành chỉ được phép cụ thể hóa những gì chưa nêu trong “Bộ luật” chứ không được trái với quy định trong Bộ luật.
Viện dẫn luật nhưng trái Bộ luật là không thể chấp nhận.
Với những lập luận nêu trên, có thể thấy Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều không có quyền ra lệnh khám xét nơi cư trú của công dân (hoặc địa điểm kinh doanh) trừ trường hợp người này kiêm nhiệm một trong các chức vụ quy định tại khoản 1 điều 113.
Rõ ràng việc ban hành quyết định khám xét của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ là hành vi trái pháp luật và phải bị xử lý theo quy định hiện hành.
Vấn đề thứ hai, có hay không sự không minh bạch trong các quyết định xử lý của chính quyền thành phố Cần Thơ?
Điều 1 Quyết định do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều ghi:
“Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là: Nhà ở số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ”.
Quyết định này được ký ngày 24/1/2018.
Chưa bắt quả tang vụ mua bán ngoại tệ (diễn ra sau đó 6 ngày - vào trưa ngày 30/1/2018) vì sao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều đã ghi rõ trong quyết định nơi khám xét là “Nhà ở số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ”?
Phải chăng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều đã biết chắc chắn vụ mua bán sẽ diễn ra tại địa chỉ nêu trên nên ghi sẵn địa chỉ nhà dân trong quyết định khám nhà?
Báo Tienphong.vn viết:
“Vụ “bắt quả tang” mua bán 100 USD ở Cần Thơ xảy ra ngày 31/1/2018 (30/1/2018?), nhưng hơn 6 tháng sau, ngày 13/8/2018 cơ quan công an mới lập biên bản vi phạm, và ngày 4/9/2018 ra quyết định xử phạt hành chính.
Tang vật chỉ 100 USD nhưng cơ quan công an lại lục soát nhà thu giữ hàng chục viên kim cương và gần 20 ngàn viên đá quý”.
Theo quy định tại Khoản 4 điều 193, Bộ Luật tố tụng hình sự thì:
“Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án”.
Còn theo điều 178 thì:
“Khi tiến hành hoạt động điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản”.
Cơ quan tố tụng thành phố Cần Thơ thu tang vật trị giá nhiều triệu đồng mà không lập biên bản ngay theo quy định của pháp luật, vậy cần tới 6 tháng để làm gì?
Ảnh chụp màn hình phóng sự Đài truyền hình Cần Thơ |
Trong phóng sự “Cảnh sát giao thông làm luật ở ngã tư Amata”, Đài Truyền hình Cần Thơ ghi lại lời cảnh sát giao thông trong chốt xử lý với người vi phạm như sau:
“Quan trọng do em thôi, em chịu chơi thì người ta chịu chơi với em”. [2]
Liệu có chuyện chờ đợi 6 tháng mới lập biên bản cũng chỉ là một dạng chờ xem “em chịu chơi thì người ta chịu chơi với em”?
Vấn đề thứ ba, vai trò của Viện Kiểm sát
Quyết định khám nhà do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận Ninh Kiều ký có được sự chấp thuận của Viện Kiểm sát?
Nếu không thì vì sao Viện Kiểm sát không có ý kiến?
Trường hợp Viện Kiểm sát phê chuẩn thì họ đã làm đúng luật?
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy điều gì về năng lực nhận thức pháp luật của một số cán bộ lãnh đạo cả hành pháp và tư pháp thành phố Cần Thơ?
Liệu đã đủ cơ sở cho rằng một số cán bộ khối hành pháp và tư pháp Cần Thơ đã sử dụng quyền lực được pháp luật trao cho một cách tùy tiện?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://nld.com.vn/thoi-su/vu-doi-100-usd-bi-phat-90-trieu-vi-sao-thoi-gian-dieu-tra-keo-dai-20181025101953244.htm
[2] http://canthotv.vn/canh-sat-giao-thong-lam-luat-o-nga-tu-amata/