Sáng 19/1/2018, tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Trung ương đã đề nghị các đại biểu thảo luận chuyên đề:
“Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ”.
Kiểm soát quyền lực không phải chuyện riêng của bất kỳ quốc gia hay thể chế chính trị nào, ngay trong mỗi quốc gia, kiểm soát quyền lực không thể là độc quyền của lực lượng lãnh đạo.
Một khi quyền “kiểm soát quyền lực” thuộc về duy nhất cá nhân/tổ chức nắm quyền lãnh đạo thì sớm muộn cũng sẽ xuất hiện tình trạng độc quyền, nói như Lord Acton (1834-1902):
“Mọi quyền lực đều có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối”. (All power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely).
Kiểm soát quyền khó lực hay dễ? ( Ảnh minh họa từ iStock) |
Ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân.
Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Thực tế cho thấy các hội đoàn mà dân chúng lập ra không phải là cơ quan quyền lực và do đó không có tiếng nói quyết định.
Dân chúng chỉ có thể hoặc là ủy thác quyền lực (thông qua Quốc hội) hoặc là bị chiếm dụng quyền lực bởi tổ chức, cá nhân lãnh đạo.
Trường hợp ủy thác quyền lực mà không kiểm soát được thì nguy cơ bị chiếm dụng quyền lực là khó tránh khỏi.
Vấn đề là ở nước ta có hay không việc “chiếm dụng quyền lực”?
Câu trả lời có thể tìm ngay trong quyết định của Trung ương qua việc công bố chuyên đề nghiên cứu: “Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ”.
Ông Cao Sỹ Kiêm: Lãnh đạo độc đoán, quyết định sai sẽ kéo thuộc cấp sai theo |
Thực ra, ngay trong Hiến pháp, các quyền của dân chúng như quyền thành lập hội, quyền biểu tình - phát biểu chính kiến đã được quy định và điều này cần được luật hóa thành các đạo luật như Luật về Hội, Luật Biểu tình…
Do nhiều nguyên nhân, hiện nay các luật này vẫn chưa được ban hành.
Lợi dụng quyền lực, chiếm dụng quyền lực chỉ là hậu quả tất yếu của hành động “chạy chức, chạy quyền” bởi một khi đã “chạy” tất phải tốn kém và người ta phải dùng chức và quyền kiếm được để tìm cách “thu hồi vốn”.
Không ít người nghĩ “vốn” cần thu hồi là tiền, là bất động sản, là tài khoản ở đâu đó,…
Nghĩ thế không sai nhưng chưa đủ, có người còn cần huân chương, danh hiệu anh hùng hay được xếp vào hàng “nguyên khí quốc gia”, được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, “vốn” còn là “cánh hẩu” được hình thành bằng cách ban phát “quyền” cho người thân, chiến hữu,…
Tại hội nghị nêu trên, “Ban Tổ chức Trung ương đề xuất tăng cường đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội hay dư luận quần chúng nhân dân nhằm có thêm kênh thông tin kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời biểu hiện chạy chức, chạy quyền; …
Đề xuất là tạo các diễn đàn giám sát và phản biện xã hội; xây dựng không khí dân chủ thực sự để cán bộ, đảng viên và nhân dân cho ý kiến góp ý, phản ánh về chạy chức, chạy quyền”. [1]
Muốn động viên quần chúng thì việc đầu tiên là phải có cơ chế để quàn chúng không “sợ”, nói cách khác quần chúng phải biết được quyền và nghĩa vụ khi tham gia quản lý nhà nước.
Phải luật hóa quyền của người dân nhằm tránh những nhận thức ngây thơ theo kiểu “đường ta ta cứ đi” hoặc những hành động quá khích ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Nói như một chính trị gia phương tây: “Khi nhân dân sợ chính quyền của họ thì nơi đó có sự chuyên chế; khi chính quyền sợ nhân dân thì nơi đó có tự do”.
Nói đến kiểm soát quyền lực là nói chung chung bởi có nhiều quyền lực khác nhau như “quyền lực cứng” (hard power), “quyền lực mềm” (soft power), quyền lực thông minh (smart power).
Trong ba quyền đó, “Quyền lực thông minh” đương nhiên không cần kiểm soát.
Kiểm soát quyền lực phải gắn quyền lực cần kiểm soát với hai đối tượng nắm quyền lực là tổ chức và cá nhân, trong đó kiểm soát quyền lực của tổ chức phải được đặt lên hàng đầu.
Nhân loại đã quá đã quen với chiến lược xử lý vấn đề quốc tế theo kiểu “chiếc gậy và củ cà rốt” mà các nước lớn đưa ra, đây chính là cách nói khác của “quyền lực cứng”.
Bằng quyền lực quân sự và kinh tế, người ta có thể khuất phục các đối tượng yếu thế nhằm mục đích kinh tế hoặc duy trì ảnh hưởng chính trị của mình.
Sử dụng sức mạnh của lực lượng vũ trang chính là biểu hiện của “quyền lực cứng” và điều này không chỉ tồn tại trong quan hệ quốc tế mà cũng tồn tại ngay trong từng quốc gia cụ thể.
Để hạn chế việc sử dụng quyền lực cứng một cách tùy tiện, mỗi thể chế chính trị có những quy định khác nhau.
Chẳng hạn, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (Stratcom) có thể bất tuân nếu cảm thấy lệnh tấn công của tổng thống là “sai luật”.
Trường hợp biết sai luật mà vẫn thực hiện lệnh của cấp trên, người thi hành có thể nhận lãnh hậu quả tai hại như ý kiến của tướng Hyten, Chỉ huy trưởng Stratcom:
“Nếu thi hành một lệnh trái phép, bạn sẽ phải đi tù, thậm chí hết phần đời còn lại.
Điều này áp dụng cho cả việc dùng vũ khí hạt nhân, vũ khí hạng nhẹ, chiến thuật và mọi thứ khác”. [2]
Câu hỏi đặt ra là người khởi tố trái phép vụ án quán cà phê “Xin chào”, vụ “chiếc lều vịt” ở quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều vụ khác có bao nhiêu người bị đi tù?
Ngay tại diễn đàn Quốc hội, trải qua rất nhiều phiên chất vấn, có những bộ, ngành dân rất muốn hỏi nhưng lại không phải đăng đàn.
Các đại biểu Quốc hội thay mặt dân, thế có nghĩa là dân không muốn hỏi hay dân không được hỏi, phải chăng vì “dân” chưa biết đến quyền và nghĩa vụ của mình hay các đại biểu chưa làm tròn nhiệm vụ mà dân ủy thác?
Kiểm soát “quyền lực mềm” là vấn đề khó bởi “quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo.
Quyền lực mềm thực hiện thông qua sự hấp dẫn, thuyết phục, không cưỡng bức, ép buộc" (theo Joseph Nye).
Nói khó kiểm soát bởi không hiếm khi người ta tạo ra quyền lực mềm bằng cách mị dân, bằng các chiêu PR (public relations - quan hệ công chúng) khéo léo mà không phải ai cũng nhận thấy.
Để minh họa cho câu chuyện kiểm soát quyền lực, xin đề cập câu chuyện ở Thanh Hóa.
Ông Ngô Văn Tuấn vừa bị Thủ tướng cách chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Việc ông Tuấn phải thôi chức đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ là vấn đề thời gian - như điều đã xảy ra với cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Câu hỏi không ít người đặt ra là vụ “nâng đỡ không trong sáng” cô gái có tên Quỳnh Anh ở Thanh Hóa có phải chỉ là lỗi của một mình ông Ngô Văn Tuấn, không có lỗi của cấp trên ông Tuấn tại các cơ quan đảng và chính quyền tỉnh này?
Nếu ông Tuấn không xin ý kiến chỉ đạo hoặc không được (bị) chỉ đạo từ cấp cao hơn, một mình ông tự ra các quyết định thì nhận hình thức kỷ luật cách chức do các sai phạm (không chỉ vụ Quỳnh Anh) là xứng đáng.
Trường hợp ông Tuấn “nâng đỡ không trong sáng Quỳnh Anh” là do những nguyên nhân “khách quan” chưa thể chứng minh nên chịu kỷ luật thì ngoài chuyện ông “bị oan” còn một câu hỏi khác cần phải làm sáng tỏ:
“Sức mạnh nào khiến ông phải nhận kỷ luật mà không dám “tố cáo tội phạm”?
Với chức vụ đã đảm nhận, ông Ngô Văn Tuấn chắc chắn phải biết “không tố cáo tội phạm” là một tội đã được quy định rất rõ trong Bộ Luật Hình sự, mặt khác “không trung thực” cũng là một trong những điều đảng viên không được làm.
Nếu quả thật có một quyền lực nào đó (đây chỉ là giả thiết) ở Thanh Hóa khiến ông Tuấn không thể nói lên sự thật thì việc kiểm soát quyền lực ở địa phương này (và cả nước nói chung) đã đang diễn biến thế nào?
Liệu Thanh Hóa thời hiện đại có tồn tại câu chuyện “Lê Lai liều mình cứu chúa”?
Nếu chuyện này là thật và nếu không được làm rõ thì câu chuyện kiểm soát quyền lực thật khó để đi đến kết quả mong đợi.
Bởi những vị “vua con” đã thâu tóm đủ quyền lực để chi phối cả tổ chức lẫn chính quyền và đương nhiên khi đó “quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối”.
Tác giả Thiện Văn trên Vietnamnet.vn cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa là do cơ chế kiểm soát quyền lực người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, cụ thể, không đủ sức ngăn ngừa những biểu hiện vi phạm, sa ngã của cán bộ”. [3]
Nếu chỉ do người đứng đầu thì phải hiểu thế nào việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nhiều tập thể như Ban Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đắk Nông, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam,…
Có thể thấy lỗi không chỉ thuộc về người đứng đầu mà cũng còn do tổ chức cơ sở trong đó có một số Ban Thường vụ đảng ủy (tỉnh, thành phố, tập đoàn,…) chưa làm tốt công tác kiểm soát quyền lực người đứng đầu của chính mình, nói cách khác chính tại các tổ chức này cũng đang tồn tại vấn đề về kiểm soát quyền lực.
Cơ chế kiểm soát quyền lực là sản phẩm của thể chế chính trị, thể chế nào thì sinh ra cơ chế ấy.
Một thể chế chính trị văn minh, khoa học không thể sinh ra một cơ chế “tù mù”.
Chính vì thế muốn kiểm soát quyền lực thì phải dựa vào một học thuyết tiến bộ, vừa học, vừa làm khó có thể tránh khỏi những vấp ngã.
Mọi vấp ngã đều phải trả giá.
Chúng ta có thể vui mừng vì năm 2017 nền kinh tế có nhiều khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD nhưng theo xếp hạng của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Việt Nam chỉ đứng thứ 127 trên 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. [4]
Để có thể kiểm soát quyền lực, cần có những bước đi mạnh dạn như sau:
Luật hóa các quyền cụ thể của dân chúng như quyền lập hội, quyền biểu tình,…;
Đưa Luật Trưng cầu ý dân vào cuộc sống;
Ban hành Luật về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm người đứng đầu;
Giảm số đối tượng cần kiểm soát bao gồm cả tổ chức và cá nhân;
Tăng khung hình phạt với các tội tham nhũng quyền lực;…
Vấn đề khó nhất trong kiểm soát quyền lực không phải do thiếu chế tài mà nằm ở chỗ đối tượng nắm quyền có muốn quyền lực bị kiểm soát hay không?
Điều người dân có thể vui mừng là ban lãnh đạo hiện tại đã nhận thấy được những gì mà đất nước, dân tộc phải trả cho những vấp ngã mấy chục năm qua.
Mọi sự khởi đầu không bao giờ là quá muộn nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu sự khởi đầu đó được tiến hành ngay khi sai lầm được phát hiện.
Tài liệu tham khảo: