10 năm làm GV, 25 năm làm quản lý, tôi thấy không hiệu trưởng nào dại đi dạy mẫu

19/02/2023 06:47
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để giáo dục thành công, người thầy phải là tấm gương sáng, lấy nhân cách, trí tuệ của mình làm tấm gương cho học sinh noi theo.

Thời gian qua, câu chuyện xung quanh việc có nên quy định hiệu trưởng, hiệu phó tham gia hội giảng, dạy mẫu thu hút được nhiều ý kiến trao đổi trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thầy Nguyễn Bá An, một cựu hiệu trưởng chia sẻ với người viết: “Mình làm giáo viên gần 35 năm, trong đó có hơn 25 năm làm cán bộ quản lý, chưa thấy cán bộ quản lý nào hội giảng, dạy mẫu.

Khi còn là giáo viên, cần phấn đấu để có thành tích, có cơ hội được bổ nhiệm tổ phó, tổ trưởng, hiệu phó, hiệu trưởng, thì mới tham gia hội giảng.

Nay đã là cán bộ lãnh đạo, năng lực chuyên môn đã được “đóng dấu” bởi chức vụ, chả ai dại gì hội giảng, dạy mẫu.

Để dạy một tiết hội giảng hay minh họa chuyên đề, trước đây mình phải chuẩn bị cả tháng, dạy đi dạy lại còn sai sót. Nay dạy hội giảng, dạy mẫu, không có thời gian chuẩn bị rất dễ có sai sót.

Không cần hội giảng, dạy mẫu, nhưng nói có người nghe, đe có người sợ, cần gì phải lao tâm khổ tứ nữa.

Khi đi dự giờ, nhận xét đánh giá người khác dạy, nhìn ra cái hay, cái tốt mới khó, nhìn thấy khuyết điểm, cái chưa được thì dễ.

Khi đi dự giờ, nhận xét đánh giá người khác dạy, với người cùng “phe” thì nói ưu điểm, khuyết điểm nói riêng, ngược lại, không thích thì cứ nhìn vô khuyết điểm mà phán, nên giáo viên chả ai yêu cầu mình dạy hội giảng, dạy mẫu.

Vì vậy, dù không hội giảng, dạy mẫu, nhưng uy tín chuyên môn vẫn như ngày nào, là cây đa, cây đề rồi, vậy có cần tham gia hội giảng, dạy mẫu?”.

Cùng chia sẻ về vấn đề hiệu trưởng, hiệu phó có nên tham gia hội giảng, dạy mẫu, thầy giáo Nguyễn Hữu Hà, một cựu phó hiệu trưởng, chia sẻ:

“Không có bất cứ quy định nào bắt buộc phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng phải tham gia dạy hội giảng, dạy mẫu cả, vậy dại gì ôm rơm cho nặng bụng?

Trong các đợt thi dạy giỏi cấp trường, phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng đã nằm trong ban tổ chức cuộc thi, chỉ có giáo viên mới tham gia hội giảng thôi.

Vì vậy, chuyện phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng không tham gia hội giảng hay dạy mẫu là chuyện tất yếu”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi làm phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng…, các giáo viên giữ chức vụ quản lý có nhiều công việc, dần xa việc đứng lớp. Chính vì thế, không ít vụ việc hiệu trưởng, hiệu phó đứng lớp ít hơn số tiết định mức quy định bị phát hiện sau khiếu nại, tố cáo. Nếu giờ quy định, hiệu trưởng, hiệu phó phải hội giảng, dạy mẫu, người trong cuộc đa số không chắc mặn mà.

Công văn 8499/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ghi rõ: Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: số tiết quy định của hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần.

Để thuận tiện cho các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường vừa trực tiếp tham gia giảng dạy, việc phân công giảng dạy cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường.

Nội dung giảng dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể: (1) tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo (các môn học/chủ đề tự chọn); (2) tham gia dạy học môn đạo đức (đối với chương trình giáo dục tiểu học); (3) thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn theo chương trình môn học hoặc dạy thay giáo viên đi học, nghỉ ốm, thai sản, dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn, nghiệp vụ sao cho đảm bảo tổng số tiết dạy quy định của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đúng theo quy định hiện hành”.[1]

Thực tế hiện nay, phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng ở các cơ sở giáo dục trung học thường thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Vì thế, phó hiệu trưởng hay hiệu trưởng khó có thể cập nhật chuyên môn và phương pháp dạy học mới, làm sao dám dạy mẫu cho giáo viên dự giờ.

Trong chương trình tập huấn sách giáo khoa mới, bồi dưỡng thường xuyên, chính người viết đã đề nghị tác giả viết sách, báo cáo viên dạy mẫu một tiết cho giáo viên được thị phạm, nhưng đều bị từ chối khéo léo.

Để giáo dục thành công, chính là người thầy phải là tấm gương sáng, lấy nhân cách mình làm tấm gương cho học sinh noi theo.

Trong quản lý cũng vậy, nói phải đi đôi với làm, chỉ nói lý thuyết, không dám minh họa, đó chỉ là lý thuyết suông.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, khi thực hiện chương trình mới, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng trường trung học phải tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo.

Phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo mới cập nhật kiến thức, phương pháp, từ đó mới có thể đề ra giải pháp gắn với thực tế.

Thực hiện chương trình mới, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng không tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo, khi chỉ đạo chẳng khác “cưỡi ngựa xem hoa”, xa rời thực tế, kết quả giáo dục khó đạt được như kì vọng của xã hội.

Người viết đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định bắt buộc phó hiệu trưởng, hiệu trưởng tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo khi thực hiện chương trình mới.

Nếu phó hiệu trưởng, hiệu trưởng nào không có năng lực tham gia dạy học trên lớp theo đúng chuyên môn được đào tạo khi thực hiện chương trình mới, kiên quyết không tái bổ nhiệm.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Lao-dong-Tien-luong/Cong-van-8499-BGDDT-NGCBQLGD-2013-huong-dan-so-tiet-giang-day-theo-quy-dinh-cua-hieu-truong-209282.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh