10 năm qua, số vốn ODA dành cho giáo dục là bao nhiêu?

10/08/2022 09:08
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN - Nguồn thu từ học phí ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó phần kinh phí ngân sách nhà nước cấp giảm dần.

Đó là kết quả được chỉ ra trong Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020 của Giáo sư Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Bức tranh tổng quát về tài chính của giáo dục đại học trong 10 năm từ 2011-2020 qua báo cáo của Giáo sư Lê Anh Vinh cho thấy chi phí ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang giảm dần, chi phí tư nhân lại có xu hướng tăng dần.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học ở nước ta ở mức rất thấp

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cam kết ưu tiên cao cho giáo dục. Điều 96 Luật Giáo dục 2019 đã quy định: Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên thực tế trong giai đoạn 2011-2020, Nhà nước chỉ phân bổ được từ 17,4% đến 20,2% tổng ngân sách quốc gia cho giáo dục, duy nhất năm 2014 đạt 20,2%, và tỷ lệ này có xu thế giảm dần.

Giáo sư Lê Anh Vinh dẫn số liệu, Việt Nam đã chi 17 nghìn tỷ đồng cho giáo dục đại học năm 2017 - tương ứng với khoảng 0,34% GDP toàn quốc, chiếm 1,25% chi chính phủ và chiếm 6,9% chi tiêu của giáo dục (không bao gồm phí học phí).

Tỷ lệ chi cho giáo dục đại học theo GDP quốc gia một số nước năm 2017. Nguồn: Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020

Tỷ lệ chi cho giáo dục đại học theo GDP quốc gia một số nước năm 2017. Nguồn: Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020

Những con số thống kê cho thấy, chi phí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học ở nước ta còn rất thấp so với nhiều nước khác trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, nguồn thu từ nghiên cứu, đổi mới chuyển giao công nghệ,... còn rất khiêm tốn.

Chính vì vậy học phí trở thành nguồn thu nhập lớn nhất của trường đại học công lập, mức đóng góp từ hộ gia đình đã tăng gấp đôi từ năm 2008 đến 2018. Thậm chí, một số cơ sở giáo dục đại học còn phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của các hộ gia đình.

Theo kết quả một cuộc khảo sát giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện năm 2018 cho thấy, ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm 22%, học phí 55% và 23% từ các nguồn khác (như R&D, chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh và đào tạo…) trong tổng thu của các trường đại học công lập trong năm 2017. Các số liệu này ở năm 2004 lần lượt là 68%, 26% và 6% so với tổng thu của các trường.

Tài chính phụ thuộc vào học phí

Nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội cho giáo dục; nâng cao tính tự chủ, nước ta đã tiến hành thí điểm tự chủ tài chính với một số trường đại học. Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020 của Giáo sư Lê Anh Vinh đã chỉ ra kết quả 3 năm thực hiện thí điểm tự chủ tài chính.

Một số tín hiệu tích cực sau 3 năm thực hiện: Phần lớn các trường đảm bảo tốt hoạt động chi thường xuyên, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học và có chênh lệch thu lớn hơn chi, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên; Cơ cấu chi thay đổi theo hướng tăng chi hoạt động sự nghiệp (từ 70,6% giai đoạn trước lên 72,4%), tập trung chủ yếu vào chi cho con người, học bổng, nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm và giảm chi dịch vụ,...

Trong đó đáng chú ý, thu sự nghiệp (chủ yếu là thu từ học phí và lệ phí) chiếm tỷ trọng trên 70%, thu từ dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp đồng tư vấn… vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm trong cơ cấu nguồn thu. Nguồn thu từ học phí ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, ngược lại phần kinh phí ngân sách nhà nước cấp giảm dần.

Tuy nhiên, Giáo sư Lê Anh Vinh cũng chỉ ra một số bất cập còn tồn tại ở cơ chế tự chủ tài chính như thiếu tính đồng bộ: được giao tự chủ tài chính, song vẫn đang tuân thủ nhiều Luật, nên quá trình thực hiện nhiều lúc vẫn mang tính hình thức; Vấn đề quản lý thu, chi của các đơn vị trực thuộc; Vấn đề hạch toán và thẩm quyền quyết định của các cơ sở giáo dục đại học chưa được hướng dẫn một cách cụ thể và thống nhất,...

Mâu thuẫn về quyền tự chủ tài chính nhưng lại bị giới hạn về mức thu học phí (không vượt quá giới hạn tối đa theo quy định của Nhà nước); Tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục đại học xuất hiện khá phổ biến. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn lực tài chính của một số cơ sở giáo dục đại học chưa tích cực, chưa hướng đến mục tiêu chất lượng đào tạo.

Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học

Báo cáo cũng chỉ ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học vẫn diễn ra: những sinh viên thuộc gia đình có điều kiện tốt hơn thường tiếp cập giáo dục đại học tốt hơn; bất bình đẳng giữa nhóm sinh viên dân tộc thiểu số được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách lớn.

Giáo sư Lê Anh Vinh nhận định, đây là một trong những rào cản đối với việc tiếp cận giáo dục đại học cho những đối tượng dễ bị tổn thương, gây cản trở cho tiến trình cải thiện sự bình đẳng trong giáo dục.

Tỷ lệ sinh viên cao đẳng trở lên được miễn học phí/ các khoản đóng góp 2008-2018. Nguồn: Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020

Tỷ lệ sinh viên cao đẳng trở lên được miễn học phí/ các khoản đóng góp 2008-2018. Nguồn: Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2018 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sinh viên cao đẳng, đại học được miễn giảm học phí hoặc các khoản đóng góp gần như đã giảm một nửa kể từ năm 2008, đạt 6,9% trong năm 2018. Trong khi đối với học viên sau đại học, tỷ lệ này tăng 6.7 lần kể từ năm 2008, đạt 9.4% ở năm 2018.

ODA cho giáo dục, giáo dục đại học và học bổng du học 2010-2019. Nguồn: Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020

ODA cho giáo dục, giáo dục đại học và học bổng du học 2010-2019. Nguồn: Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011-2020

Phân tích nguồn dữ liệu Creditor Reporting System của OECD cho thấy, hệ thống dục đại học là bên thụ hưởng chính của nguồn vốn ODA dành cho giáo dục Việt Nam. Do đó, mức hỗ trợ bị giảm một nửa theo sự sụt giảm ODA chung trong giai đoạn 2010-2019: từ 80 triệu USD còn 40 triệu USD; tỷ trọng ODA cho giáo dục đại học giữ mức khá ổn định từ năm 2010 đến 2018, trong đó về cơ bản là khoản mục học bổng cho sinh viên du học ở chính các quốc gia tài trợ ODA.

Doãn Nhàn